Cải cách giáo dục từ cải cách sư phạm

Thứ ba, 19/07/2011 16:34

Cải cách sư phạm chính là chấn hưng giáo dục để có sản phẩm giáo dục thực chất - con người đáp ứng yêu cầu của xã hội và thời đại.

 

Lâu nay, xã hội bàn nhiều về vấn đề cải cách giáo dục: cải cách những gì, cải cách như thế nào, bắt đầu từ khâu nào... Nhiều ý kiến hay, nhiều giải pháp tốt, rất đáng quan tâm đã được đưa ra. Nhưng có một vấn đề, có thể xem là cái gốc, là cốt lõi cho sự phát triển lâu bền của nền giáo dục xem ra ít được nhắc đến, đó là cải cách sư phạm...

Cải cách giáo dục có sáng tạo thế nào đi chăng nữa, vẫn phải xoay quanh chuyện dạy và chuyện học. Nội hàm trong dạy và học không chỉ là chữ nghĩa, kiến thức, mà cả nhân cách, tư chất, thể chất. Dạy tốt và học tốt như thế nào và bằng cách nào là câu chuyện hàng ngày, câu chuyện quanh năm, câu chuyện lâu dài của người thầy, của học trò, của ngành giáo dục và của toàn xã hội,

Cho đến nay, qua hơn nửa thế kỷ, phong trào “Hai tốt” và khẩu hiệu “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Thầy thi đua dạy tốt, trò thi đua học tốt”, “Thầy ra thầy, trò ra trò; trường ra trường, lớp ra lớp” vẫn nguyên giá trị. Thầy và trò, dạy và học luôn luôn là vấn đề trung tâm, cốt lõi của nền giáo dục. Chỉ tập trung suy nghĩ chừng ấy thôi sẽ thấy có biết bao việc phải triển khai, có bao điều có thể đổi mới, cải tiến; và trước mỗi năm học mới sẽ không còn cảnh loay hoay xác định nhiệm vụ trọng tâm, không phải lúng túng chọn lựa khẩu hiệu.

Cải cách giáo dục, trong hoàn cảnh đất nước ta hiện nay và thực trạng nền giáo dục, như đã thấy, nên bắt đầu bằng cải cách sư phạm. Cải cách sư phạm hiện nay chính là trở lại với những nguyên lý giáo dục và những bước đi, việc làm cụ thể mà chúng ta đã từng thực hiện từ mấy chục năm trước, nay bổ sung, nâng cao thêm một bước cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Có hai vấn đề của cải cách sư phạm, hay là chấn hưng sư phạm.

Một là nâng cao vị thế người thầy. Trong giáo dục, về mặt truyền đạt kiến thức, người thầy đóng vai trò chủ đạo. Về mặt hình thành nhân cách, người thầy là tấm gương. Thầy nào trò đó. Tâm thế người thầy có ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục và tâm lý xã hội.

Trong những năm đất nước còn gian khó, Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho người thầy, rất ưu việt, như cấp học bổng cho sinh viên các trường sư phạm, với mức cao nhất; sinh viên sư phạm ra trường được phân công công tác; giáo viên công tác miền núi được cấp thẻ ưu tiên mua vé tàu xe; ưu tiên cấp đất cấp nhà và đồ dùng sinh hoạt... Phải chăng cần lập lại những chính sách này, đồng thời bổ sung những chính sách phù hợp mới?

Để có thầy giỏi, đầu vào của ngành sư phạm phải được nâng lên. Để khuyến khích học sinh khá, giỏi vào ngành sư phạm sau này làm thầy, nhà nước nên cấp học bổng và bao cấp chỗ ở cho sinh viên. Khi sinh viên ra trường, có nơi tiếp nhận, không phải chạy chọt xin xỏ tiêu cực, làm mất đi tâm thế người thầy. Việc cải cách tiền lương trong ngành giáo dục phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Một khi người thầy mà “cuộc sống áo cơm” còn “ghì sát đất”, thì còn đâu tâm thế người thầy, làm sao không phải dạy thêm, làm thêm, thậm chí làm những việc không mô phạm chút nào?

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo; Đảng ta coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển đất nước, chuyện chăm lo cho người thầy có cuộc sống ổn định không phải là chuyện quá mức, xa vời. Làm được việc này, chắc chắn sẽ từng bước xua đi tâm lý nặng nề “chuột chạy cùng sào”, “sư phạm bỏ qua” và từng bước nâng cao vị thế người thầy, nâng cao chất lượng giáo dục. Không thể lấy lý do tất cả mọi hoạt động vận hành theo quy luật kinh tế thị trường mà dung tục hóa, tầm thường hóa công việc trồng người, công việc người thầy.

Hai là xây dựng môi trường sư phạm, môi trường giáo dục thật sự lành mạnh. Cốt lõi của vấn đề là “trường ra trường, lớp ra lớp” để “thầy ra thầy, trò ra trò”. “Thầy chủ đạo, trò chủ động”, thầy trò cùng say mê sáng tạo... Chúng ta có hệ thống nhận thức về giáo dục và sư phạm khá tiến bộ, nhưng hành động thực tế lại chưa tương xứng. Việc dành đất cho các công trình khách sạn, siêu thị, khu công nghiệp, đô thị mới có vẻ dễ dàng, nhưng việc dành đất cho trường học lại rất khó khăn. Tình trạng trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp vẫn còn phổ biến. Vừa rồi ngành giáo dục có chủ trương xây dựng “trường học thân thiện” chính là hướng tới hoàn thiện môi trường giáo dục, môi trường sư phạm.

Cải cách sư phạm chính là chấn hưng giáo dục để có sản phẩm giáo dục thật sự thực chất, tức là con người phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của xã hội và thời đại. Công việc này đòi hỏi dài lâu, như sự nghiệp trăm năm trồng người./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực