Công tác quản lý sinh viên tại Đại học Đà Nẵng - những chuyển biến tích cực

Thứ năm, 11/08/2011 11:04

(ĐCSVN) - Đại học Đà Nẵng là một trong những trung tâm đào tạo lớn của khu vực miền Trung và cả nước. Những năm qua, trường luôn phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tạo ra môi trường sư phạm lành mạnh giúp các bậc phụ huynh có con em theo học tại đây yên tâm, sinh viên có điều kiện tập trung cho việc học tập đạt kết quả cao nhất...

 

 Khuôn viên vào Ký túc xá Đại học Kinh tế Đà Nẵng được xây dựng
 khang trang, kiên cố, góp phần bảo đảm nơi nghỉ ngơi, học tập của sinh viên

Áp lực về số dân và công tác quản lý nhân khẩu của chính quyền

Thầy Trần Đình Mai, Trưởng phòng công tác sinh viên Đại học Đà Nẵng khi trao đổi với chúng tôi về môi trường đào tạo và công tác quản lý sinh viên cho biết: Trường Đại học Đà Nẵng và các thành viên của trường như: Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Cao đẳng Công nghệ Thông tin hiện có hơn 80.000 sinh viên đang theo học (trong đó hệ chính quy có khoảng 45.000 sinh viên). Với số lượng trường thành viên và sinh viên đông như vậy nên việc quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho sinh viên yên tâm tập trung vào việc học tập, rèn luyện là không đơn giản. Bên cạnh đó, Đà Nẵng là Thành phố khá phát triển nên cũng có nhiều tác động cả mặt tích cực và tiêu cực đến đời sống sinh viên.

Cũng theo thầy Mai, riêng tại quận Liên Chiểu, nơi có ba trường thành viên là Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Cao đẳng Công nghệ Thông tin với khoảng hơn 21.500 sinh viên luôn là địa bàn mà nhà trường và ngành chức năng của thành phố và quận quan tâm, chú ý. Bởi không chỉ có số sinh viên đông trên địa bàn, Liên Chiểu cũng là quận có khu công nghiệp tập trung, nhiều nhà máy sản xuất... nên số lượng công nhân làm việc tại đây khá lớn (khoảng hơn 20.000 công nhân). Nếu không có cơ chế phối hợp quản lý giữa nhà trường và chính quyền địa phương (trực tiếp là ngành công an) thì rất phức tạp, nhất là tình hình an ninh, trật tự...

Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng (đóng tại quận Sơn Trà), năm học vừa qua có khoảng gần 20.000 sinh viên các hệ chính quy, tại chức và liên thông theo học cũng là một áp lực lớn về số dân và công tác quản lý nhân khẩu tại địa phương.

Nhiều biện pháp quản lý sinh viên

Làm gì để quản lý tốt sinh viên, tạo môi trường sư phạm lành mạnh để sinh viên tập trung vào học tập và rèn luyện ? Đây thực sự là điều trăn trở lớn của lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên trong thời gian qua. Tuy nhiên, bằng phương pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sinh viên - một trí thức thời đại mới, Đại học Đà Nẵng đã từng bước thành công trong công tác này và tiến tới giao cho sinh viên tự quản lý gắn với áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm khắc (từ nhắc nhở, cảnh cáo đến thông báo cho gia đình, địa phương và cấm học...). Từ đó, công tác quản lý, giáo dục sinh viên có bước chuyển tích cực, góp phần ngăn chặn không để các tệ nạn xã hội xâm nhập vào môi trường học đường.

 Nội quy tại Ký túc xá Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng với các quy định
khá cụ thể, chi tiết để sinh viên rèn luyện, tự chấm điểm với nhau

Theo thầy Trần Đình Mai, liên tục nhiều năm qua Đại học Đà Nẵng không có sinh viên vi phạm pháp luật, đặc biệt tuyệt đối không có sinh viên sử dụng ma túy, mua bán ma túy hoặc có liên quan đến mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Hiện nay, Trường Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên của mình bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các quy định có liên quan về đào tạo, quản lý sinh viên còn đưa ra nhiều biện pháp khác để làm tốt các mặt công tác này như: xây dựng, củng cố các tổ chức có liên quan (từ phòng công tác quản lý sinh viên, phòng công tác xã hội của trường đến các ban đại diện, tổ, phòng quản lý, bảo vệ sinh viên; tổ tự quản sinh viên; đội sinh viên tình nguyện... tại các ký túc xá); xây dựng và quản lý tốt hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho sinh viên (xây dựng các ký túc xá gắn với hệ thống sân vận động, thư viện); tổ chức các trò chơi, các hoạt động xã hội thu hút sinh viên tham gia, rèn luyện; cấp kinh phí, "hoạt động phí" cho các tổ tự quản, đội sinh viên tình nguyện hoạt động, nhất là tham gia trực đêm tại các ký túc xá...

Cùng với các biện pháp trên, Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên còn thực hiện Thông tư số 27/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công tác học sinh, sinh viên nội trú tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; xây dựng cam kết giữa nhà trường với sinh viên và gia đình sinh viên về các vấn đề có liên quan do nhà trường đưa ra; xây dựng nội quy, quy chế tại các ký túc xá; ký kết liên tịch với ngành công an tại các địa bàn có sinh viên ở... Trên cơ sở thực hiện các quy định kể trên, hàng năm nhà trường tổng hợp, đánh giá mức độ rèn luyện đạo đức và tham gia các phong trào xã hội khác của sinh viên. Qua đó, có biện pháp khen thưởng, biểu dương để nhân rộng; đối với những sinh viên có học lực khá, qua đánh giá này để bổ sung hồ sơ cấp học bổng cho sinh viên.

Song song đó, với những sinh viên được đánh giá tốt, các trường cũng xem xét, kết nạp Đảng cho sinh viên. Thống kê của Đại học Đà Nẵng cho biết, trong năm học vừa qua Đại học Đà Nẵng có hơn 60 sinh viên được kết nạp vào Đảng; và đến hiện tại  trường có 92 sinh viên vào Đảng. Đây thực sự là động lực lớn để các sinh viên tích cực tham gia rèn luyện, thực hiện tốt các quy định mà nhà trường đưa ra.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực