Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lấy ý kiến chuyên gia về 2 dự án luật

Thứ năm, 23/02/2017 14:00
(ĐCSVN) - Ngày 22/2, tại Hà Nội, Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Quy hoạch và dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo Luật Quy hoạch. Ảnh: ĐT

Dự thảo Luật Quy hoạch có 6 chương, 69 điều với 2 phụ lục. Nội dung Dự thảo quy định hệ thống quy hoạch quốc gia, các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, nhiệm vụ, quyền hạn các cấp chính quyền trong lĩnh vực quy hoạch, trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh các loại quy hoạch, thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch, các hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch và nguyên tắc chế tài các vi phạm.

Phần lớn các đại biểu tham gia Hội thảo đều thống nhất cho rằng, nội dung của dự thảo Luật đã thể hiện đầy đủ vai trò của một luật khung đủ sức làm khuôn khổ cho việc xây dựng các văn bản pháp quy điều chỉnh hoạt động quy hoạch riêng rẽ. Và nếu Quốc hội Khóa XIV thông qua Luật Quy hoạch thì đây là cơ hội để nước ta cải cách công tác quy hoạch.

Tuy nhiên, theo TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, dự thảo Luật có một vài vấn đề chưa hợp lý, ví dụ đưa các quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia vào Chương trình lập quy hoạch. Xác định hệ thống quy hoạch là mục tiêu chủ yếu của luật, vì vậy nên hình thành một chương riêng, còn lập quy hoạch chỉ là một khâu trong quy trình xây dựng quy hoạch.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, nên định nghĩa chính xác lại quy hoạch là gì?; hệ thống quy hoạch được sắp xếp lại có đảm bảo cơ sở khoa học và có tuân thủ Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 hay không?; phạm vi điều chỉnh và khả năng phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước như thế nào cần được cụ thể hóa hơn?...

Về việc khả năng phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, các đại biểu cho rằng, do tiếp cận theo hướng tích hợp, đa ngành nên sản phẩm quy hoạch là mẫu số chung, dựa vào đó các ngành Trung ương, địa phương triển khai lập các quy hoạch cấp dưới, lập kế hoạch, chương trình, đề án phát triển của ngành mình. Trong quá trình tổ chức lập, thầm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện, các cơ quan, cá nhân phải tôn trọng các nguyên tắc của quy hoạch hiện đại. Như vậy, Bộ Kế hoạch – Đầu tư chỉ là cơ quan điều phối, tổng hợp, còn các Bộ, ngành phải chịu trách nhiệm về chất lượng, nội dung quy hoạch do ngành phụ trách. Điều này diễn ra tương tự ở các địa phương.

Cũng trong ngày 22/2, các chuyên gia đã cho ý kiến về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới nhất có 4 chương 40 điều. So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật này đã có một số sửa đổi, tiếp thu theo hướng hỗ trợ có chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế; đồng thời,  phải tuân thủ các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.

Dự thảo cũng đã thiết kế các phương án hỗ trợ để phù hợp hơn với khả năng cân đối nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; quy định rõ hơn đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ…

Nhiều ý kiến đề nghị xem xét lại đối tượng hỗ trợ của dự thảo Luật cũng như những hình thức và trình tự hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp.

Hai dự thảo Luật này theo chương trình được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 tới./.

 

Đăng Huy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực