Cả nước tổ chức hơn 1 triệu cuộc tuyên truyền pháp luật trong năm 2014

Thứ hai, 19/01/2015 19:42

(ĐCSVN) - Trong năm 2014, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức hơn 1 triệu cuộc tuyên truyền pháp luật, tăng 36,18% so với năm 2013; phát hành miễn phí hơn 50 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng 29% so với  năm trước, qua đó góp phần tác động tích cực đến ý thức pháp luật của người dân, tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2014, việc kiện toàn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Trung ương và các cấp, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật đã cơ bản được hoàn thành theo đúng quy định.
Ngày Pháp luật năm 2014 được tổ chức đồng bộ, rộng khắp, tạo sức lan tỏa lớn, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả và bước đầu đưa công tác PBGDPL đi vào chiều sâu, thực chất.

Cùng với đó, công tác phổ biến, tuyên truyền Hiến pháp và các luật, pháp lệnh mới ban hành được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng ngay từ giai đoạn soạn thảo; hoàn thành bước đầu việc phổ biến các luật được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6, 7 và đang chuẩn bị tuyên truyền, phổ biến các luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về biển, đảo, chủ quyền quốc gia được Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương kịp thời hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.

 

Phát tờ rơi tuyên truyền pháp luật đến với người dân. (Ảnh: V.Tài).

Kết quả năm 2014, theo ước tính, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức 1.038.097 cuộc tuyên truyền pháp luật, tăng mạnh so với năm 2013 (tăng 275.824 cuộc, tương ứng 36,18%) cho 79.597.213 lượt người (tăng 4.836.337 lượt so với năm 2013); phát hành miễn phí 50.875.064 tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật (tăng 11.460.886 tài liệu, tương ứng tăng 29% so với năm 2013), qua đó góp phần tác động tích cực đến ý thức pháp luật của người dân, tổ chức.

Tuy nhiên, chất lượng PBGDPL chưa đồng đều, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân nhất là đối tượng đặc thù còn hạn chế; việc triển khai một số đề án về PBGDPL còn chậm so với yêu cầu; việc xã hội hóa hoạt động PBGDPL chưa được nghiên cứu triển khai rộng rãi; việc đổi mới các phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật còn chậm. Việc triển khai thực hiện Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn khó khăn. Còn thiếu sự gắn kết hợp lý, đúng chức năng giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải và trợ giúp pháp lý nhằm sử dụng tốt nhất nguồn lực và nâng cao hiệu quả của mỗi hoạt động nói riêng và hiệu quả chung về hỗ trợ tiếp cận pháp luật và tư pháp của những đối tượng yếu thế...

Theo ông Đỗ Xuân Lân, Quyền Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, nguyên nhân là do một số Bộ, ngành, địa phương chưa quán triệt đầy đủ nhiệm vụ được giao theo Luật PBGDPL nên còn chậm phổ biến những chính sách pháp luật mới liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Trong khi đó, số lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cần phổ biến ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao, trong khi đội ngũ làm công tác PBGDPL tại các địa phương chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên chưa thật sự chủ động và chưa làm tốt vai trò tham mưu về công tác PBGDPL theo quy định. Kinh phí phục vụ công tác PBGDPL còn gặp nhiều khó khăn...

Trong năm 2015, Ngành tư pháp sẽ tập trung tăng cường tuyên truyền, phổ biến về cuộc thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” để tạo sức lan tỏa, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng khắp trong nhân dân; tổ chức tốt Ngày Pháp luật năm 2015.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với những vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận, các lĩnh vực quản lý của Bộ, Ngành; chú trọng PBGDPL cho nhóm đối tượng đặc thù; tăng cường, có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong các nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo gắn với đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa phục vụ việc dạy và học pháp luật trong nhà trường. Triển khai có hiệu quả việc làm thử đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; rà soát các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế cho công tác này.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực