Làm rõ thế nào là “không giải trình được một cách hợp lý”?

Thứ tư, 13/06/2018 15:46
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm khi cho ý kiến vào Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 13/6.

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm và chưa có căn cứ xác định do phạm tội mà có theo 02 phương án:

Phương án 1:  Quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập do người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc.

ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng). (Ảnh: TH).

Cơ bản đồng tình với phương án 1, tuy nhiên ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) đề nghị làm rõ thế nào  là “không giải trình được một cách hợp lý”. Do việc đánh giá hợp lý hay không hợp lý phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của người đánh giá, do vậy pháp luật cần có quy định mang tính nguyên tắc trong trường hợp này.

Theo ĐB Đỗ Văn Bình (Hải Phòng), kết luận xác minh tài sản là quan trọng, đây là cơ sở của việc xử lý tài sản thu nhập, tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý. Tuy nhiên, việc xác minh tài sản trong nhiều trường hợp là vấn đề khó.

“Điều 79 dự thảo Luật chỉ nêu nội dung quản lý việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản thu nhập mà chưa nêu nội dung hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện việc kê khai và kiểm soát tài sản thu nhập người kê khai. Đề nghị nghiên cứu bổ sung  nội dung này”, ĐB Bình nói.

ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng cán bộ, công chức ngoài lương thì có thể có những khoản thu nhập hợp pháp khác như thù lao giảng dạy, nhưng họ vì lý do nào đó muốn che giấu hoặc quên không kê khai. "Xét dưới góc độ luật học thì những khoản thu nhập không được kê khai đầy đủ không thể suy luận là thu nhập bất hợp pháp" - ĐB Đức phân tích.

Theo  ĐB Hồ Ngọc Hạnh (Bình Thuận) dù áp dụng phương án nào cũng phải hết sức thận trọng, có bước đi phù hợp. Để xử lý vấn đề này và để nâng cao tính thuyết phục của quy định,  ĐB Hạnh cho hay, nên nghiên cứu xử lý theo hướng “ vi phạm ở mức độ nào xử lý đến mức độ đó” không gộp chung các nội dung hành vi sai phạm của vấn đề và tính công khai, minh bạch phải được thể hiện rất cụ thể./.

Phương Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực