Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Có xem nhẹ lợi ích hợp pháp của công dân?

Thứ tư, 27/02/2019 18:13
(ĐCSVN) – Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được thực hiện trên cơ sở hài hòa lợi ích cộng đồng với quyền lợi hợp pháp của người dân có đất bị thu hồi. Song theo thông tin phản ánh của người dân, tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), nguyên tắc này chưa được tôn trọng nên đã dẫn đến tình trạng đơn thư, khiếu kiện kéo dài…
Hơn 1.600 m2 đất nông nghiệp của gia đình ông Hạ Văn Cấp hiện là trang trại nuôi chim cút với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, nằm trong diện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận được đơn kêu cứu của gia đình ông Hạ Văn Cấp ở thôn 3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), phản ánh những bất cập trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Cụ thể, tại công trình “Xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường”, UBND huyện Vĩnh Tường đã xây dựng phương án thu hồi hơn 1.600 m2 đất nông nghiệp của gia đình ông, hiện là trang trại nuôi chim cút với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên theo phản ánh, UBND huyện Vĩnh Tường đã không thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai; Nghị định 47/2014/NĐ-CP; Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Phúc, gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng của công dân có đất bị thu hồi.

Theo ông Cấp, UBND huyện Vĩnh Tường không tổ chức lấy ý kiến, đối thoại với người dân về phương án giải phóng mặt bằng; gia đình ông Cấp không được biết về đơn giá bồi thường hỗ trợ tài sản, công hỗ trợ di dời. Theo Quyết định số 956/QĐ-UBND ngày 21/11/2017 của UBND huyện Vĩnh Tường phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công trình “Xây dựng mới chùa Già Du… ”  xác định tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho gia đình ông Hạ Văn Cấp và các hộ khác là trên 3,4 tỷ đồng, nhưng Quyết định số 963/QĐ-UBND, ngày 22/10/2018 của UBND huyện Vĩnh Tường xác định kinh phí điều chỉnh bổ sung bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho gia đình ông Cấp chỉ là trên 110 triệu đồng.

Văn bản này nêu: “Điều chỉnh tăng số tiền bồi thường tài sản, vật kiến trúc cho hộ ông Hạ Văn Cấp do Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng sơ suất trong quá trình kiểm kê, xác định nhầm quy cách trong quá trình trả giá. Bổ sung phương án bồi thường tài sản, vật kiến trúc của hộ ông Hạ Văn Cấp và hộ ông Phùng Duy Hưng do Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng kiểm kê thiếu”. Như vậy, với cách tính của Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng thì nội dung điều chỉnh, bổ sung chưa đúng với quy định của pháp luật; có dấu hiệu gây thiệt hại về kinh tế cho công dân. Cụ thể, Điều 3, Quyết định số 35/QĐ-UBND ngày 15/8/2014 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đơn giá ghi rõ: Trong trường hợp người sử dụng đất không có hồ sơ, chứng từ chứng minh các chi phí đầu tư vào đất thì Tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng có trách nhiệm kiểm tra, xác định chi phí đầu tư vào đất, xin ý kiến chuyên ngành và lập phương án bồi thường, hỗ trợ, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp này, toàn bộ các chi phí đầu tư vào diện tích đất bị thu hồi như san lấp, cải tạo đất… của gia đình ông đều không được tính đến. Đồng thời, chi phí hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, di chuyển vật nuôi… cũng không phù hợp so với thực tế, bởi gia đình ông Cấp có diện tích đất thu hồi là trên 1600 m2/1968 m2 (tương đương hơn 82%). Điều 14, Quyết định số 35/QĐ-UBND nói trên cũng quy định: Thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở. Điều 17, Quyết định số 35/QĐ-UBND cũng nêu rõ: Đối với vật nuôi tập trung theo quy mô công nghiệp, trang trại, tại thời điểm thu hồi đất đến thời kỳ thu hoạch thì Tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng căn cứ thực tế tính mức hỗ trợ chi phí di chuyển phù hợp.

Thực tế tại nhà ông Cấp, tổng chi phí hỗ trợ di chuyển vật nuôi với trên 180.000 con chim cút và rất nhiều máy móc, thiết bị lại chỉ được xác định là hơn 19 triệu đồng. Mức hỗ trợ này theo ông Cấp là quá thấp; không phù hợp với chi phí thực tế…

Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng huyện hỗ trợ tổng chi phí di chuyển vật nuôi với trên 180.000 con chim cút và rất nhiều máy móc, thiết bị lại chỉ được xác định là hơn 19 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại khu vực nằm trong diện bị thu hồi đất, từ hơn chục năm qua, gia đình ông Hạ Văn Cấp đã sinh sống và phát triển sản xuất ổn định. Đặc biệt, từ năm 2013, mô hình nuôi chim cút của ông Cấp đã được UBND huyện Vình Tường cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại. Hàng năm, ngoài việc mang lại thu nhập hơn 2 tỷ đồng, mô hình này còn tạo việc làm và thu nhập khá ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, năm 2018, ông Cấp đã gửi đơn đến chính quyền và các cơ quan chức năng, đề nghị xem xét việc bồi thường chưa thỏa đáng. Tháng 5/2018, UBND huyện Vĩnh Tường ban hành văn bản số 1303/UBND-BQLDA trả lời đơn của ông. Tuy nhiên, gia đình ông Cấp không đồng tình với nội dung trả lời bởi việc bồi thường, hỗ trợ nhiều hạng mục chưa phù hợp thực tế. Trong khi những vướng mắc trên chưa được giải quyết, ngày 23/01/2019, UBND huyện Vĩnh Tường đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Cấp.

Trao đổi với phóng viên, ông Hạ Văn Cấp cho biết: “Gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương của huyện trong việc thu hồi đất để phục vụ mục đích an sinh xã hội, nhất là công trình chùa Già Du lại là công trình tâm linh. Song, đề nghị UBND huyện Vĩnh Tường và Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng thực hiện đúng quy định hiện hành; bảo đảm lợi ích hợp pháp của công dân”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn cho biết: “Việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất do Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng huyện thực hiện; cấp xã chúng tôi chỉ phối hợp thực hiện. Quan điểm của xã là cố gắng thực hiện đúng theo thẩm quyền. Đồng thời, chúng tôi cũng kiến nghị Hội đồng Bồi thường - Giải phóng mặt bằng thực hiện đầy đủ các bước theo trình tự quy định trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của công dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất”.

Liên quan đến những phản ánh của người dân xung quanh các vướng mắc trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ công trình “Xây dựng mới chùa Già Du và phần mở rộng chùa Già Du, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực