Triết lý giáo dục giá trị bản thân

Thứ sáu, 09/09/2011 01:03
 

GS,VS Phạm Minh Hạc. Ảnh:dangcongsan.vn
(ĐCSVN) - Tại buổi tọa đàm “Triết lý giáo dục Việt Nam” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 31/8,  GS, VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đến dự và phát biểu ý kiến. Sau đây là tóm tắt ý kiến của GS, VS Phạm Minh Hạc tại buổi tọa đàm.

Tôi hoan nghênh sáng kiến của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức buổi toạ đàm này bởi nó rất cần thiết. Cần cho Chuyên trang “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo" của Báo và cũng cần vì gần đây có nhiều ý kiến về chủ đề này.

Đây là vấn đề khá phức tạp, từ thuật ngữ “triết học giáo dục” và “triết lý giáo dục”, đến môn khoa học hay môn học ở các trường đại học nhiều nước, cho đến trong đời sống ở ta gần đây thấy giáo dục và đào tạo (GD – ĐT) có nhiều vấn đề thì cho rằng ta không có triết lý giáo dục, hoặc có một thứ triết lý sai lầm.

Đầu năm nay, theo đề xuất của tôi, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giao cho Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và tôi triển khai Nhiệm vụ cấp Bộ “TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VIỆT NAM”. Viện đã tổ chức hội thảo và chuẩn bị in Kỷ yếu cùng với một chuyên khảo “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam”, sẽ xuất bản cuối năm nay.

Về phần thế giới, chuyên khảo điểm qua một số bác học tiêu biểu nhất qua các thời kỳ Cổ đại, Phục hưng và Hiện đại, để thấy các triết lý giáo dục trên thế giới có từ xưa nhưng vẫn còn phổ dụng cho đến ngày nay, như triết lý giáo dục xã hội (giáo dục tinh thần trách nhiệm xã hội), triết lý giáo dục nhân văn (gồm cả giáo dục đạo làm người – hạt nhân của triết lý nhân sinh), triết lý giáo dục tự nhiên, triết lý giáo dục kỹ thuật tổng hợp, triết lý giáo dục hành dụng, triết lý giáo dục toàn diện, triết lý giáo dục học suốt đời với 4 trụ cột của UNESCO đề ra cho thế kỷ XXI cùng một số hướng cải cách giáo dục gần đây ở một số nước (toàn cầu hoá, nhân văn và công nghệ). Phần này giúp chúng ta tham khảo, đi đến Triết lý giáo dục Việt Nam.

Về phần Việt Nam, để tìm hiểu Triết lý giáo dục ở ta, tôi lấy mốc từ khi có Quốc tử giám (1076) qua một số nhà văn hoá – giáo dục tiêu biểu nhất: Chu Văn An (thế kỷ XIV), Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi (cuối thế kỷ XIV – đầu thế kỷ XV), Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), Lê Quý Đôn, La sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Ngô Thời Nhậm (thế kỷ XVIII), Nguyễn Trường Tộ (thế kỷ XIX): suốt 843 năm (1076 – 1919) giáo dục chính thống nước ta là giáo dục phong kiến theo triết lý giáo dục TỪ CHƯƠNG, KHOA CỬ, QUAN TRƯỜNG.

Trong nền giáo dục phong kiến, bên cạnh giáo dục chính thống (chính quy) có giáo dục dân gian (không chính quy) qua giáo dục gia đình, các lớp học của các thầy đồ ở các làng, cũng có triết lý giáo dục được ghi lại trong vốn văn học dân gian (ca dao, tục ngữ).

Hợp lưu những gì tinh tuý, tích cực của hai dòng giáo dục chính thống và giáo dục dân gian đã tạo lập nên triết lý giáo dục Việt Nam, có thể tóm lược vào mấy điểm sau: Ý thức dân tộc; Tinh thần hiếu học; Triết lý nhân sinh Tình Nghĩa; Giá trị gia đình; Kết cấu xã hội bền vững: nhà – làng – nước.

Triết lý giáo dục yêu nước (đầu thế kỷ XX) được tìm hiểu qua hai chí sĩ yêu nước tiêu biểu thời đó là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và các phong trào Đông du, Đông kinh nghĩa thục và Truyền bá quốc ngữ.

Triết lý giáo dục cách mạng (từ tháng 8/1945) được thể hiện qua triết lý giáo dục Hồ Chí Minh (kể cả qua các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam), triết lý giáo dục dân chủ nhân dân, triết lý giáo dục kháng chiến kiến quốc, triết lý giáo dục thời đổi mới (đến Đại hội XI): kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập, toàn cầu hoá...

Như vậy là có thể khẳng định từ trước tới nay, Việt Nam đã có triết lý giáo dục (tư tưởng, ý tưởng về giáo dục được thể nghiệm, trải nghiệm, đúc rút thành kinh nghiệm sống, rồi lại đem ra thực hành...). Triết lý giáo dục có ở nhiều tầng bậc: từng con người, gia đình, trường lớp, quốc gia. Ở phạm vi quốc gia đó là đường lối, chủ trương, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển giáo dục – thành tựu 66 năm phát triển giáo dục nước nhà là minh chứng rất rõ.

Thời gian gần đây, nền giáo dục của chúng ta bộc lộ một số yếu kém, bất cập, gây nhiều băn khoăn, lo lắng, phê phán, không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân và đất nước. Có nhiều lý do, trong đó có trường hợp có đường lối, chủ trương đúng (GD – ĐT là quốc sách hàng đầu), nhưng, như Bộ Chính trị đã kiểm điểm (tháng 4/2008) là do các cấp không thực hiện tốt. Cũng có thể là có đòi hỏi cụ thể hoá triết lý giáo dục thời nay ở nước ta hơn những gì đã ghi trong các văn kiện.

Cuộc sống đòi hỏi lý luận giáo dục của chúng ta phải có phát triển mới, góp phần triển khai chủ trương, chính sách phát triển GD – ĐT trong thời kỳ mới. Với ý tưởng đó, sau khi nghiên cứu Giá trị học (kết quả đã công bố trong sách “Giá trị học – cơ sở lý luận góp phần đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung của người Việt Nam thời nay”, Nxb Giáo dục, 2010), tôi mạnh dạn đề xuất triết lý GIÁO DỤC GIÁ TRỊ BẢN THÂN, gồm:

Thứ nhất, nhà trường hình thành và phát triển ở người học hệ giá trị của từng người: tâm lực, trí lực, thể lực – giá trị học thức, giá trị sống, giá trị tay nghề và lương tâm nghề, giá trị đóng góp..., giá trị tự khẳng định mình.

Thứ hai, người học tạo cho mình có các giá trị để sống và hoạt động, phát huy hệ giá trị bản thân đem lại cuộc sống cho mình, gia đình và cộng đồng, xã hội.

Thứ ba, xã hội (bao gồm cả Nhà nước) tạo môi trường thuận lợi (bao gồm các chính sách, thái độ ứng xử, nhất là tôn trọng giá trị của từng người) cho mọi người hình thành, phát triển, phát huy các giá trị bản thân./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực