Sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng hình phạt tiền

Thứ ba, 03/02/2015 18:30

(ĐCSVN) – Ngày 3/2, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Một trong những nội dung được các chuyên gia trong nước và Nhật Bản quan tâm là có nên mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền đối với các tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hay không?

Trình bày các quy định về hình phạt không tước tự do tại dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi), TS. Phạm Quý Tỵ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thành viên Nhóm Chuyên gia tư vấn xây dựng dự án BLHS (sửa đổi) cho biết: Trong số 7 hình phạt được Bộ luật Hình sự hiện hành quy định thì có 4 hình phạt không tước tự do của công dân là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và trục xuất.

Trong lần sửa đổi này, hình phạt tiền rất được quan tâm. “Để tăng hình phạt tiền, chúng tôi có quy định mấy điểm mới: So với BLHS hiện hành, loại tội được quy định có hình phạt tiền được mở rộng hơn. Hiện hình phạt tiền được áp dụng với người phạm tội ít nghiêm trọng, lần này mở rộng tới tội nghiêm trọng, tức là tới đây có thể xử phạt tiền với loại tội tới 7 năm tù”, TS. Phạm Quý Tỵ cho hay.

Trong lần sửa đổi này, bổ sung hình phạt tiền mở rộng thêm trong lĩnh vực nữa là môi trường thay vì chỉ 3 lĩnh vực như trước đây là” “Xâm phạm quản lý kinh tế, trật tự công cộng và quản lý hành chính”.

Theo ông Phạm Quý Tỵ, việc quy định này nhằm mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền, hạn chế áp dụng hình phạt tù; đồng thời, tăng tính cưỡng chế của hình phạt tiền, bảo đảm Thẩm phán tăng cường áp dụng hình phạt này trong thực tiễn.

 

 Chuyên gia Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong áp dụng hình phạt tiền.
(Ảnh: TH).

Mặt khác, để khắc phục tình trạng thời gian vừa qua, tòa án tuyên phạt hình phạt tiền với các bị cáo, song có tình trạng một số bị cáo chây ì không nộp khoản tiền này. Trong đó, nguyên nhân một phần là do pháp luật quy định chưa thật chặt chẽ, quy định nộp nhiều lần, song không quy định nộp trong bao lâu nên dẫn đến việc bị cáo chây ỳ, Dự thảo lần này quy định phương án: “Thời hạn sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền, Tòa án quyết định chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn nếu đó là hình phạt chính”.

Tuy nhiên, ông Phạm Quý Tỵ cũng cho biết, vấn đề “vướng” nhất hiện nay và muốn xin ý kiến các chuyên gia là: “Chuyển từ hình phạt tiền sang tù thì phương thức chuyển thế nào, chúng tôi đang lúng túng chỗ này”, ông Phạm Quý Tỵ nói. Ở các nước trên thế giới thì khi phạt tiền tính trên ngày công lao động, ngày thu nhập lao động rất tiện, nhưng ở Việt Nam, việc tính ngày công lao động ở Việt Nam thì rất khó khăn, có ý kiến đề xuất tính theo lương tối thiểu cũng rất khó.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nhật Bản cho biết: Hình phạt tiền có nhiều mặt tích cực là thu hồi được tài sản phạm tội; đặc biệt đối với các tội danh tham nhũng, nên áp dụng đối với tội phạm rất nghiêm trọng; tuy nhiên, hình phạt này lại có nhược điểm là khi trả tiền xong, hình phạt kết thúc, hiệu quả giáo dục không cao.

Vị đại diện nay cho hay: Tại Nhật Bản, khi ra bản án về hình phạt tiền, bao giờ cũng nói rõ nếu không trả số tiền thì bằng bao nhiêu ngày lao động, tuy nhiên không quá 2 năm tù. Ví dụ: Áp dụng hình phạt tiền là 100 triệu đồng, mỗi ngày lao động là 1 triệu, mà người đó không trả ngày nào thì phải tính ra 100 ngày lao động. Cách tính này do thẩm phán khi xét xử quyết định. Nếu quy định tỷ lệ cố định thì luật dễ phải thay đổi thường xuyên, chính vì thế cần căn cứ theo từng vụ án cụ thể để có quy định phù hợp.

Mặt khác, cũng rất ít vụ án, chỉ có hình phạt là phạt tiền, mà thường thường thì hình phạt tiền kèm theo hình phạt tù. Phạt tiền chỉ là hình phạt bổ sung về mặt kinh tế.

Vì vậy, theo đại điện Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nhật Bản, cần cân đối giữa hình phạt tiền và tù, không nên quy định cứng nhắc.../.

 Điều 36, dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định:

1. Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính, môi trường và một số tội phạm ít nghiêm trọng và nghiêm trọng trong lĩnh vực khác do Bộ luật này hoặc luật khác quy định.

2. Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm các tội về tham nhũng, ma tuý, rửa tiền hoặc những tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

3. Mức phạt tiền được quyết định căn cứ vào tính chất và mức đ nghiêm trọng của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, nhưng không được thấp hơn một triệu đồng.

4. Phương án1: Trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, nếu người bị kết án cố tình không chấp hành hình phạt tiền, Tòa án quyết định chuyển hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn nếu đó là hình phạt chính.

Tòa án cân nhắc mức phạt tù có thời hạn trong giới hạn của khung hình phạt đã áp dụng đối với người phạm tội khi tuyên hình phạt tiền.

Phương án 2: Không quy định khoản này.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực