Các biện pháp chế tài trong pháp luật Giáo dục đại học

Thứ sáu, 28/04/2017 14:13
(ĐCSVN)- Thực hiện chương trình công tác, ngày 27/4, tại Hà Nội, Chi hội Luật gia Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo “Các biện pháp chế tài trong pháp luật Giáo dục đại học”.

Toàn cảnh hội thảo “Các biện pháp chế tài trong pháp luật Giáo dục đại học”

Trên cơ sở Luật Giáo dục đại học và pháp luật có liên quan, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã có nhiều cố gắng hoàn thiện các văn bản, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ về giáo dục đào tạo.

Cũng như pháp luật về giáo dục đối với các cấp học, trình độ đào tạo khác, pháp luật về giáo dục đại học có các chế định về các nhóm vấn đề cơ bản liên quan đến việc tổ chức và hoạt động giáo dục như về mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục; cơ sở giáo dục đại học;  nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đại học; người học; tránh nhiệm quản lý giáo dục đại học và một số chế định liên quan khác.

Các chế định này tạo thành một thể thống nhất để hướng các chủ thể tham gia hoạt động giáo dục đại học tiến hành các hoạt động, đồng thời là cái thước đo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Phát biểu tại hội thảo, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng, pháp luật giáo dục trong đó pháp luật giáo dục đại học do nhiều nguyên nhân nên có nhiều quy định nhưng lại ít chế tài. Tình trạng này dẫn đến việc luật thực thi không nghiêm của một số chủ thể, đồng thời cũng gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhiều trường hợp cụ thể.

Theo Chánh Thanh tra, có thể kể ra nhiều “lỗ hổng” về chế tài trong pháp luật về giáo dục đại học. Đơn cử như trong Điều lệ trường Đại học, trường hợp không thành lập Hội đồng trường dẫn đến các việc thuộc chức năng của Hội đồng trường không được thực hiện thì xử lý như thế nào? Trường hợp gian lận để được công nhận là trường phi lợi nhuận nhằm được hưởng các ưu đãi theo quy định nếu phát hiện ra thì xử lý như thế nào? Trường hợp không có Hiệu trưởng, không có Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Hội đồng Quản trị không hoạt động trong thời gian dài thì xử lý ra sao?

Hay một “lỗ hổng” khác có thể kể ra là liên kết đào tạo trình độ đại học vi phạm nhiều nội dung thì có nên có chế tài cấm liên kết đào tạo không?

Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận xoay quanh một số vấn đề như việc vận dụng chế tài hình sự, dân sự, hành chính, kỷ luật trong giáo dục đại học; những văn bản pháp luật về giáo dục đại học cần được ưu tiên sửa đổi, bổ sung theo hướng bổ sung chế tài thuận lợi cho việc giải quyết thực tiễn và tiên liệu vấn đề có thể phát sinh; Nghị định 138 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cần quan tâm sử đổi, bổ sung nội dung nào gắn với giáo dục đại học.

Một số tham luận như “Chế tài luật giáo dục đại học” của Luật sư, PGS.TS Chu Hồng Thanh; “Một vài ý kiến về các biện phát chế tài trong pháp luật giáo dục đại học” của TS Phạm Ngọc Chúc (Học viện Quản lý Giáo dục); “Một số biện pháp xử lý vi phạm trong pháp luật giáo dục đại học” của TS Võ Sỹ Mạnh, Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường đại học ngoại thương,… đã đưa ra những trao đổi về cách thức phối hợp nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để hoàn thiện chế tài trong giáo dục đại học và nhận được sự quan tâm từ các đại biểu.

Hội thảo là một hoạt động thường xuyên của Chi hội Luật gia Bộ GD&ĐT nhằm tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Chi hội và các đơn vị, các chi hội bạn, góp phần trực tiếp vào công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Cường, Chi hội phó Chi hội Luật gia Bộ đã công bố quyết định kết nạp và phát thẻ hội viện cho 11 hội viên mới./. 

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực