Nghĩ về những cái vái lạy…

Thứ tư, 07/03/2018 16:10
(ĐCSVN) - Thời gian qua, chúng ta cũng được chứng kiến những cái vái lạy khiến nhiều người đáng suy ngẫm.

Cao Bá Quát (Cao Chu Thần) có cái vái lạy trước hoa mai để người đời sau mãi nhắc:

Thập tải luân giao cầu cổ kiến

Nhất sinh đê thủ bái mai hoa

(Tạm dịch:

Mười năm đi tìm gươm báu

Một đời chỉ biết cúi đầu trước hoa mai)

Câu đối  khẳng định triết lý sống cao đẹp của Cao Bá Quát, có thể hiểu: cả đời người chỉ biết cúi đầu trước cái đẹp, không chịu cúi đầu trước bất cứ một thế lực nào.Khổng Tử dạy học trò của mình về nhân cách của người quân tử: Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ bất năng khuất (Giàu sang không thể cám dỗ, Nghèo khó không thể chuyển lay, Quyền uy không thể khuất phục). Để làm được điều đó, con người không chỉ cần tài năng mà còn phải rèn luyện, tu dưỡng cho đủ cả tam cương, ngũ thường; đủ cả “bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, bởi “Thiếu một đức, thì không thành người” (Hồ Chí Minh). Có như thế, người ta mới luôn đứng thẳng trong trời đất. Có như thế, nhiều cái vái lạy làm cho người cao lớn, làm cho người đời nể phục.

Chúng ta từng chứng kiến bao cái vái lạy kiểu như Cao Bá Quát: cái lạy trước người thầy đáng kính, cái lạy trước vị thầy thuốc tâm tài vẹn toàn, cái lạy trước anh linh những anh hùng liệt sỹ… Chúng ta nể phục vì họ biết cúi mình trước cái đẹp, cái nghĩa, cái thiêng liêng. Chúng ta vui vì truyền thống ân tình thủy chung, uống nước nhớ nguồn của người Việt. Chúng ta tin tưởng, một đất nước như thế, ắt sẽ chắp cánh, vươn  mình “sánh vai các cường quốc năm châu”.

Thời gian qua, cộng đồng người Việt cũng được chứng kiến những cái vái lạy khiến nhiều người đáng suy ngẫm: cha mẹ lạy con cái, bác sỹ lạy bệnh nhân, cô giáo lạy học sinh. Vâng, đâu đó, các lời bình luận: phải trả giá, phải cho họ trải nghiệm những cảm giác mà họ bắt người khác phải trải qua; phải cho họ biết, xã hội còn công lý; ở đâu không có luật pháp, phải có luật rừng…

Còn  nhớ, thời đi học, khi lựa chọn nghề nghiệp, cha mẹ thường khuyên con cái: làm thầy (thầy thuốc và thầy giáo) là cao quý hơn cả, là được cả xã hội tôn vinh, là gia đình được trọng vọng… là nhiều lắm. Và bao người vì thế, lựa chọn nghề y, nghề giáo vì những lẽ ấy. Để rồi, dư luận lại được phen “hết hồn” vì bệnh nhân chém bác sỹ, đánh bác sỹ, bắt bác sỹ quỳ xin lỗi; học sinh đánh thầy cô, phụ huynh đánh giáo viên, giáo viên lạy phụ huynh học sinh… Rồi người ta nói mãi thành ra bình thường, bệnh viện thuê bảo vệ để bảo vệ bác sỹ. Nhà trường, liệu có cần và có thể thuê bảo vệ để bảo vệ giáo viên khi nhân phẩm, danh dự của họ đã, đang và bị  đe dọa, xúc phạm trầm trọng như hiện nay?

Câu hỏi lớn đặt ra là:Tại sao lại có những sự việc đáng tiếc đó xảy ra. Cần làm gì để những tiêu cực đó không còn tiếp diễn? Người ta vẫn đổi tại mặt trái của cơ chế thị trường, coi đây là nguyên nhân của mọi thay đổi, mọi tiêu cực trong xã hội hiện đại. Nhưng có lẽ, cần nhìn nhận khách quan hơn, đừng đổ cho cái khách quan ấy mà cần nhìn lại chính bản thân chúng ta như người xưa vẫn dạy: tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nếu đạo đức xuống cấp trước hết, do chính mỗi con người cá nhân. Để giảm thiểu, cá nhân là người đầu tiên cần thực hiện, sau mới đến yếu tố quản lý.

Thử xét trường hợp cô giáo bị phụ huynh học sinh bắt quỳ xin lỗi. Nếu cô không nóng vội, đủ bản lĩnh để chọn hình phạt phù hợp, ý thức được quyền của nhà giáo cũng như học sinh… có lẽ, cô không phạt học sinh kiểu quỳ vái lạy và cô cũng không “quỳ cho qua chuyện”. Phụ huynh nếu không vì nóng vội, không vì coi con mình là tất cả, bình tĩnh nghĩ về lợi hại… có lẽ, không bắt cô giáo quỳ lạy như vậy. Rõ ràng, trong trường hợp này, vái lạy làm con người ta trở nên nhỏ bé, thấp hèn.

Sau nữa, bàn đến yếu tố xã hội, quan niệm xã hội về các lĩnh vực quan trọng của đời sống như: giáo dục, y tế, văn hóa. Chúng ta vẫn nói cái gì bao cấp cái ấy không thể phát triển; cần xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, văn hóa…; cần coi các ngành đó như một ngành dịch vụ. Vì thế, mới có dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục. dịch vụ văn hóa. Vì thế mà các ngành này ngày càng có nhiều cơ hội để mở rộng và phát triển. Lợi ích của chính sách xã hội hóa này không cần bàn thêm, ai cũng thấy. Nhưng rõ ràng, quan niệm về xã hội hóa được hiểu khá toàn diện nhưng thực hiện chưa triệt để. Chúng ta mới chỉ xã hội hóa về kinh phí mà chưa xã hội hóa về mặt con người, nhân tố quyết định sự thành bại của chính sách này. Nguồn lao động tham gia vào các lĩnh vực trên cần được đào tạo, có các tiêu chuẩn, điều kiện đáp ứng yêu cầu xã hội về cả phẩm chất và năng lực. Sự đào thải là cần thiết và cần có sự tham gia của xã hội bởi chính con người trong xã hội góp phần quan trọng cho sự tồn tại của dịch vụ và chính họ sử dụng các dịch vụ đó. Do đó, tuyên truyền, giáo dục và thực hiện quan điểm xã hội hóa của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực trên là cấp bách. Nếu không, chắc chắn chúng ta phải chứng kiến nhiều cái vái lạy đau lòng hơn nữa.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực