Đảm bảo tiến độ xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới

Thứ sáu, 24/03/2017 22:44
(ĐCSVN) - Chiều 24/3, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thường kỳ quý I năm 2017. Tại đây, Bộ GD&ĐT đã thông tin về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia; xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; đảm bảo an toàn trường học…

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới phát biểu. Ảnh: VA

Ông Nguyễn Viết Lộc, Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay, công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đang được tiến hành tích cực tại từng địa phương, từng cơ sở giáo dục. Trước khi bước vào thời điểm đăng ký chính thức, các địa phương đã tổ chức khảo sát đăng ký nguyện vọng của học sinh, lấy đó làm căn cứ để tổ chức ôn tập, đồng thời đánh giá được mức độ đón nhận của các em với hình thức thi trắc nghiệm và bài thi tổ hợp (hình thức thi chủ yếu của năm nay).

Để các em học sinh có thể làm quen với kỳ thi, các trường THPT sẽ sử dụng kỳ kiểm tra khảo sát học kỳ hai của lớp 12 để học sinh làm quen với phương thức thi của kỳ thi THPT quốc gia ở tất cả các khâu như phân chia phòng thi, in sao đề thi, coi thi và chấm thi.

Ông Nguyễn Viết Lộc cho hay, năm nay, mỗi địa phương chỉ còn một cụm thi do Sở chủ trì, vì vậy, công tác rà soát và xác định các điểm thi sao cho phù hợp, vừa đảm bảo thuận lợi cho thí sinh, vừa đảm bảo an toàn cho kỳ thi đã được các địa phương chuẩn bị chặt chẽ.

“Dù không còn trực tiếp chủ trì một cụm thi như năm trước, song vai trò của các trường đại học vẫn thể hiện rõ nét trong kỳ thi năm nay thông qua việc cử cán bộ, giảng viên tham gia coi thi trực tiếp tại các địa phương theo tỷ lệ 1-1 (1 địa phương, 1 trường đại học). Các trường đại học hiện đã sẵn sàng cho phương án cử cán bộ, giảng viên tham gia coi thi” - ông Nguyễn Viết Lộc khẳng định.

Cho đến thời điểm này, Bộ đã 2 lần công bố đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm để học sinh và giáo viên có cơ sở ôn tập, chuẩn bị kỹ cho kỳ thi. Bộ đang tiếp tục gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm đã có bằng nhiều nguồn khác nhau, như huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh, thành, các giảng viên đại học có chuyên môn tốt, tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi. Ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa đang được hoàn thiện đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng.

Năm 2017, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, cùng với việc tiếp tục cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, Bộ xây dựng phần mềm xét tuyển chung giúp hỗ trợ các trường hạn chế bớt số lượng thí sinh “ảo”. Bộ cũng yêu cầu các trường chủ động có giải pháp khắc phục tình trạng thí sinh “ảo” như: xác định chỉ tiêu phù hợp với năng lực đào tạo và nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao chất lượng đào tạo; làm tốt hơn công tác truyền thông.

Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ được tiếp tục áp dụng trong các năm 2018, 2019 với những điều chỉnh hợp lý trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá trong các nhà trường phổ thông, để từ năm 2020 trở đi được tổ chức ổn định, đảm bảo sự tương thích với định hướng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Chính phủ phê duyệt.

Liên quan đến xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9/2017.

“Hiện tại, Ban soạn thảo đang cố gắng thực hiện để đảm bảo tiến độ triển khai Chương trình theo đúng Nghị quyết 88. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng; cùng với đó là điều kiện để thực hiện chương trình như giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhà trường” – GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, điều kiện về giáo viên là thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Do đó, Bộ đã có dự án ETEP về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Các trường sư phạm cũng đã khởi động đổi mới chương trình đào tạo sư phạm phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này.

Chia sẻ về điều kiện vật chất trường học, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, điều này cũng có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của địa phương. Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời bày tỏ sự trăn trở về việc số lượng trường phổ thông được học 2 buổi/ngày còn chưa nhiều.

“Ngay ở Hà Nội, Hải Phòng vẫn có trường tiểu học học sinh phải học luân phiên. Đây là những điều cần được khắc phục, nếu không sẽ hết sức khó khăn. Chúng tôi kiến nghị Bộ, Chính phủ sau khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được thông qua, ngay trong quá trình chuẩn bị sách giáo khoa mới, phải làm việc với lãnh đạo các địa phương để giải quyết vấn đề này. Nếu không thực sự quan tâm đến cơ sở vật chất, rất khó để thực hiện thành công chương trình mới” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực