Phát triển nghề công tác xã hội: Cần có luật

Thứ hai, 18/12/2017 16:25
(ĐCSVN) – Khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về nghề công tác xã hội và thực hành nghề công tác xã hội chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ.
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: KT)

Khoảng trống nghề CTXH

Bộ LĐ-TB&XH, Hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nghề công tác xã hội (CTXH)”.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam nhấn mạnh, thực chất nghề CTXH là cung cấp dịch vụ cho người dân, nhân viên xã hội là người phục vụ và kết nối với cơ quan Nhà nước, kể cả lĩnh vực tư pháp. Đối tượng được phục vụ, chăm sóc là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cần được bảo vệ, che chở. Nghề CTXH góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe, đời sống của cộng đồng, từng cá nhân, nhóm yếu thế, gia đình và trẻ em.

Trong những năm qua, Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Đã có 60 trường đào tạo nghề CTXH và hàng trăm lớp bồi dưỡng ngắn hạn được triển khai; số trung tâm trợ giúp và cung cấp dịch vụ xã hội cũng tăng theo tinh thần xã hội hóa, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống an sinh xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hằng khẳng định, đối đượng có hoàn cảnh đặc biệt cần được xã hội quan tâm chăm sóc, bảo vệ, che chở rất lớn. “Hiện cả nước có 9 triệu người nghèo; 7,5 triệu người cao tuổi; 5,4 triệu người khuyết tật; 4 triệu người nhiễm chất độc da cam; 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 180.000 người nhiễm HIV…. Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, hiện diện bao phủ CTXH mới chiếm khoảng 28%” – bà thông tin.

Vẫn theo bà Nguyễn Thị Hằng, lực lượng làm nghề CTXH rất mỏng và phần đông chưa được đào tạo chính quy, bài bản. Mục tiêu Đề án 32 là đến năm 2020 bảo đảm 60.000 cán bộ, nhân viên CTXH được đào tạo. Bộ LĐTB&XH cũng đã ký kết dự án với Tổ chức Gia đình và Cộng đồng quốc tế trong 3 năm (2017 – 2020) đào tạo cho 700 cán bộ quản lý cấp cao và 300 thạc sỹ CTXH.

“Tuy nhiên, khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về nghề CTXH và thực hành nghề CTXH chưa hoàn chỉnh và chưa đồng bộ. Trước những vấn đề phức tạp của xã hội, đòi hỏi phải có nhận thức và tiếp cận mới. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghề CTXH là việc quan trọng và đã đến lúc cần có luật về nghề CTXH” – bà Nguyễn Thị Hằng nhần mạnh.

TS. Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề CTXH Việt Nam chỉ ra, pháp luật về CTXH là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc phát triển nghề CTXH. Theo ông, “Hầu hết các quốc gia có nghề CTXH phát triển họ đều có luật và có Hiệp hội của những người hành nghề CTXH và Hiệp hội các trường đào tạo về CTXH. Luật về CTXH điều chỉnh các hoạt động nghề nghiệp CTXH, bảo vệ quyền và lợi ích của người cung cấp dịch vụ (nhân viên CTXH) và bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ CTXH. Để phát triển CTXH thành một nghề chuyên nghiệp ở Việt Nam theo Đề án 32 của Chính phủ, cần thiết phải xây dựng và ban hành luật về CTXH”.

Đề xuất nội dung cơ bản của luật

Tại hội thảo này, các đại biểu đã khuyến nghị các nội dung cơ bản của Luật Thực hành công tác xã hội ở nước ta.

Theo TS Nguyễn Hải Hữu, về tên gọi, theo kinh nghiệm của các nước về việc nghiên cứu xây dựng ban hành luật về CTXH thì có nhiều cách thể hiện khác nhau như: Luật thực hành CTXH; Luật đăng ký hành nghề CTXH; Luật nhân viên CTXH; Luật CTXH và dịch vụ xã hội...  Theo ông, cho dù tên luật phạm vi, mức độ chi tiết của luật và cách thể hiện có khác nhau nhưng chung quy lại đều có điểm chung nhất quy định về thực hành CTXH và điểm này được xem là nội dung cốt yếu nhất của các đạo luật về CTXH. "Do vậy, đối với Việt Nam tên luật có thể lấy tiêu đề là Luật thực hành CTXH" - ông đề xuất.

TS Nguyễn Hải Hữu đề xuất kết cấu Luật thực hành CTXH thành 7 chương. Trong đó, ông nhấn mạnh, chứng chỉ hành nghề CTXH là điều kiện để đảm bảo cho việc cung cấp dịch vụ CTXH đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ do pháp luật quy định. Theo đó, ông khuyến nghị về điều kiện thi và cấp chứng chỉ hành nghề CTXH gồm các điều kiện như: phải có bằng đại học chính quy chuyên ngành về CTXH do các trường đại học được phép đào tạo CTXH cấp; phải qua một khóa tập huấn ngắn hạn về pháp luật thực hành CTXH do cơ quan, tổ chức được pháp luật giao trách nhiệm thực hiện; phải tham dự kỳ thi sát hạch do cơ quan có trách nhiệm tổ chức và phải đạt điểm từ trung bình trở lên; chứng chỉ hành nghề có giá trị tối thiểu là 5 năm, sau 5 năm sẽ sát hạch lại...

TS Nguyễn Hải Hữu cũng đề xuất "cần có quy định chỉ có những người được cấp chứng chỉ hành nghề mới được thực hành cung cấp dịch vụ công tác xã hội và được pháp luật bảo vệ. Những người hành nghề mà chưa được cấp chứng chỉ hành nghề là vi phạm pháp luật".

Trong tham luận gửi đến hội thảo, TS Bùi Sỹ Lợi đề xuất nội dung chủ yếu của Luật gồm: Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của cá nhân thực hành nghề CTXH; Điều kiện, thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Quy trình, tiêu chuẩn và lĩnh vực thực hành CTXH; Quy định về tiêu chuẩn của các Hiệp hội có cung cấp dịch vụ CTXH; Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với thực hành cung cấp dịch vụ CTXH./..

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực