Tọa đàm “Triết lý giáo dục Việt Nam”

Thứ tư, 31/08/2011 15:19
(ĐCSVN) - Sáng 31/8, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Triết lý giáo dục Việt Nam” nhằm bàn về quan điểm, lý thuyết, nhận thức, tư duy về giáo dục - đào tạo ngang tầm thời đại, phù hợp với chế độ xã hội chủ nghĩa và phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. PGS. TS Nguyễn Viết Thảo, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trì Tọa đàm.

 
 Toàn cảnh Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có GS.TS Phùng Hữu Phú – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận TƯ, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng TƯ; GS.VS Phạm Minh Hạc – Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục; GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.TS Phạm Mạnh Hùng - Nguyên Phó Trưởng ban Ban Khoa giáo TƯ; GS.TS Trần Ngọc Hiên – Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; GS.TS Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội; Lãnh đạo Ban Biên tập, các ban chuyên môn của Báo và nhiều cán bộ, phóng viên đã tham dự.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Viết Thảo – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng: Trong những năm đổi mới hiện nay, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội tiếp tục dành sự quan tâm to lớn cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, tạo nên nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, như Đại hội XI đánh giá, các lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc xã hội. Để đưa nền giáo dục nước nhà ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nuớc trong thời kỳ mới, ngang tầm với những xu hướng của nền giáo dục thế giới, Đại hội XI khẳng định chủ trương: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo… Cuộc Tọa đàm “Triết lý giáo dục Việt Nam” có mục đích thảo luận vấn đề gốc, vấn đề nền tảng của sự nghiệp giáo dục – đó là triết lý, quan điểm, cơ sở lý luận cho ngành giáo dục - đào tạo của đất nước.

Mở đầu cuộc Tọa đàm, GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục nhấn mạnh, hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề triết lý giáo dục Việt Nam. Theo GS.VS Phạm Minh Hạc, có thể khẳng định từ trước tới nay, Việt Nam có triết lý giáo dục như: tư tưởng, ý tưởng về giáo dục được thể nghiệm, trải nghiệm, đúc rút thành kinh nghiệm sống, rồi lại đem ra thực hành... Hiện nền giáo dục của chúng ta bộc lộ một số yếu kém, bất cập, gây nhiều băn khoăn, lo lắng. Điều đó đòi hỏi cần cụ thể hoá triết lý giáo dục thời nay ở nước ta hơn những gì đã ghi trong các văn kiện. Lý luận giáo dục của chúng ta phải có bước phát triển mới, góp phần triển khai chủ trương, chính sách phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ mới. Với ý tưởng đó, sau khi nghiên cứu, GS. VS Phạm Minh Hạc đề xuất triết lý giáo dục là “Giáo dục giá trị bản thân”.

Còn theo GS. TS Phạm Tất Dong: Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, chiêm nghiệm những bước thăng trầm của quốc gia, dân tộc Việt Nam nhận thức được rằng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia; học tập là gốc rễ của giáo hóa”. Một quốc gia không có người hiền tài sẽ là một quốc gia đứng trước những bế tắc trong bài toán phát triển. Do đó, cần có một nền giáo dục tốt đẹp để xây dựng những con người tốt đẹp, tài giỏi, lương thiện và yêu nước. Sự học có giá trị quyết định đến việc hình thành những con người có nhân cách tốt đẹp. Do vậy, nhiều đời nay, con người luôn mong muốn có được những trường học để con em qua đó mà nên người… Như vậy, theo GS.TS Phạm Tất Dong, cần phải có triết lý giáo dục trong điều kiện xây dựng nền giáo dục tri thức. Do vậy, muốn làm tốt, cần thực hiện tốt lời dạy của Hồ Chí Minh: Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm.

 
 Các đại biểu tham dự Tọa đàm

GS.TS Trần Ngọc Hiên cho rằng: Trước hết, cần đặt sự nghiệp giáo dục-đào tạo trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển của đất nước. Mục đích trực tiếp của giáo dục - đào tạo là tạo ra nguồn lực lao động và quản lý phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển, nhờ đó mà nâng cao dân trí theo mỗi bước đi. Và để định hướng phát triển nền giáo dục nước ta như là sự tích hợp những giá trị của thời đại mới đang hình thành với những giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam, theo GS, TS Trần Ngọc Hiên, rất cần làm rõ nét 4 vấn đề chủ yếu, đó là: Sự phát triển của con người lao động trong quá trình lịch sử phát triển kinh tế thị trường; Giáo dục tư duy độc lập - nhân tố để phát triển toàn diện của mỗi cá nhân; Kết hợp hài hoà tri thức khoa học - kỹ thuật với tri thức khoa học xã hội - nhân văn là định hướng nền giáo dục mới và Xây dựng môi trường văn hoá trong hoạt động giáo dục, đào tạo.

GS.TS Phạm Mạnh Hùng thì đề cập đến khía cạnh ham học. Làm sao để toàn dân ham học, học thực sự ? Theo Giáo sư, trước hết, chúng ta phải chăm học, ham học nhưng phải học cho vừa sức; thi đua học chứ không phải là ganh đua. Cần xác định học để làm người và tôn vinh nghề nghiệp cần song song với tự trọng nghề nghiệp

Đồng ý với việc cần thiết phải có triết lý giáo dục, GS.TS Vũ Minh Giang cho rằng, cần phải làm rõ các vấn đề: Xây dựng triết lý giáo dục bắt đầu từ đâu? Việt Nam đã có những điều kiện gì? Triết lý giáo dục Việt Nam phải bao gồm những yêu cầu gì? Theo GS.TS Vũ Minh Giang, việc xây dựng triết lý giáo dục Việt Nam phải  hiểu được 5 vấn đề, đó là: Hiểu con người Việt Nam; Hiểu lịch sử giáo dục của đất nước; Hiểu xu thế thế giới; Hiểu những yêu cầu của đất nước, Đảng, nhân dân với giáo dục; Hiểu được những yếu tố tác động tới giáo dục Việt Nam.

GS.TS Vũ Minh Giang cũng cho rằng, chúng ta đã có những điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng triết lý giáo dục như: Truyền thống hiếu học; Sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng nền giáo dục; Có nguồn lực nhất định để đầu tư cho giáo dục.... Và theo Giáo sư, triết lý giáo dục Việt Nam được đúc kết trong 5 từ " Ái, Tôn, Vị, Trọng, Khai", tức là triết lý giáo dục cần quán triệt: Chủ nghĩa yêu nước; thượng tôn dân tộc; tôn trọng thực tại khách quan; trọng nguyên khí; khai phóng dân tộc, mở ra với thế giới.

 
GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm của Báo

Kết thúc buổi Tọa đàm, GS.TS Phùng Hữu Phú đánh giá cao sáng kiến tổ chức Tọa đàm của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và cho rằng, buổi Tọa đàm đã chắt lọc được những ý tưởng, đề xuất, đã có bước tiến mới so với các cuộc hội thảo được các đơn vị khác tổ chức trước đây ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
 
Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, ô
ng cha ta đã từng có triết lý giáo dục, trong thực tiễn cũng đã có triết lý giáo dục, Bác Hồ đã từng nói về triết lý giáo dục. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa biết tích hợp những di sản triết lý, trong truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng; chưa tiếp cận một cách đầy đủ, hệ thống những tinh hoa triết lý giáo dục của thế giới để tích hợp lại, bổ sung, phát triển, hoàn thiện thành triết lý giáo dục của Việt Nam. Đáng chú ý, lâu nay chúng ta chưa biết cách vận dụng, truyền bá triết lý giáo dục vào trong quan hệ thầy, trò, cộng đồng xã hội.

“Trong quá trình triển khai sắp tới, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch các chương trình đề án cụ thể, chiến lược giáo dục Việt Nam 2011 - 2020 cần hình thành được một triết lý giáo dục và truyền bá sâu rộng triết lý giáo dục trong thầy, trò, cộng đồng xã hội, coi đây là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong chiến lược đổi mới giáo dục trong 10 năm tới” – đồng chí nhấn mạnh./.

 Việt Anh-Kim Thanh-Kha Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực