Phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập, nhóm trẻ trong khu dân cư

Thứ ba, 01/08/2017 10:15
(ĐCSVN)- Ngày 31/7, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 đối với Giáo dục mầm non (GDMN). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Bá Hải

Năm học 2016-2017, GDMN đánh dấu một mốc quan trọng khi cả nước hoàn thành mục tiêu PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi; đã ban hành được chương trình GDMN sau chỉnh sửa; Tiếp tục triển khai có hiệu quả chuyên đề “xây dựng mầm non lấy trẻ làm trung tâm”; đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; Quan tâm xây dựng môi trường giáo dục, tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm.

 

Quy mô mạng lưới trường, lớp phát triển nhanh nhất trong nhiều năm qua, cả nước tăng thêm 354 trường, với 11.318 nhóm, lớp mới. Cơ sở vật chất được tăng cường, tỷ lệ phòng học kiên cố tăng thêm 2,4%, tỷ lệ trường chuẩn tăng thêm 3,1%.

Số lượng, tỉ lệ trẻ đến trường đều vượt kế hoạch đề ra. Đội ngũ giáo viên tăng nhanh về số lượng, chất lượng từng bước nâng lên. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng cao, tỉ lệ nhóm lớp, tỉ lệ trẻ học 2 buổi/ngày, bán trú đều tăng, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm.

 

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, GDMN vẫn là bậc học còn nhiều khó khăn, hạn chế, việc số lượng trẻ được huy động đến lớp tăng cao đã đặt ra ra bài toán về cơ sở vật chất trường lớp, giáo viên và chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ cho hệ thống GDMN trên toàn quốc;

 

Một số khu đô thị, khu công nghiệp thiếu trường lớp; khu vực miền núi, vùng sông nước vấn tồn tại nhiều điểm trưởng nhỏ lẻ, khó khăn trong đầu tư nguồn lực; ở một số địa phương vẫn còn tình trạng tùy tiện sát nhập trường mầm non với trường phổ thông;

 

Đến nay cả nước vẫn còn 90 đơn vị cấp xã còn trắng trường mầm non; còn 7.852 phòng học tạm, 6.249 phòng học nhờ, mượn; còn 18,7% nhóm/lớp chưa có đủ thiết bị đồ dùng, đồ chơi; các công trình vệ sinh, nước sạch, bếp ăn còn thiếu thốn;

 

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục, tỉ lệ giáo viên/lớp ở một số địa phương còn rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực thực hành, kỹ năng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn hàn chế, dẫn đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, thậm chí gây mất an toàn cho trẻ, ảnh hướng đến uy tín đội ngũ nhà giáo.

 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao những kết quả đạt được của bậc học Mầm non (MN) năm học vừa qua, góp phần quan trọng cùng với toàn ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học, được phụ huynh và xã hội ủng hộ, đồng thuận, yên tâm đưa trẻ đến trường.

 

Trong năm học mới và những năm học tiếp theo, Bộ trưởng yêu cầu bậc học MN phải tập trung vào hai vấn đề sau đây để thực hiện có lộ trình cụ thể nhằm tạo chuyển biến tích cực, rõ nét để chính quyền các cấp, phụ huynh và xã hội đánh giá đúng tầm của bậc học, dành sự quan tâm và nguồn lực đầu tư cho bậc học:

 

Về quy hoạch trường lớp, Bộ trưởng thông báo thực trạng: mặc dù đã có sự chuyển biến tốt nhưng toàn bậc học MN vẫn còn khoảng 30% phòng học tạm, học nhờ, mượn, còn nhiều trường học 1 buổi /ngày, số lượng trường chuẩn mới chỉ đạt 37%; công trình vệ sinh, phòng chuyên môn không đồng bộ. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên MN còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhiều giáo viên mưu sinh bằng nghề còn khó khăn… những điều kiện trên đây dẫn đến việc ở nhiều nơi, nhiều chỗ chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ chưa tốt.

 

Chính vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong nhiệm vụ này, các địa phương phải quy hoạch cho tốt mạng lưới trường, lớp, trên cơ sở đầu tư đồng bộ, trước hết là đáp ứng những điều kiện tối thiểu, sau đó là những điều kiện đảm bảo đạt chuẩn.

 

Mỗi vùng miền đều có khăn khăn riêng như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, còn có những xã trắng trường MN; ở các thành phố lớn, thành phố trực thuộc T.Ư, các khu công nghiệp lại chịu sức ép lớn từ tăng dân số cơ học lên các trường MN. Trong vấn đề này, cách giải quyết rất thuận lợi là phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập, nhóm trẻ trong khu dân cư. Tuy nhiên, các địa phương này còn nhiều lúng túng, chưa có cách làm thấu đáo, chưa dành đất, chưa có cơ chế cho các trường ngoài công lập phát triển. Vì vậy, các Sở GD&ĐT phải tham mưu cho chính quyền quy hoạch trường lớp, xây dựng cơ chế chính sách cho trường ngoài công lập, đầu tư cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi đạt chuẩn tối thiểu của Bộ.

 

Về đội ngũ giáo viên, theo Bộ trưởng, bậc học MN còn thiếu về số lượng, thiếu cục bộ, đột biến do những năm qua tập trung huy động trẻ để đạt chuẩn phổ cập. Thiếu về số lượng lại yếu về chất lượng do nguồn giáo viên không đáp ứng được việc trong thời gian ngắn, toàn bậc học đã huy động số lượng lớn giáo viên để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn phổ cập và yêu cầu trông giữ trẻ. Nhiều địa phương tuyển hàng nghìn giáo viên/năm, nhiều nơi điều động cả giáo viên Tiểu học xuống dạy MN…

 

Để giải quyết khó khăn này Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố có kế hoạch xây xựng cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; Coi trọng về chất lượng đào tạo giáo viên MN, những giáo viên dôi dư, sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm có chuyên ngành gần cần được khuyến khích chuyển đổi để có chất lượng giáo viên MN tốt nhất. Bộ đang rà soát và có kiến nghị với Chính phủ các chế độ đãi ngộ giáo viên MN cũng như rà soát các chuẩn giáo viên, chuẩn các kỹ năng chăm sóc trẻ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực