Liệu có chặn được lạm thu đầu năm học?

Thứ hai, 22/08/2011 20:08

Để hạn chế tình trạng lạm thu, hoặc nhà nước phải tăng ngân sách cho các cơ sở đào tạo, hoặc phải điều chỉnh mức thu học phí hiện nay.

 

Ảnh minh họa

Mỗi đầu năm học mới, khi con trẻ háo hức đến trường, thì nhiều bậc phụ huynh lại lo lắng trước những khoản đóng góp cho nhà trường, trong đó không ít khoản thu ngoài quy định được gọi là tự nguyện nhưng lại không hề nhỏ.

Trước khi năm học mới bắt đầu, nhiều Sở GD - ĐT đều có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các trường về những khoản thu theo quy định, khoản thu hộ, thu theo thỏa thuận; trách nhiệm thu, sử dụng các khoản thu như thế nào… để tránh gây bức xúc trong dư luận.

Mặc dù vậy, trên thực tế, hiện tượng này vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các khoản thu theo quy định, có rất nhiều khoản thu được đặt ra như tiền mua điều hòa, tiền mua máy chiếu, tiền nước uống, tiền mua cây cảnh, thậm chí có nơi là tiền xây tượng đài. Tất nhiên các khoản này đều gọi là tiền tự nguyện đóng góp hoặc thu theo thỏa thuận.

Nhà trường cho rằng, hiện nay mức học phí và các khoản thu theo quy định của nhà nước đã quá cũ và không theo kịp với thị trường nên nếu chỉ trông chờ vào khoản thu này để hoạt động thì vô cùng khó khăn. Bản thân các trường không thể xoay xở được để phục vụ riêng công tác dạy và học theo chương trình mới chứ đừng nói gì đến các hoạt động ngoại khóa hay nâng cao khác. Chính vì thế mới phát sinh các khoản thu được gọi là “hợp lý mà chưa được hợp pháp” như vậy.

Những khoản thu này đều được thực hiện sau khi có các cuộc họp phụ huynh đầu năm, có văn bản thỏa thuận với Ban phụ huynh học sinh các lớp và của trường. Thế nhưng thu bao nhiêu khoản, có hợp lý hay không, mức thu đã thỏa đáng chưa thì lại do mỗi trường tự làm mà không có sự quản lý nào của các cơ quan chức năng.

Về phía phụ huynh, đối với những gia đình khá giả, việc đóng góp thêm không phải là vấn đề lớn. Nhưng đối với nhưng gia đình có mức sống trung bình hoặc nghèo khó thì các khoản thu “tự nguyện” lên đến tiền triệu lại không phải là chuyện nhỏ.

Đóng góp như vậy là gánh nặng với các gia đình nghèo, nhất là trong cảnh lạm phát cao như hiện nay, nhưng hầu như rất ít người dám phản đối công khai vì con mình học ở đó. Làm mất lòng nhà trường chả khác nào đóng cửa với sự phát triển bình thường của con mình.

Cũng không loại trừ trường hợp đại diện hội phụ huynh khá giả, muốn tranh thủ cảm tình của thầy, cô chủ nhiệm và nhà trường, nhằm cầu lợi không chính đáng cho con mình, nên đã chủ động đưa ra các khoản đóng góp vô lý. Các bậc cha mẹ nghèo cũng cố mà thuận theo.

Những chuyện tế nhị như vậy vẫn diễn ra năm này qua năm khác mà chưa có cách gì chấn chỉnh hiệu quả.

Để hạn chế tình trạng lạm thu, hoặc nhà nước phải tăng ngân sách cho các cơ sở đào tạo, hoặc phải điều chỉnh mức thu học phí hiện nay.

Quy định về đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, đã cho phép điều chỉnh mức thu học phí, nhưng trên thực tế tại nhiều tỉnh, học phí vẫn chưa thể tăng do chưa có giải pháp phù hợp. Với mức học phí đã lạc hậu, một sự thật là các trường không thể gồng mình đảm bảo đầy đủ cho hoạt động của học sinh. Cho nên khi còn “cái phao” là các khoản thu “tự nguyện” do người dân đóng góp, theo cách hiểu lệch lạc về xã hội hóa giáo dục hiện nay, thì việc ra các văn bản hướng dẫn hằng năm, thậm chí có thanh tra, kiểm tra về các khoản thu đầu năm học, cũng chưa thể chặn đứng được tình trạng này.

Hiện tại, một số địa phương đã tiến hành thí điểm hình thức tự chủ thu chi trong các trường công lập. Thực tiễn này cần sớm được tổng kết, rút kinh nghiệm làm cơ sở cho việc quy hoạch, tổ chức, xây dựng chính sách tài chính đối với trường học.

Chế độ đóng góp của người dân, cơ chế tài chính, minh bạch thu chi trong trường học là chuyện lớn. Nó cần được đặt ra một cách nghiêm túc trong sự thúc ép đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, khi chưa có chính sách mới về cơ chế tài chính trong nhà trường, thì nguyên tắc là phải có thỏa thuận rõ ràng giữa phụ huynh với phụ huynh, giữa phụ huynh với nhà trường trên cơ sở minh bạch thu chi thực tế.

Các trường không nên thu một lần vào đầu năm học mà có thể thu theo từng tháng để giảm áp lực cho các gia đình khó khăn. Phụ huynh cũng cần mạnh dạn “nói không” với những khoản thu không hợp lý. Các cơ quan quản lý giáo dục cũng không nên thờ ơ, đứng ngoài những việc quan trọng và nhạy cảm này./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực