Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự

Thứ năm, 29/01/2015 14:43

(ĐCSVN) - Đây là một trong những quy định mới tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), nhận được sự quan tâm của người dân, chuyên gia trong cuộc Tọa đàm “Sửa đổi Bộ luật dân sự đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ngày 28/1.

Ngày 25/12/2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Ngày 2/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/QĐ-TTg và kèm theo Kế hoạch của Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Kế hoạch của Chính phủ nêu rõ, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải bám sát nội dung Nghị quyết số 857/NQ-UBTVQH13 và đây cũng phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong Quý I năm 2015.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có tổng số 712 điều, được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều, bãi bỏ 147 điều.

 

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ.
(Ảnh: TH).


Một trong những nội dung đổi mới trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)đáng chú ý là quy định nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước, trong đó có tòa án, phải giải quyết mọi việc dân sự của người dân. Tòa án sẽ buộc phải giải quyết bất kỳ vụ việc dân sự nào khi có yêu cầu của đương sự mà không cần biết đã có luật điều chỉnh hay chưa. Nếu chưa có luật điều chỉnh, tòa án sẽ phải áp dụng tập quán, các nguyên tắc cơ bản của luật hay lẽ công bằng để giải quyết cho xong vụ việc. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế, Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ, đây là nội dung rất mới của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), là sự cụ thể hóa các nội dung Hiến định về quyền con người, quyền công dân và việc bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Theo đó, tuy Hiến pháp không chỉ rõ tòa án không được quyền từ chối giải quyết các vụ việc dân sự của người dân, nhưng lại khẳng định rất rõ ràng: Ở Việt Nam, tất cả các quyền con người, quyền công dân đều được Nhà nước ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ. Việc quy định cơ quan, tòa án phải giải quyết mọi việc dân sự khi người dân yêu cầu sẽ là một cách rất riêng của pháp luật về dân sự để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân.

Ông Dương Đăng Huệ cho hay, thời gian qua, xảy ra nhiều trường hợp người dân bị tòa án từ chối thụ lý vụ việc với lý do các vấn đề chưa được đưa vào điều luật. Tòa án đã từ chối giải thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân và pháp nhân. "Điều này là không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền" ông Huệ nói.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng: “Làm luật là nghĩa vụ của nhà nước, chưa làm được luật thì không thể vin vào đó để từ chối giải quyết việc của người dân”, Luật sư Hữu Huỳnh nói.

Dự thảo Bộ luật Dân sự có nhiều điểm mới trong việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người yếu thế, người có thiện chí, hay còn gọi là người “ngay tình”, trong các giao dịch dân sự.

Theo Khoản 2, Điều 138 dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trường hợp bên mạnh thế đưa vào giao dịch dân sự nội dung bất lợi cho bên yếu thế, hoặc nội dung điều khoản không rõ ràng, thì phải giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bên yếu thế. Ví dụ, trong hợp đồng cho vay, người đi vay bao giờ cũng là người yếu thế, còn người cho vay là người mạnh thế hơn và có thể dễ dàng áp đặt ý chí với người đi vay. Do vậy, trong trường hợp hợp đồng không nói rõ ràng về mức lãi suất, mặc dù hợp đồng có nói rõ là cho vay có lãi cũng sẽ được giải thích theo hướng người vay không phải chịu lãi suất. Cũng để bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế trong trường hợp này, luật sẽ quy định giới hạn mức trần lãi suất mà bên cho vay có thể áp dụng đối với bên đi vay, tránh trường hợp bên cho vay ép bên đi vay phải chịu mức lãi suất vay quá cao.

Về vấn đề này, ông Dương Đăng Huệ nêu rõ: Bộ luật Dân sự là luật tư, điều chỉnh các mối quan hệ bình đẳng. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có bên mạnh thế và yếu thế trong quan hệ dân sự, vì vậy cần quy định để bảo vệ quyền và lợi ích cho bên yếu thế và bên thiện chí trong quan hệ dân sự.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực