Đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Thứ sáu, 17/02/2017 23:43
(ĐCSVN) - Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tư pháp cần đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp…

Trong năm 2016, với sự chủ động sáng tạo của nhiều Bộ, ngành, địa phương, công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện.

Công tác PBGDPL, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn ngành Tư pháp tập trung đẩy mạnh. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật mới, nhất là tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, pháp luật về an toàn giao thông đường bộ...

Các hoạt động PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục phát huy hiệu quả; liên tục cập nhập, đưa tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, nhân dân cả nước.

Bên cạnh phương thức PBGDPL truyền thống, các bộ, ngành, địa phương cũng đã bước đầu có những đổi mới như: Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng Trang tuyên truyền pháp luật trên mạng xã hội facebook để giải đáp các thắc mắc của người dân; Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức cuộc thi Tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính... trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh...

Năm 2016 là năm thứ tư cả nước triển khai Ngày Pháp luật. Sau 4 năm, Ngày Pháp luật đã trở nên gần gũi, thân thuộc với nhiều tầng lớp nhân dân, trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Việc thực hiện Ngày Pháp luật đã bắt đầu hướng tới mục tiêu thực chất hơn, đó là làm chuyển biến ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, đáp ứng triển khai các nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; góp phần quan trọng để nâng cao nhận thức cho người dân về vị trí, vai trò của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống.

Mô hình “quán cà phê pháp luật” tại Cần Thơ. (Ảnh: baophapluat.vn).

Theo đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để việc triển khai trở nên thiết thực hơn, gần gũi hơn với đời sống xã hội qua nhiều mô hình mới đã ra đời như: Các Đoàn luật sư tổ chức trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân; hay một số mô hình “Tiết học pháp luật” tại Long An, “quán cà phê pháp luật” tại Cần Thơ, “Ngày hội Pháp luật” tại thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức Ngày Pháp luật lồng ghép với việc tổ chức Ngày Đại đoàn kết tại khu dân cư (Phú Thọ)…Điểm nhấn của Ngày Pháp luật năm 2016 là Hội thi hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III.

Song, cũng cần phải thẳng thắn thừa nhận, nội dung, hình thức PBGDPL tuy đã đổi mới nhưng vẫn chưa sát với đặc thù của từng địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng hoặc chưa gắn liền với trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, hình thức PBGDPL hiện vẫn đang “đi theo lối mòn”, với các hình thức truyền thống. Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin như hiện nay thì việc quan trọng là phải sớm hoàn thiện để trình hai dự thảo Đề án đổi mới công tác PBGDPL, Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2017-2021.

Về hình thức PBGDPL thời gian qua đã xác định trọng tâm, trọng điểm nhưng theo Bộ trưởng Lê Thành Long vẫn chưa tương xứng với nguồn lực;  vẫn còn một số trường hợp còn làm theo phong trào, chưa hiệu quả. Do đó, phải tiếp tục xác định lĩnh vực cần tập trung PBGDPL gắn với các địa bàn cụ thể.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tư pháp cần đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, cần định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp…

Thực tế cho thấy, hiện ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân chưa có nhiều chuyển biến lớn; hiện tượng “nhờn luật” còn khá phổ biến; có lúc, có nơi ngay cả cán bộ, công chức, những người thực thi công vụ cũng còn chưa tuân thủ pháp luật, thậm chí cố tình "lách" luật, làm trái pháp luật, gây oan sai cho dân, làm giảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước và giảm niềm tin của nhân dân vào sự tôn nghiêm, công bằng của pháp luật.

Trong bối cảnh đang xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, có thể thấy việc tạo điều kiện giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận pháp luật là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.Thực hiện tốt công tác PBGDPL cũng sẽ góp phần khắc phục tình trạng "nhờn luật" trong chính bộ máy Nhà nước và trong toàn xã hội; giảm tình trạng người dân, doanh nghiệp phải khiếu nại tố cáo hay “tự xử”. Mặt khác, lãnh đạo các địa phương cũng cần phải thấy rõ trách nhiệm của mình cũng như tầm quan trọng của công tác PBGDPL để có sự quan tâm, đầu tư hơn về nguồn lực cho công tác này.../.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực