Xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ để phục vụ người dân tốt hơn

Thứ sáu, 29/11/2019 11:20
(ĐCSVN) - Nắm bắt thời cơ từ cuộc cải cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 với sự xuất hiện những xu thế công nghệ mới, việc xây dựng Chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thời gian qua đã có những bước tiến quan trọng, đem lại luồng “sinh khí” mới cho công tác cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xây dựng chính quyền phục vụ

Tháng 10/2018, UBND tỉnh Phú Thọ đưa vào hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng chính quyền đồng hành, phục vụ người dân. 93% số thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết của 16 sở, ngành được đưa vào giải quyết tại Trung tâm. 100% các TTHC đều được giải quyết trên môi trường mạng với trên 800 TTHC mức độ 3,4. Đặc biệt, tại đây người dân có thể trực tiếp theo dõi, kiểm tra, giám sát quy trình, tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC và đánh giá mức độ hài lòng, thái độ của từng CBCCVC Trung tâm trên hệ thống phần mềm nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, hạn chế tình trạng phiền hà, tiêu cực xảy ra. Sau 1 năm hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết trên 61.000 TTHC với tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn chiếm hơn 99%; tỷ lệ hài lòng đạt trên 90%.

leftcenterrightdel
Người dân tra cứu hồ sơ TTHC trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ 

Mới đây nhất, tháng 5 vừa qua, Phú Thọ hoàn thành dự án đô thị thông minh của thành phố Việt Trì với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng. Dự án đưa vào sử dụng 2 hợp phần: Hợp phần 1 gồm hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng Trung tâm Giám sát điều hành. Hợp phần 2 gồm hệ thống giám sát và 200 camera giám sát an ninh - trật tự đô thị được lắp đặt tại 91 vị trí trên đường Hùng Vương nhằm hỗ trợ tích cực cho các hoạt động giám sát điều hành của các cơ quan nhà nước và các hoạt động của người dân sinh sống trên địa bàn thành phố.

Trong chưa đầy 2 năm với việc triển khai các mô hình, dự án trọng điểm, hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước của tỉnh đã được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Việc ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện rộng rãi tại các sở, ngành, địa phương. Tính đến nay, 100% cơ quan, đơn vị đã triển khai và kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản Quốc gia, đảm bảo kết nối liên thông văn bản 4 cấp từ trung ương đến tỉnh, xã. 33/33 đơn vị cấp sở, huyện, 221 đơn vị cấp xã đã sử dụng chữ ký số trong giao dịch văn bản điện tử. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử và sử dụng chữ ký số của các cơ quan nhà nước đạt trên 85%. Hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ, thống nhất trong các cơ quan nhà nước, cung cấp 100 TTHC mức 2, 852 TTHC mức 3 và 4. Hệ thống hội truyền hình trực tuyến được đầu tư đến cấp xã, đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành được thống nhất, xuyên suốt.

Cuộc “cách mạng” về ứng dụng CNTT

 Theo kết quả đánh giá xếp hạng mức độ CNTT của các tỉnh, thành phố năm 2018 do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, Phú Thọ xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2017. Tuy nhiên, việc liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước lại đang là vấn đề khó khăn nhất của tỉnh hiện nay. Trong tổng số gần 20 hệ thống thông tin (HTTT), cơ sở dữ liệu (CSDL) của tỉnh, hầu hết đều triển khai theo hình thức tập trung, sử dụng các ứng dụng dùng chung cho các cơ quan, đơn vị. Hiện chỉ có một số ít hệ thống có thể kết nối liên thông 4 cấp từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện và xã, đơn cử như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hệ thống một cửa điện tử, hệ thống thư điện tử công vụ; còn lại chỉ kết nối theo lĩnh vực, ngành dọc, chưa đem lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo điều hành, giám sát công việc.

leftcenterrightdel
Sở Thông tin và Truyền thông và UBND huyện Yên Lập ký kết triển khai mô hình điểm Chính quyền điện tử 

Trong khi đó, hạ tầng CNTT ở cấp xã còn thiếu tính đồng bộ, nhiều máy tính đã xuống cấp chỉ sử dụng để soạn thảo văn bản, truy cập internet, không thể cài đặt thêm các ứng dụng khác; tỷ lệ cán bộ công chức được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn chỉ đạt khoảng 50% đối với các xã miền núi.

Tại hội nghị thường kỳ UBND tỉnh đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang nhấn mạnh: Năm 2020 là năm tập trung trọng điểm xây dựng Chính quyền điện tử, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, liên thông trong toàn hệ thống từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Ông Trịnh Hùng Sơn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: “Trước những yêu cầu thực tế của tỉnh, về hành lang pháp lý, Sở Thông tin và Truyền thông đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và các văn bản chỉ đạo làm cơ sở cho việc ứng dụng và phát triển CNTT, hướng tới hoàn thiện hệ thống Chính quyền điện tử toàn diện trong những năm tới”.

Ông Sơn cho biết thêm: Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh làm nền tảng trao đổi thông tin giữa các ứng dụng, cơ sở dữ liệu trong tỉnh, đồng thời kết nối với hệ thống của quốc gia (NGSP). Triển khai hệ thống quản lý điều hành điện tử trong các cơ quan hành chính nhà nước, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã, đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện, giám sát, đôn đốc thực thi nhiệm vụ.

Tỉnh cũng sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống một cửa điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, liên thông đến cấp huyện, xã, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu dùng chung. Đồng thời, triển khai tập trung, thống nhất các kênh thông tin cho phép người dân và doanh nghiệp dễ dàng trao đổi với các cơ quan nhà nước, cũng như theo dõi tình trạng xử lý phản ánh, kiến nghị trực tiếp trên môi trường mạng, thông qua các thiết bị điện tử.

Để hiện thực hóa các nhiệm vụ của Chính quyền điện tử, từ nay đến năm 2020 còn rất nhiều việc cần phải đẩy nhanh tiến độ với mục tiêu đặt ra rất cụ thể. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là cần phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, CBCC trong cơ quan, tổ chức và người dân trên địa bàn hiểu được lợi ích, tầm quan trọng của việc xây dựng Chính quyền điện tử.

“Lãnh đạo phải thật sự tiên phong, gương mẫu đi đầu; CBCC phải coi ứng dụng CNTT là công cụ bắt buộc khi thực thi công vụ. Xây dựng Chính quyền điện tử cần phải triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, không để một “mắt xích” không tròn trịa làm ách tắc toàn bộ quá trình” - ông Nguyễn Quốc Bảo - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh chia sẻ.

Ngoài ra, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp vào phát triển Chính quyền điện tử bằng việc xã hội hoá hoạt động đầu tư. Tỉnh sẽ dành trên 230 tỷ đồng để thực hiện các dự án xây dựng chính quyền điện tử với phân kỳ đầu tư cụ thể trong 3 năm: 19,8 tỷ đồng cho năm 2019, 37 tỷ đồng cho năm 2020, trên 34 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 - 2025. Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ công, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến; khai thác thế mạnh của các phương tiện truyền thông trong việc khuyến khích tổ chức và cá nhân tiếp nhận, sử dụng các dịch vụ, tạo môi trường phục vụ tốt hơn.

 

Bài, ảnh: Lệ Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực