Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi)

Thứ sáu, 30/01/2015 17:01

(ĐCSVN) - Sáng 30/1, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, đại biểu Quốc hội một số tỉnh phía Bắc và đại diện một số cơ quan đơn vị.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi được xây dựng nhằm xây dựng Bộ luật trở thành Hiến pháp của hệ thống luật tư; là công cụ pháp lý hữu hiệu để người dân bảo vệ các quyền pháp lý của mình. Đồng thời, Bộ luật Dân sự phải là bộ luật của nền kinh tế thị trường với việc hoàn thiện quy định về hợp đồng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoàn thiện các quy định về quyền tài sản và sở hữu.

 

Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). (Ảnh: TH).


Tại Hội nghị, một trong những vấn đề được các đại biểu hết sức quan tâm đó là các quy định về quyền nhân thân. Rất nhiều quy định mới trong dự thảo đã được sửa đổi, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp để bảo đảm công dân thực hiện tốt nhất các quyền năng của mình. Nếu như trước đây rất nhiều vụ kiện bị dừng vì hết thời hiệu thì nay chính thời hiệu trở thành công cụ bảo vệ lợi ích của người dân.

Luật sư Nguyễn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đề xuất: Quyền nhân thân nếu quy định theo hướng liệt kê thì phải đảm bảo thống nhất trong cả bộ luật tránh sót.

Ngoài ra, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có nhiều điểm mới tiến bộ như quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, quy định về nghĩa vụ của tòa án không được dựa vào việc thiếu pháp luật điều chỉnh để từ chối thụ lý vụ việc của người dân và liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Do đó, các ý kiến đề nghị nhà làm luật cần lắng nghe ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân để các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân được cụ thể hóa một cách hiệu quả trong các vấn đề dân sự và được quy định chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi.

Điều 481 của Dự thảo quy định: Hợp đồng tặng, cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng, cho nhận tài sản. Đối với động sản mà pháp luật quy định quyền sở hữu thì hợp đồng tặng, cho có hiệu lực từ thời điểm đăng kí. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú, Hà Nội cho rằng: Đây là một vấn đề thực tiễn mà nếu quy định như vậy sẽ có thể xảy ra tình trạng kí hợp đồng xong rồi nhưng lại bội ước. Do đó, đề nghị dự thảo Bộ luật cần quy định hiệu lực của hợp đồng là ngay sau khi kí kết để các bên căn cứ vào đó thực hiện đầy đủ các quyền như trách nhiệm giao vật, giao giấy tờ…

Đưa ra những bất cập trong thực tiễn từ vấn đề tài sản, quyền lợi của các bên trong việc ký kết hợp đồng, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Bộ luật cần được sửa đổi một số quy định cho phù hợp bởi trong nền kinh tế thị trường, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng cũng nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển.

Ngoài ra, những vấn đề mới như quy định tòa án không được quyền từ chối giải quyết mọi tranh chấp dân sự, kể cả trong trường hợp không có luật điều chỉnh hay các quy định liên quan đến tài sản, quyền sở hữu là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực