Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) : Khắc phục nhiều vướng mắc trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ

Thứ ba, 27/06/2017 12:42

(ĐCSVN) - Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) chính thức được Quốc hội bấm nút thông qua chiều 19/6 đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh. Ảnh: Lê Văn

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại xóa bỏ các hàng rào bảo hộ giữa các quốc gia và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các công nghệ thế hệ mới đã và sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mở ra cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ.

Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ. Kỷ nguyên số với các công nghệ mới, nền tảng điều hành mới sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động quản lý nhà nước về công nghệ, thẩm định và chuyển giao công nghệ các dự án đầu tư theo hướng đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, đồng thời phải kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để đảm bảo gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.

Trước bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội đất nước, khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, Bộ Khoa học và Công nghệ đã rà soát nội dung của Luật Chuyển giao công nghệ để có điều chỉnh phù hợp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu mới phát sinh từ thực tiễn cũng như bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và hiệu lực thi hành của Luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Chuyển giao công nghệ ban hành năm 2006.

Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao.

Bộ trưởng cũng cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi có nhiều điểm mới và có thể giải quyết được cơ bản những vướng mắc, bất cập. Điểm mới của Luật đã ưu tiên nguồn lực cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn khi quy định một số chính sách, biện pháp thúc đẩy hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, giải quyết các vấn đề thực tiễn sản xuất đặt ra, thu hút nguồn lực của xã hội cho hoạt động này.

Cụ thể: Tổ chức, cá nhân tự đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sau khi có kết quả chuyển giao, ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, được cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ công nhận thì được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Trường hợp kết quả có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước thì Nhà nước sẽ xem xét mua kết quả đó. Tổ chức khoa học và công nghệ sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có hoạt động liên kết với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để hoàn thiện kết quả phù hợp đặc thù địa phương. Luật quy định cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với các cá nhân thuộc các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học hoạt động nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm khuyến khích nghiên cứu giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng và nhà nước trong việc tái cấu trúc nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với với nền sản xuất hàng hóa, Luật đã bổ sung chính sách ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn.

Điểm mới của Luật Chuyển giao công nghệ đã tạo thuận lợi nhiều hơn cho doanh nghiệp khi vấn đề giao quyền sở hữu và quyền sử dụng công nghệ sửa đổi theo hướng hoàn chỉnh và tiến bộ hơn, tạo thuận lợi cho tổ chức chủ trì việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Quy định này giúp các doanh nghiệp mở rộng nội dung chi của Quỹ nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Luật cũng đã bổ sung thêm một số cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ. Đặc biệt là việc thừa nhận các quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là quyền tài sản, là tài sản bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ Phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia và các tổ chức tín dụng. Đối với phát triển thị trường khoa học công nghệ, Luật đã bổ sung các quy định mở đường cho phát triển nguồn cung-cầu công nghệ; mua sáng chế, sáng kiến được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho doanh nghiệp, cộng đồng. Hợp tác công tư trong phát triển các trung gian của thị trường khoa học và công nghệ (xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ quốc gia); đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian và hỗ trợ nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần tăng cường kiểm soát công nghệ, Luật được thông qua lần này đã dành một chương quy định về thẩm định công nghệ các dự án đầu tư. Việc tăng cường kiểm soát cần bảo đảm không làm tăng “gánh nặng” và “rào cản” về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, đồng thời, tránh được các xung đột pháp luật với các đạo luật hiện hành liên quan.

Trong quá trình soạn thảo Luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để lồng ghép thủ tục thẩm định công nghệ các dự án đầu tư vào quy trình xem xét chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Để kiểm soát, ngăn chặn công nghệ lạc hậu nhập vào Việt Nam, ngoài quy định về thẩm định công nghệ, Luật cũng sửa đổi tiêu chí xác định công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao; bổ sung cơ chế quản lý đối với từng loại công nghệ, bảo đảm nắm được các luồng công nghệ chuyển giao.

Để ngăn ngừa tình trạng chuyển giá, trốn thuế xảy ra thời gian qua, Luật bổ sung quy định về việc kiểm toán giá công nghệ chuyển giao đối với 3 loại đối tượng (chuyển giao công nghệ giữa các bên mà một hoặc nhiều bên có vốn nhà nước, giữa các bên có quan hệ theo mô hình công ty mẹ - con và giữa các bên có quan hệ liên kết theo quy định pháp luật về thuế). Đồng thời, bổ sung quy định về thẩm định giá đối với công nghệ góp vốn trong trường hợp dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước./.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực