Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La về xây dựng cầu kiên cố tại khu vực Bến phà Vạn Yên

Thứ tư, 11/09/2019 14:38
(ĐCSVN) - Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8241/BGTVT-KHĐT trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Sơn La gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV liên quan đến xây dựng cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực Bến phà Vạn Yên.
Bến thuyền chợ Vạn Yên bên sông Đà

Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Sơn La do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 248/BDN ngày 15/7/2019, nội dung kiến nghị như sau:

“Bến phà Vạn Yên thuộc bản Liếm, xã Tân Phong, huyện Phù Yên tỉnh Sơn La nằm trên Quốc lộ 43 tại Km27, do Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý. Tuy nhiên, thời gian gần đây mực nước vùng lòng hồ Sông Đà trên địa bàn huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La xuống thấp phà không hoạt động được gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do đó, để tạo thuận lợi cho bà con nhân dân trao đổi hàng hoá, phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực Vạn Yên - Phù Yên kết nối với Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - Sơn La, cũng như kết nối với tỉnh Yên Bái và tỉnh Phú Thọ, đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét trình Chính phủ cho phép xây dựng cầu kiên cố bắc qua sông Đà tại khu vực Bến phà Vạn Yên”.

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:

Vị trí xây dựng cầu nằm trong lòng hồ Thủy điện Hòa Bình có mực nước lên xuống không ổn định. Hàng năm, chênh cao giữa mùa nước cạn và mùa nước cao là khoảng 29m (theo cao trình của Thủy điện Hòa Bình). Mùa nước cạn thấp nhất cốt 89m. Mùa nước cao nhất, cốt cao độ là 118m, lòng sông rất rộng khoảng 997m. Vì vậy, việc xây dựng cầu vĩnh cửu tại vị trí này cần phải bố trí cầu có trụ rất cao, chiều dài rất lớn (trên 1000 m). Kinh phí xây dựng cầu kiên cố tại vị trí này là rất lớn, dự kiến khoảng hơn 1.200 tỷ đồng. Trong khi, các nguồn vốn phân bổ hàng năm cho Bộ GTVT là hết sức khó khăn. Mặt khác, lưu lượng xe qua khu vực thấp (<200 xe ô tô/ ngày đêm) và việc kết nối với các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái chủ yếu theo hướng QL.32B và QL.37 đến QL.6 tại ngã ba Cò Nòi; kết nối giữa khu du lịch quốc gia Mộc Châu với tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội chủ yếu theo hướng QL.6.

Bộ GTVT sẽ xem xét đầu tư cầu này khi lưu lượng xe tăng lên và nguồn lực cho phép.

Minh Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực