Đừng coi Lịch sử là môn học phụ!

Thứ ba, 02/08/2011 20:37

Nếu quy định rõ môn Lịch sử là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì chắc chắn tình hình dạy và học Sử sẽ có nhiều tiến triển.

Từ nhiều năm nay, kết quả điểm thi môn lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) rất thấp và đã được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh. Tưởng chừng sự việc được nói tới nhiều đến vậy thì ngành giáo dục sẽ đưa ra những biện pháp “mạnh” để cải thiện tình thế. Nếu nhìn vào điểm thi môn sử năm nay của thí sinh, chúng ta thấy thật bàng hoàng và cần phải suy ngẫm.

Thu hút học sinh học Sử đang là vấn đề cần được quan tâm

Theo đánh giá của nhiều cán bộ trực tiếp chấm thi, phổ điểm môn lịch sử năm nay của thí sinh chỉ từ 0-3 điểm. Nhiều trường ĐH có trên 98% bài thi môn Sử dưới điểm trung bình. Thậm chí có trường chỉ có 1 thí sinh đạt điểm trung bình môn sử. Số lượng bài đạt điểm trên trung bình chỉ hơn 25%, còn lại gần 75% là dưới điểm dưới trung bình. Trong đó, số lượng học sinh bị điểm 0 tương đối nhiều. Số học sinh đạt 7,8 điểm chiếm chưa đến 5%. Trong số 10.000 bài thi may ra mới có 1 bài đạt điểm 9!

Có phải việc dạy Sử ngày càng đi xuống?

Có nhiều ý kiến cho rằng, điểm thi môn lịch sử thấp phản ánh về thực trạng dạy môn lịch sử ở các trường THPT đang ngày càng đi xuống. Tuy nhiên, ý kiến này đã bị những nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử ở các trường ĐH không đồng tình.

          PGS.TS Vũ Văn Quân

Theo PGS.TS Vũ Văn Quân, Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội: Không thể nhìn vào điểm thi môn sử năm nay thấp mà vội đánh giá việc dạy Sử ở các trường phổ thông đang đi xuống. Sang năm có thể điểm sử sẽ cao hơn, nhưng cũng không vì thế mà vội khẳng định việc dạy sử đã được nâng cao. Có rất nhiều nguyên nhân của thực tế này, chẳng hạn như yếu tố đề thi và nhìn rộng hơn là hàng loạt vấn đề liên quan đến chương trình, sách giáo khoa, nhận thức và yêu cầu của xã hội về học và làm nghề Sử cũng như một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác…

Thực tế là trong những năm gần đây, tại các trường THPT, việc giảng dạy môn lịch sử đã có nhiều cải tiến. Không chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa, giáo viên còn sử dụng nhiều phương tiện hỗ trợ để bài giảng sinh động hơn. Nhiều trường học cũng đã tổ chức đưa học sinh đi tham quan các di tích lịch sử, thăm các viện bảo tàng... Các đài truyền hình, phát thanh cũng đã có những chương trình, trò chơi tìm hiểu lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc, khá hấp dẫn thu hút nhiều bạn trẻ, người dân tham gia.

Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đình Lê, Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cận hiện đại Việt Nam, khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Điểm thi môn lịch sử năm nay thấp hơn mọi năm không phải phản ánh việc dạy sử kém.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Lê: Đề thi môn lịch sử năm nay tương đối hay nhưng không hiển ngôn, rõ ràng. Chính sự không rõ ràng trong cách ra đề đã khiến cho thí sinh hiểu lầm, dễ làm sai đáp án và dẫn đến điểm thi kém hoặc làm lạc đề nên điểm thi dưới trung bình hoặc thậm chí 0 điểm. Có rất nhiều cách để phân loại thí sinh trong một kỳ thi nhưng đề thi phải rõ ràng, dễ hiểu.

Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên dạy Sử, trường THPT Văn Hiến (Hà Nội) đưa ra ý kiến: Trong những năm gần đây, giáo viên dạy sử đã chủ động chuẩn bị bài giảng trước khi đến lớp, thay đổi suy nghĩ, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng sáng tạo nhằm thu hút học sinh hơn như đưa ra các vấn đề để học sinh phát huy tính tự chủ, đóng góp ý kiến vào các sự kiện lịch sử.

Theo cô Nguyễn Thị Hoa, điểm thi môn sử năm nay thấp một phần là do đề thi ra tương đối khó, đòi hỏi thí sinh phải ôn tập kỹ và có sự đào sâu suy nghĩ. Mặt khác, yếu tố tồn tại khá lâu trong suy nghĩ của xã hội, phụ huynh và học sinh chỉ coi môn sử chỉ là môn học phụ, cho rằng môn này khó tìm kiếm việc làm trong tương lai với thu nhập cao.

Ngoài ra, điểm thi môn sử thấp còn do chương trình kiến thức trong sách giáo khoa quá “nặng” mà thời gian dành cho môn học này chỉ có 36 tiết/năm (tương đương 1,5 tiết/tuần).

Về phía người học, em Vũ Thùy Linh, học sinh lớp 12, trường THPT Trần Phú Hà Nội lại cho rằng: Tùy theo từng trường có giáo viên dạy sử hay hoặc không. Ở trường các em có cô giáo dạy sử rất hay bằng phương pháp giảng dạy kèm theo minh họa và có liên hệ với những sự kiện thời sự thực tế trong cuộc sống. Tuy nhiên, tại các lớp luyện thi ĐH ở một số trường các em đã thử học thì có một số giáo viên do đi “dạy sô” nhiều nên không chú trọng đến chất lượng bài giảng, giảng bài theo kiểu “đọc-chép”.

Theo học sinh Trần Bảo Ngọc, lớp 12, trường THPT Trần Phú Hà Nội, giáo viên muốn thu hút học sinh yêu mến và hứng thú với môn sử thì phải luôn đổi mới trong cách thức giảng dạy chứ không nên vì chạy theo số lượng bài giảng, “dạy xô” ở nhiều trường học.

Môn Sử phải là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp

       PGS.TS Lê Sỹ Giáo

Việc điểm thi môn lịch sử thấp trong kỳ thi ĐH đang đặt ra cho chúng ta suy nghĩ là phải làm thế nào để thu hút các bạn trẻ yêu thích học môn học này, có kiến thức về truyền thống văn hoá, lịch sử dân tộc hơn, coi học sử có thể lập nghiệp và sống được bằng chính sự hiểu biết của mình.

Để giải quyết bài toán này, PGS.TS Lê Sỹ Giáo, cán bộ giảng dạy Bộ môn Nhân học, trường ĐH KHXH&NV nêu ý kiến: Cần có sự thay đổi về nhận thức trong xã hội, học sinh và phụ huynh khi coi môn lịch sử chỉ là môn học phụ. Thực tế là hiện nay, phần lớn các tiết học chủ yếu dành cho các môn văn, toán, ngoại ngữ. Thời lượng học môn lịch sử chỉ chiếm 1-2 tiết/tuần, trong khi đó, kiến thức trong sách giáo khoa là tương đối lớn, nhiều sự kiện, con số. Học sinh nhiều khi phải học một cách gồng gánh, học vẹt dẫn đến tình trạng học trước, quên sau, học như “nước đổ lá khoai”.

Nếu như cũng với số tiết học như trên mà các con số, sự kiện lịch sử chi tiết không cần thiết trong sách giáo khoa giảm bớt đi và Bộ Giáo dục-Đào tạo đưa ra quy định rõ ràng: Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, môn lịch sử phải là môn thi bắt buộc thì chắc chắn học sinh sẽ chú tâm đến học môn lịch sử nhiều hơn. Đề xuất này được đưa ra là có lý bởi vì hiện nay, trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT có thi sử thì học sinh ôn tập khá tốt, nhưng năm nào không thi thì học sinh lại thờ ơ với môn này và dành nhiều thời gian ôn luyện các môn khác.

Ngoài ra, thực tế là hiện nay, mỗi năm, sinh viên chuyên ngành sử tốt nghiệp ra trường thì có tới 50% không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành nghề. Môi trường làm việc chủ yếu cho những người tốt nghiệp ngành sử là các cơ quan văn hoá như bảo tàng, các viện nghiên cứu, các trường học. Tuy nhiên, nhiều sinh viên cho rằng, vào làm việc ở những nơi này, thu nhập không đủ sống nên sẵn sàng làm trái ngành nghề để có thu nhập cao hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao nhiều học sinh, phụ huynh không coi trọng việc học sử và theo nghề sử trong tương lai.

       PGS.TS Nguyễn Đình Lê

Nhiều học sinh đã chọn lựa thi vào các trường thuộc khối kinh tế, ngân hàng, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông vì đây là những ngành học có môi trường tuyển dụng nhiều và dễ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp. Điều này đã được chứng minh rất rõ trong kỳ thi ĐH, CĐ năm nay, lượng hồ sơ đăng ký vào khối C chỉ bằng 1/3 so với khối A, D.

Không phải vô tình mà đầu năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phổ biến rộng rãi diễn ca “Lịch sử nước ta”. Mở đầu diễn ca này, Bác đã nhắc nhở: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Trong quá trình lãnh đạo Đảng và nhân dân đấu tranh giành độc lập tự do, Bác đã nhận thức sâu sắc rằng, sử học có vai trò quan trọng đối với quốc gia, dân tộc. Không hiểu lịch sử dựng nước giữ nước của dân tộc là không hiểu văn hóa dân tộc.

PGS.TS Nguyễn Đình Lê cũng cho rằng: Một đất nước yếu về kinh tế thì sẽ khiến cho đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn nhưng nếu một đất nước với thế hệ trẻ thờ ơ với lịch sử dân tộc thì vô cùng nguy hại và sẽ phải trả giá rất đắt trong tương lai. Thế hệ trẻ hiểu lịch sử dân tộc sẽ có lòng tự hào, tự tôn và trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước.

Chúng ta không thể trách các bạn trẻ trong việc chọn môn học, ngành nghề có lợi cho tương lai mà chúng ta phải nghĩ tới cần phải làm gì, cải tiến giáo dục như thế nào để thế hệ trẻ không thể coi nhẹ các môn học xã hội, khoa học cơ bản nói chung và lịch sử nói riêng. Đây là câu hỏi mà ngành giáo dục-đào tạo, các nhà quản lý, nghiên cứu về lịch sử cần phải suy ngẫm…/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực