Tiếng Anh trong trường phổ thông rối như... thí điểm

Thứ sáu, 23/09/2011 16:43

Năm học 2011-2012 đã bước vào tuần học thứ ba, song nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn chưa biết đăng ký cho con học chương trình tiếng Anh nào trong số nhiều lựa chọn được các trường đưa ra. Một cuộc chạy đua vào các lớp tiếng Anh tăng cường và chương trình phổ thông quốc tế Cambridge khiến không ít trường, phụ huynh và học sinh gặp khó khăn.

 

Giờ học tiếng anh có hỗ trợ phần mềm  DynEd của học
sinh Trường tiểu học Trần Hưng  Đạo (quận 1).

“Thực đơn” nhiều món

Sau gần hai giờ ngồi nghe tư vấn về các chương trình tiếng Anh tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm tổ chức cuối tuần qua tại Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng (quận 3), nhiều phụ huynh cho biết vẫn chưa đăng ký cho con học tiếng Anh. Nguyên nhân là do năm nay ngoài hai chương trình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh tăng cường, nhà trường còn tổ chức thí điểm chương trình tiếng Anh đại trà theo Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 do Bộ GD-ĐT ban hành.

Ngoài ra, phụ huynh cũng được lấy ý kiến về việc triển khai học DynEd, hình thức học ngoại ngữ trực tiếp qua phần mềm hỗ trợ của máy tính với mức học phí 120.000 đồng/tháng, song song với việc triển khai chương trình Cambridge do Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) biên soạn.

Anh Thành, một phụ huynh cho biết: “Mới vào lớp 1, tiếng Việt các cháu còn chưa rành thì làm sao biết có năng khiếu tiếng Anh hay không? Chỉ riêng hai loại hình tiếng Anh tự chọn và tiếng Anh tăng cường đã khiến gia đình khó nghĩ, nay thêm nhiều chương trình và phần mềm hỗ trợ nữa khiến việc học tiếng Anh của con trở thành bài toán cân não đối với gia đình”.

Hiện nay, chưa tính khối 1, Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng có tất cả 12 lớp tiếng Anh tăng cường trên tổng số 45 lớp học, đạt tỷ lệ 26,7%. Song theo dự đoán của một hiệu phó nhà trường, năm học 2011-2012, số lượng các lớp tăng cường sẽ tăng thêm ít nhất 20%. Riêng các lớp Cambridge, do học phí khá cao 150 USD/tháng nên đang trong quá trình thăm dò ý kiến phụ huynh, nếu đủ số lượng sẽ triển khai ngay trong năm học này.

Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), chị Thu Thủy, phụ huynh có con đang học lớp 3, bày tỏ: “Con tôi đang học lớp tiếng Anh tăng cường với mức học phí 50.000 đồng/tháng. Năm nay, nhà trường giới thiệu thêm chương trình Cambridge. Không đăng ký thì sợ con mình thua kém bạn bè, đăng ký rồi lại không biết con có vượt qua kỳ sát hạch và theo được chương trình, còn mình có kham nổi học phí hay không?”. Hiện nhà trường đang hoàn tất việc triển khai chương trình Cambridge trong năm học này. Ngoài ra, một số trường tiểu học khác như Nguyễn Đình Chiểu, Chu Văn An (quận Bình Thạnh) cũng đang bước đầu xúc tiến triển khai chương trình này.

Như vậy, sau 12 năm triển khai thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường tại các trường tiểu học trên địa bàn TP, mặc dù chưa đạt hiệu quả như mong đợi với chỉ hơn 11% học sinh theo học, ngành giáo dục - đào tạo TPHCM lại tiếp tục thí điểm hai chương trình khác song song là tiếng Anh đại trà và chương trình Cambridge.

Ngoài ra, các trường còn được khuyến khích sử dụng thêm các phần mềm hỗ trợ học tiếng Anh khác như Phonic, DynEd, E-Study… với nhiều mức học phí khác nhau. Chính điều này tạo ra sự đa dạng trong chương trình và phương pháp học tập, giúp học sinh và phụ huynh chủ động trong việc lựa chọn điều kiện học tập phù hợp với bản thân mình. Song, nếu không làm tốt công tác tư vấn và tổ chức, điều này vô hình trung sẽ tạo nên một cuộc chạy đua không đáng có vào các lớp tăng cường khiến phụ huynh hoang mang, bản thân học sinh không xác định được mục tiêu học ngoại ngữ của mình là gì.

Thực tế hiện nay cho thấy, học sinh ở các lớp tự chọn đang có khuynh hướng chuyển vào các lớp tăng cường, trong khi những em ở lớp tăng cường lại tranh nhau các suất vào học chương trình Cambridge.

Thầy Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) cho biết, năm học 2010-2011, trường chỉ có 3 lớp học chương trình Cambridge, năm nay tăng thêm 4 lớp song vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu. Riêng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh), mặc dù chưa chính thức mở loại hình đào tạo này nhưng đến nay đã có hơn 100 hồ sơ đăng ký cho con vào học chương trình Cambridge.

Nhu cầu và sự bình đẳng trong giáo dục

Trao đổi với chúng tôi về việc lựa chọn chương trình, cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), bày tỏ: “Không phải trẻ nào cũng có năng khiếu học ngoại ngữ. Thay vì chạy đua cho con vào học các lớp tăng cường, phụ huynh cần hiểu rõ nhu cầu và sức khỏe của con mình để có lựa chọn phù hợp”. Bé nào có sức khỏe không tốt, mắc các dị tật về phát âm hoặc trí nhớ, gặp khó khăn trong việc học không nên lựa chọn chương trình tăng cường hoặc Cambridge mà nên chọn tiếng Anh tự chọn với thời lượng 2 tiết/tuần.

Tuy nhiên, khi nhìn vào mức học phí, rõ ràng ngoại ngữ vẫn không phải là sân chơi của con nhà nghèo. Một giáo viên dạy tiếng Anh lâu năm ở quận 1 kể, anh đã từng chứng kiến ánh mắt thèm thuồng của học sinh nọ trước cửa phòng máy DynEd, nơi có những mô hình, tranh ảnh rực rỡ màu sắc. Hay trường hợp một học sinh khác, sáng thứ bảy nào em cũng nằng nặc đòi mẹ chở đến trường nhìn các bạn hát, múa, kể chuyện bằng tiếng Anh, một trong những giờ học ngoại khóa thuộc chương trình quốc tế Cambridge.

Tiểu học là môi trường giáo dục đầy nhạy cảm, trong đó bất kỳ sự phân loại nào cũng dễ làm tổn thương tâm hồn non nớt của học sinh. Mặc dù tham gia các chương trình giáo dục tiên tiến là nhu cầu có thật của một bộ phận gia đình, song không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua quyền lợi cũng như nhu cầu học tập chính đáng của bộ phận học sinh còn lại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực