Đề tài nghiên cứu khoa học - Tìm cách thoát khỏi phòng thí nghiệm

Thứ ba, 27/09/2011 22:02

Ngoại trừ một số đề tài cấp quốc gia, hoặc trọng điểm cấp ĐH Quốc gia, còn lại các đề tài nghiên cứu khoa học trong trường ĐH vẫn chưa đi vào thực tế bởi thiếu hụt kinh phí và chất lượng chưa cao. Do vậy, việc nhiều nhà khoa học kết nối nhau hoặc cùng các “đại gia” thành lập những doanh nghiệp KH-CN nhằm tạo ra những sản phẩm ứng dụng, cần được nhân rộng.

 

 Nhiều nghiên cứu của sinh viên đại học vẫn chưa ứng
        dụng vào cuộc sống do không có hướng ra.

“Chân trong” để tạo “chân ngoài”

Nhận thấy tính hiệu quả cho xã hội khi ứng dụng các đề tài nghiên cứu của sinh viên và cán bộ tại phòng thí nghiệm của mình, hai thầy trò (đề nghị không nêu tên) là giảng viên thuộc một trung tâm nghiên cứu của ĐH Khoa học tự nhiên-ĐH Quốc gia TPHCM đã đến gõ cửa các “đại gia” để tìm kiếm nguồn tài trợ. Và đó là tiền đề cho ra đời công ty chuyên về các sản phẩm từ tế bào gốc, với tổng vốn đầu tư gần 10 triệu USD.

Hai thầy trò với vai trò cố vấn kỹ thuật và phát triển sản phẩm mới đã chia sẻ: “Các sản phẩm của công ty này hiện được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của nhà trường, rồi chuyển giao, phát triển lên sản phẩm, trước khi được thương mại hóa ra bên ngoài. Điều này giải quyết được đầu ra cho các nghiên cứu khoa học trong nhà trường, đồng thời định hướng cho các sinh viên và giảng viên nghiên cứu các sản phẩm theo nhu cầu của xã hội”. Để có được tiền đề như hiện nay, từ những ngày đầu, họ vô cùng vất vả trong định hướng cách làm, chuẩn bị nhân sự… đến nay hơn 50 cán bộ thuộc phòng thí nghiệm nói trên được nhận khoản tiền trợ cấp 2-5 triệu đồng/tháng từ hoạt động chuyển giao các đề tài nghiên cứu giữa phòng thí nghiệm với một công ty tư nhân.

Một công ty khác cũng kể đến là Công ty TNHH công nghệ sinh học Khoa Thương. Tiền thân của công ty là nhóm nghiên cứu về bệnh nhiễm thuộc Phòng thí nghiệm Sinh học phân tử Bộ môn Di truyền Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM. Năm 2004, các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu trên đã đứng ra mở Công ty Khoa Thương, chuyên hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao các kit chẩn đoán bệnh nhiễm bằng kỹ thuật sinh học phân tử. Hiện tại, công ty là điểm đến của nhiều sinh viên với mong muốn học tập và kết hợp nghiên cứu trước khi ra trường…

Vẫn luẩn quẩn

Dù mô hình doanh nghiệp KH-CN xuất hiện từ cách đây hơn 5 năm, nhưng trong suốt thời gian qua, không nhiều mô hình khẳng định được danh tiếng. Một phần bởi năng lực, phần nhiều hoặc do “vướng mắc” ở những quy định pháp luật, hoặc chưa có cơ chế cho phép kinh doanh. Một thạc sĩ trẻ ở Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM cho biết: “Một công ty tại Khu công nghệ cao TPHCM tìm đến chúng tôi với mong muốn phát triển các sản phẩm ứng dụng tế bào gốc trong điều trị ung thư và tiểu đường, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể chuyển giao cho họ được, vì hiện chưa có hành lang pháp lý quy định về loại sản phẩm này. Chúng ta không làm thì sẽ chẳng bao giờ có luật, mà làm thì không có cơ chế bảo vệ, nên cứ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn”.

Một điểm “vướng” khác mà theo các nhà khoa học cho là ảnh hưởng khá lớn đến vấn đề chuyển giao chính là xác định pháp nhân đề tài và giá trị thụ hưởng. Cụ thể hơn, với một đề tài nghiên cứu trong trường đại học, nguồn kinh phí do nhà nước cấp, công sức do nhà khoa học bỏ ra, đến khi hoàn thành và chuyển giao, đề tài nghiên cứu ấy không xác định rõ là của nhà nước hay của nhà khoa học, giá trị thụ hưởng hai bên xác định là bao nhiêu, từ đó dẫn đến tình trạng “tự buộc chân nhau”.

Trước vấn đề này, TS-BS Phạm Hùng Vân, giảng viên bộ môn Vi sinh khoa Y ĐH Y Dược TPHCM, tâm sự: “Chúng tôi thành lập Công ty TNHH Nam Khoa, với ý tưởng ban đầu mong muốn phát triển các nghiên cứu trong trường ĐH. Thế nhưng, khi bắt tay vào thực hiện, những vấn đề xung quanh pháp nhân không cho phép chúng tôi phát triển thành phẩm các đề tài nghiên cứu, chưa kể là còn bị hiểu lầm là cố tình nhầm lẫn giữa công và tư trong chuyển giao các đề tài nghiên cứu này”. Được biết từ khi thành lập công ty, đã có hơn 400 sản phẩm ứng dụng hiệu quả vào đời sống và những sản phẩm này được thực hiện bằng chính nguồn kinh phí từ công ty.

Rõ ràng, dù cơ chế chưa rộng cửa, nhưng các nhà khoa học vẫn đang tự mày mò tìm đường ra, qua đó họ không những tự chủ số phận những đề tài nghiên cứu, những đứa con tinh thần của của mình mà còn tạo được đầu ra, là các sản phẩm từ các đề tài nghiên cứu khoa học trong nhà trường…



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực