Đề xuất không tổ chức HĐND phường để phân biệt chính quyền đô thị và nông thôn

Thứ ba, 20/01/2015 16:17

(ĐCSVN) Nhằm bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn, tinh giản về tổ chức bộ máy và phân biệt mô hình tổ chức chính quyền địa phương giữa đô thị và nông thôn, dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định không tổ chức HĐND ở cấp phường.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 34, sáng 20/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều thành viên UBTVQH quan tâm thảo luận.

Về việc tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết: Sau khi tiếp thu ý kiến của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị phương án như sau:

 

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý phát biểu tại Phiên họp
 sáng 21/1
. (Ảnh: TTXVN).


Ở địa bàn nông thôn, tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; ở địa bàn đô thị chỉ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, quận và đơn vị hành chính tương đương; còn tại các phường (thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương) sẽ chỉ tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Theo ông Phan Trung Lý, việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án này thể hiện sự phân biệt giữa mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính nông thôn với đơn vị hành chính đô thị theo như yêu cầu đã nêu trong Hiến pháp năm 2013. Phương án này cũng có sự kế thừa những kết quả tích cực trong việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội. Việc tổ chức chính quyền 2 cấp ở đô thị sẽ bảo đảm tính thống nhất, liên thông về quản lý quy hoạch, kết cấu hạ tầng và đời sống dân cư trên địa bàn, tinh giản về tổ chức bộ máy, song vẫn bảo đảm thực hiện quyền đại diện của Nhân dân.

Đánh giá mô hình chính quyền địa phương như hiện nay đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, HĐND phường, quận không thực hiện được hết quyền lực của nhân dân qua hoạt động giám sát trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước tán thành mô hình tổ chức chính quyền 2 cấp ở đô thị (với HĐND ở cấp Thành phố, quận), song cũng lưu ý việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương phải bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân, cơ quan giám sát phải là cơ quan quyền lực của nhân dân đối với cơ quan ra quyết định tác động nhiều nhất đến người dân.

Để đảm bảo nguyên tắc do nhân dân quyết định và giám sát chính quyền địa phương, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đề xuất, nếu không tổ chức HĐND ở phường thì quyền lực giám sát sẽ do HĐND quận thực hiện thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND. Đồng thời, Chủ tịch UBND phường sẽ do nhân dân bầu trực tiếp hoặc do 1 hội nghị đại biểu nhân dân phường bầu ra.

Tán thành ở những nơi không có HĐND thì Chủ tịch UBND do dân bầu nhưng phải được UBND cấp trên (UBND quận) phê chuẩn hay bổ nhiệm, nhằm chuyển quyền dân chủ cho dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, “cấp xã cũng nên mở rộng như vậy theo hướng HĐND bầu UBND trên cơ sở lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân”.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lại đặt vấn đề: Nếu không tổ chức HĐND ở cấp phường thì giải thích như thế nào về thực hiện quyền giám sát, quan hệ với nhánh tư pháp, tính thống nhất của bộ máy nhà nước?.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, ở đâu có chính quyền thì phải có cả HĐND và UBND. “Nếu ở đô thị không có HĐND cấp phường trong khi đây là cấp quản lý tất cả cấc vấn đề của địa bàn, quyền lực hơn rất nhiều cấp xã, thậm chí mạnh hơn cấp huyện thì ai giám sát? Cấp quận có đủ sức giám sát? Nếu nói phường nhỏ không cần HĐND thì sao thị trấn cần HĐND?”, ông Hiển nêu câu hỏi.

Thống nhất quan điểm “đâu có chính quyền thì ở đó phải có cả HĐND và UBND”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu rõ, không thể chỗ có chỗ không, như vậy sẽ không thống nhất và không công bằng.

Theo Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện, việc phân cấp chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương là vấn đề phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau nên cần tiếp tục thảo luận để phân biệt rành mạch được quyền hạn, chức năng của chính quyền địa phương và chính quyền Trung ương, tính chất địa phương, Trung ương thể hiện như thế nào trong các quy định cụ thể.

Qua thực tế giám sát, bà Nguyễn Thị Nương – Trưởng ban công tác đại biểu cho biết, giám sát tại 6 tỉnh thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và 5 tỉnh vẫn như mô hình hiện nay thì có 8 tỉnh đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương có HĐND và UBND ở cả 3 cấp.

Làm rõ thêm trước những băn khoăn của các thành viên UBTVQH, Chủ nhiệm Phan Trung Lý phân tích: Giám sát của nhân dân do nhiều cơ quan thực hiện và chính quyền cũng là chính quyền của nhân dân nên nếu không có HĐND thì vẫn đảm bảo thực hiện quyền giám sát của nhân dân, nhất là việc nhân dân bầu ra Chủ tịch UBND trực tiếp hoặc qua hội nghị đại biểu.

Một số ý kiến đề nghị, Luật này cần quy định rõ các nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện để thực hiện phân quyền, phân cấp cho địa phương, cơ chế ủy quyền cũng như trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khi được phân quyền, phân cấp hay ủy quyền nhằm làm cơ sở để các luật chuyên ngành có thể cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở từng loại đơn vị hành chính. Cùng với đó, cần xác định nhiệm vụ, quyền hạn giữa cơ quan nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương, khuyến khích việc phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trong thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn. Xác định những lĩnh vực nào dứt khoát thuộc trách nhiệm quản lý của trung ương, những lĩnh vực nào thì có thể phân cấp; xác định rõ các nguyên tắc, điều kiện để thực hiện ủy quyền, trách nhiệm của các bên trong thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 112 của Hiến pháp.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực