Bình Phước: Điệp khúc quá tải trường mầm non

Thứ năm, 08/09/2011 15:37

Năm học mới đã bắt đầu và điệp khúc quá tải tại các trường mầm non lại tiếp tục tái diễn trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Nhiều phương án đã được đưa ra, tuy nhiên, đến nay, tình trạng này vẫn đang là một dấu hỏi lớn đối với những người làm công tác giáo dục ở địa phương này.

Nặng gánh ngày khai trường


Chưa bao giờ tình trạng đầu vào giáo dục ở thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước lại trở nên “nóng” như năm nay. Tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên đã làm cho các trường mầm non trên địa bàn Thị xã rơi vào tình trạng quá tải.

T rường mầm non Hoa Phượng (xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài) là một trong những điểm trường chịu nhiều áp lực quá tải. Chỉ với 8 phòng học (2 lớp lá, 2 lớp chồi, 3 lớp mầm và 1 lớp nhóm trẻ), năm học 2011-2012 nhưng trường phải nhận vào tới 400 em, cao gấp 1,5 lần so với quy định. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục cũng như sức khỏe của học sinh khi đến trường. Bà Đồng Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng giải thích: “Dù đã phải từ chối rất nhiều trường hợp phụ huynh xin cho con vào học tại trường, thế nhưng hiện nay các lớp lá, lớp mầm là 50 em, lớp chồi thì 60 em và ngay cả lớp nhóm trẻ cũng đã tới 52 em”. Và cũng theo bà Huệ, chỉ với số phòng học hiện nay thì Ban giám hiệu trường cũng còn đang rất lúng túng với vấn đề “giảm tải”. Trước mắt, để đảm bảo cho việc học của các cháu, trường mầm non Hoa Phượng đã xin thêm 4 giáo viên hỗ trợ và tạm chấp nhận giải pháp ngăn đôi nhà bếp thành một phòng làm việc cho ban giám hiệu.

Mặc dù đang là một ngôi trường đạt chuẩn quốc gia nhưng Trường mầm non Hoa Cúc (phường Tân Phú, Thị xã Đồng Xoài) cũng nằm trong hoành cảnh tương tự. 12 phòng học chính và 4 phòng học lẻ của trường cũng đang đối mặt với cảnh quá tải học sinh. Tại đây, hầu hết các lớp đều chật cứng học sinh. Theo lời cô hiệu phó Đặ ng Thị Tới thì hiện nay sĩ số của trường đã lên con số 700, phân đều mỗi lớp 5 0 em. C ác lớp sẽ chia thành hai nhóm, cứ nhóm này học trong lớp thì nhóm kia học ở ngoài trời . “K hông thể tập trung tất cả các cháu trong lớp vì như thế sẽ không đảm bảo cho việc học . Hiện giờ c á c giáo viên của trường cũng phải gồng mình dạy cả 2 ca mà không được nhận thêm bất cứ phụ cấp gì”, bà Tới nói.

Loay hoay bài toán giảm tải

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, số trẻ trong một lớp mầm non chỉ từ khoảng 25 đến 30 trẻ/lớp/2 cô giáo. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường mầm non trên địa bàn thị xã Đồng Xoài đều nhận vượt 1,5 - 2% số lượng quy định. Vì vậy, hiện nay, nhiều trường mầm non ở thị xã Đồng Xoài cũng phải tự tìm cách giảm tải bằng việc xin bổ sung thêm giáo viên hoặc chia ca các lớp học và động viên các giáo viên dạy thêm giờ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính chất tạm thời. Còn về lâu dài, việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp mới vẫn đang là mục tiêu khả thi nhưng vẫn khó thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Khỏe, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước cho biết: Toàn thị xã Đồng Xoài có 4.479 em từ 3 - 5 tuổi và chuyện quá tải ở các trường mầm non đã xảy ra từ khoảng 3 năm trước chứ không chỉ năm nay. Nhưng năm nay tỷ lệ tăng lên một cách đột biến, tiến độ xây dựng trường lớp không đáp ứng kịp so với nhu cầu thực tế . Cũng theo ông Khỏe, một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng qua tải ở khu vực trung tâm là do tâm lý chọn trường điểm, trường danh tiếng như trường mầm non Hoa Cúc, Hoa Phượng, Hoa Hồng…của hầu hết phụ huynh học sinh đã làm cho tình hình số lượng học sinh tại các nơi này tăng nhanh một cách chóng mặt. “Mặc dù Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường mầm non không được nhận học sinh trái tuyến nhưng phụ huynh lại có cách đối phó bằng cách “nhập hộ khẩu” trước khi đăng ký cho con theo học. Vì vậy, việc đề ra những phương pháp giảm tải vẫn đang là một bài toán khó và rất cần thời gian và sự phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới”.

Một giải pháp nữa đang được địa phương này đề ra đó là việc khuyến khích các đơn vị, cá nhân thành lập trường tư thục theo phương thức xã hội hóa nhằm giãn bớt được số học sinh đang quá đông ở các trường điểm (vốn chỉ có trong loại hình công lập), đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh là gửi con vào nơi có điều kiện nuôi dạy tốt. Nếu giải pháp này thực hiện tốt và mang tính đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả cao nhưng để tìm kiếm được nhà đầu tư vừa đủ điều kiện, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục vẫn là một câu hỏi lớn không chỉ cho những người làm giáo dục trên địa bàn tỉnh Bình Phước mà còn là nỗi băn khoăn của các bậc phụ huynh.../.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực