Dạy, học và thi môn Lịch sử - thực trạng và giải pháp

Thứ sáu, 05/08/2011 17:01

Để khắc phục những hạn chế của việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trước hết, cần thay đổi quan niệm, cách nhìn nhận về vị trí của môn học vốn vẫn bị coi là môn phụ này. Đồng thời, cần phải sửa đổi chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử ở cấp học phổ thông; có sự đầu tư phương tiện phụ trợ cho việc học tập chính khóa và bồi dưỡng năng lực của đội ngũ giáo viên.

 

 Học sinh nghe thuyết minh khi tham quan Bảo tàng
Lịch sử Hồ Chí Minh, TP. HCM.
Ảnh:
www.quan8.hochiminhcity.gov.vn.

Dư luận xã hội xôn xao, có cả bất bình, khi được biết điểm môn Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay quá thấp, thấp đến mức không thể hiểu nổi. Những người trong ngành coi đó như một sự bộc lộ đau đớn của căn bệnh “ung thư” đã tiềm ẩn từ lâu, đã có nhiều tiếng nói báo động. Năm 2008, Hội Khoa học Lịch sử đã tổ chức một hội thảo lớn với nhiều bản tham luận tâm huyết, phân tích sâu sắc những nguyên nhân và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm khắc phục những hạn chế của việc dạy và học môn Lịch sử trong trường phổ thông. Để hiểu rõ vấn đề này, cần điểm lại từng khâu, bắt mạch cho đúng bệnh.

1. Các thầy cô giáo cùng các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn trăn trở về thực trạng không vui của việc dạy và học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông. Hằng năm, số thí sinh đạt điểm thi cao không nhiều nhưng số không đạt điểm nào cũng không tệ hại như năm nay. Vậy đâu là nguyên nhân của sự đột biến đó?

Hầu hết các thầy cô giáo đều bị bất ngờ về đề thi và đáp án năm nay. Đề thi nhằm hướng cho học sinh thay đổi cách học, từ học thuộc lòng máy móc sang cách học có suy luận, phân tích. Ý tưởng đó là đúng song năm nay, các câu đều có đòi hỏi cao, trong đó ẩn chứa nhiều chỗ không rõ ràng và đáp án thiếu chuẩn xác. Nhiều nhà sư phạm đã lên tiếng về điều này, thiết nghĩ bộ Giáo dục và Đào tạo nên tổ chức rút kinh nghiệm cho những năm sau. Thông thường, một đề thi có 4 hoặc 5 câu thì 2 câu đầu hỏi về những kiến thức cơ bản mà một học sinh trung bình phải biết. Đến câu 3, câu 4 mới nâng dần yêu cầu, đòi hỏi nhận xét, so sánh, bình luận để qua đó có thể phân loại, tuyển chọn thí sinh khá và giỏi.

2. Vấn đề thi chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo, cho nên cần tìm hiểu ở những khía cạnh khác quan trọng hơn mà trước hết phải đặt đúng vị trí của môn Lịch sử. Đây là một trong những môn khoa học cơ bản có sứ mệnh giáo dục đào tạo những người công dân tốt, những người lao động giỏi, có ý thức đối với đất nước và có trách nhiệm đối với xã hội. Dù rằng sau này họ làm công việc gì, ở cương vị nào thì những hiểu biết cơ bản về lịch sử dân tộc vẫn là nguồn tri thức cần thiết cho tư duy và hành động của mỗi người.

Tiếc rằng trong nhiều năm qua, môn Lịch sử được Bộ Giáo dục và Đào tạo coi như môn học phụ với quy định năm nay thi Lịch sử thì sang năm thi Địa lý và cứ luân phiên như vậy. Những vùng nào không có điều kiện học ngoại ngữ thì lấy môn Lịch sử làm môn thay thế. Quy định đó làm cho các trường, các phòng giáo dục và cả cấp Sở tìm cách cắt xén giờ, dạy dồn giờ để tập trung thời gian cho các “môn quan trọng hơn” như Văn, Toán, Ngoại ngữ.

Cách đối xử với môn Lịch sử như vậy chứng tỏ rằng các nhà quản lý giáo dục nhận thức không đầy đủ về vị trí của môn học này trong việc giáo dục và đào tạo những người công dân có lòng yêu nước sâu sắc, những người lao động có trách nhiệm đối với xã hội.

Môn Lịch sử bị đối xử như vây, người giáo viên dạy Lịch sử cảm thấy vị trí của mình thấp kém thì làm sao có thể đòi hỏi một kết quả khả quan đươc? Chúng ta luôn nhấn mạnh truyền thống dân tộc nhưng quan niệm về môn Lịch sử với cách tổ chức dạy, học và thi như vậy thì rõ ràng là khoảng cách giữa nói và làm còn quá xa vời, hậu quả đã rõ rệt.

Nếu như trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hằng năm đều có quy định thi cả Lịch sử và Địa lý vào cùng một buổi trong 120 hoặc 180 phút, với những câu hỏi giản đơn nhưng cơ bản thì việc dạy và học sẽ đi vào nền nếp, quy củ và có hiệu quả hơn.

3. Chương trình và sách giáo khoa môn Lịch sử ở trung học cơ sở và trung học phổ thông mặc dầu đã có nhiều sửa đổi nhưng vẫn chưa phù hợp với lứa tuổi thiếu niên, mới chớm thanh niên. Về lý thuyết, yêu cầu đặt ra quá cao, nội dung quá nhiều.

Lấy ví dụ chương trình lịch sử hiện đại, hầu như không bỏ sót một giai đoạn nào, liên miên từ chiến dịch này đến trận đánh khác, nhiều đoạn trích dẫn nguyên văn nghị quyết, đối với học sinh là rất khô khan, khó hiểu. Phần xây dựng kinh tế xã hội lại … như tóm tắt báo cáo tổng kết với những con số nối tiếp con số. Do vậy, học sinh học dễ chán, không nhớ, lẫn lộn các sự kiện và nhân vật. Và điều quan trọng là không tạo ra được cảm xúc trước những trang sử của dân tộc. Lịch sử thế giới lại càng khó, tên nước ngoài khó đọc, địa lý nước ngoài không rành, nhân vật nước ngoài chẳng rõ, nhầm lẫn lung tung.

Cho nên cần xây dựng lại chương trình và sách giáo khoa một cách mạnh dạn trên tinh thần cơ bản, tinh giản và phù hợp với lứa tuổi thì mới có thể tạo nên bước chuyển biến thực sự. Yêu cầu đặt ra không phải là làm cho học sinh biết thật nhiều các sự kiện lịch sử mà là biết nhìn nhận, đánh giá, phân tích các sự kiện quan trọng, các nhân vật nổi bật trong lịch sử, gợi mở phát huy suy nghĩ cá nhân, tranh luận tập thể. Muốn vậy phải thật sự tôn trọng sự thực lịch sử, làm cho môn Lịch sử phải là một khoa học đích thực như nó vốn có. Có lẽ nên nhắc lại phương châm 'Thà ít mà tốt', làm cho học sinh học ít nhưng hiểu và nhớ được những điều căn bản còn hơn là học nhiều mà chẳng hiểu bao nhiêu, thậm chí còn hiểu sai, viết sai thì phản tác dụng, rất tai hại.

Trên cơ sở chương trình đã thay đổi và được ổn định, việc viết sách giáo khoa chỉ còn là vấn đề kỹ thuật mà mỗi tác giả có thể phát huy sự sáng tạo của mình với những kiến thức được chọn lọc, những gợi mở gây hứng thú và kinh nghiệm sư phạm trong việc chuyển tải nội dung lịch sử đến thế hệ trẻ đang trong độ tuổi quàng khăn đỏ và mới bước vào Đoàn.

Có thể có nhiều cuốn sách giáo khoa lịch sử do các tác giả tự tổ chức biên soạn. Nhưng rất cần một đội ngũ phản biện, góp ý kiến có trình độ khoa học, có kinh nghiệm sư phạm và có tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh các nhà sử đầu ngành rất cần có sự góp ý của giáo viên giỏi ở bậc trung học phổ thông. Họ là những người gần gũi học sinh có thể nhận biết khả năng tiếp thu của học sinh đối với từng trang sách, có thể góp nhiều ý kiến xác đáng phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong nhà trường. Và các vị phụ huynh học sinh cũng là một lực lượng phản biện đáng quan tâm bởi vì qua cách học của con em, họ có thể có nhận xét, có ý kiến. Đương nhiên từ những ý kiến đóng góp, các tác giả phải sàng lọc, chọn lựa để tìm ra những giải pháp tốt nhất cho cuốn sách giáo khoa của mình.

4. Ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng trong việc khai thác các phương tiện phụ trợ cho việc học tập chính khoá. Đã có nhiều truyện tranh, băng hình về lịch sử; đã có đều đặn các buổi truyền hình “Theo dòng lịch sử”, đã có nhiều kỳ thi tìm hiểu các sự kiện hoặc nhân vật lịch sử và cũng đã xuất hiện một số ít cuốn phim lịch sử. Ngay sách giáo khoa cũng được cải tiến nhiều về nội dung và hình thức, sách in đẹp hơn, tăng thêm kênh hình với nhiều sơ đồ và ảnh tư liệu… Nhiều thầy cô giáo đã sử dụng những kết quả đó vào bài giảng làm cho giờ học thêm sinh động. Song tất cả sự cố gắng đó vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của việc giáo dục lịch sử mà rất cần tăng về số lượng cũng như chất lượng. Tuy vậy, không nên quên rằng nước ta còn nghèo, không dễ gì tổ chức cho học sinh nhiều buổi tham quan di tích lịch sử ở xa địa phương, không thể đòi hỏi có được ngay những cuốn phim lịch sử hoành tráng như nước ngoài.

Cuối cùng, cũng nên nhắc đến một yếu tố mang tính xã hội mà cụ thể là các vị phụ huynh học sinh. Sử học cũng như nhiều môn học khác có sứ mệnh trước hết là giáo dục toàn thể thanh thiếu niên trở thành những người công dân tốt, người lao động giỏi, có tinh thần và năng lực phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước. Trên cái nền thuộc về phẩm chất và tư cách ấy, mỗi người sẽ phát huy trí tuệ và tài năng vào những công việc chuyên môn cụ thể được chọn lựa từ khi thi vào đại học. Nếu như chỉ chăm chú vào các môn thi tuyển đại học, chỉ bắt con em tập trung vào các môn đó, bỏ qua các môn Lịch sử, Địa lý thì sự nỗ lực của nhà trường sẽ bị hạn chế và sự phát triển toàn diện của mỗi con người cũng gặp khó khăn.

Có rất nhiều việc phải làm song cần bắt đầu từ việc chấn chỉnh cách nhìn nhận đúng về vị trí môn lịch sử trong chức năng giáo dục con người, đồng thời nâng cao chất lượng chương trình và sách giáo khoa, bồi dưỡng năng lực của đội ngũ giáo viên thì mới có thể thay đổi một cách cơ bản tình hình, góp phần cùng các môn học khác đào tạo thế hệ trẻ nước nhà. Đó không chỉ là công việc của riêng giới sử học mà phải là công việc của toàn ngành giáo dục và sự quan tâm của toàn xã hội.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực