Điệp khúc thiếu chỗ, thiếu thầy - Những khoảng trống...

Thứ ba, 09/08/2011 19:32

Chưa đầy 2 tuần nữa, năm học 2011-2012 sẽ bắt đầu. Song cho đến nay, nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ giáo viên. Trong khi đó, ngành sư phạm đang “kêu cứu” khi lượng thí sinh dự thi ít, điểm thi lại quá thấp. Nhu cầu giáo viên rất lớn nhưng vì sao người giỏi lại quay lưng với ngành sư phạm?

Tìm nguồn thỉnh giảng

Để tuyển người giỏi, Trường Trung học Thực hành Sư phạm (quận 5) phải sử dụng “kế sách” giáo viên thỉnh giảng. Năm học này, trường tuyển thêm 7 giáo viên thỉnh giảng mới, nâng tổng số giáo viên thỉnh giảng lên 37 người, chiếm 63,7% tổng số giáo viên toàn trường.

ThS Lê Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, việc tìm kiếm và thỉnh giảng những giáo viên giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm không quá khó như bây giờ. Sự phát triển ồ ạt của hệ thống trường dân lập khiến các trường công lập vất vả trong việc tìm nguồn giáo viên. Do đó, trường buộc phải chuyển hướng tìm sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi của Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sau khi thử việc từ 1-2 năm, nếu có khả năng, sẽ ký hợp đồng chính thức”.

Bắt đầu từ năm học 2009-2010, Trường THPT Quang Trung (Củ Chi) phải tuyển thêm giáo viên có hộ khẩu tạm trú KT3. Lý giải điều này, ông Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhiều năm nay, 100% giáo viên có hộ khẩu TP sau khi hoàn tất niên hạn công tác theo quy định là 4 năm đối với nam và 3 năm đối với nữ đều xin chuyển về nội thành”. Nếu các trường nội thành mời được giáo viên thỉnh giảng, các trường ngoại thành xem như… bó tay. Tuy nhiên, giải pháp trên chỉ mang tính tạm thời do giáo viên xuất phát từ nhiều nguồn đào tạo, trình độ chuyên môn nhiều hạn chế.

Vẫn là chuyện thu nhập

PGS-TS Bùi Mạnh Hùng (ĐH Sư phạm TPHCM) chỉ rõ, muốn cải cách giáo dục phải bắt đầu đổi mới từ người thầy. Ông dẫn chứng ở Phần Lan, quốc gia thành công trong các kỳ thi PISA (thước đo để đánh giá chất lượng phổ thông giữa các nước hiện nay), sinh viên chọn học ngành sư phạm đều là học sinh phổ thông ưu tú nhất nhưng chỉ có 10% số đó được học sư phạm và lương của giáo viên ngang với bác sĩ, luật sư… Trong khi đó, tại Việt Nam, thu nhập của nghề giáo thuộc vào hàng thấp nhất trong các nghề lao động trí óc.

Nhiều trường sư phạm buộc phải lấy điểm chuẩn bằng với điểm sàn, nghĩa là nguồn đầu vào của sư phạm chỉ đủ để không trượt đại học. Tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, các ngành Sư phạm Tin học, Sư phạm Lịch sử, Giáo dục Chính trị... có lượng thí sinh dự thi giảm so với năm 2010. Thậm chí, nhiều ngành có lượng thí sinh dự thi còn ít hơn cả chỉ tiêu như: Giáo dục Chính trị chỉ 90 thí sinh thi trong khi chỉ tiêu tuyển là 100; Sư phạm Lịch sử - Quốc phòng: có 54 thí sinh (chỉ tiêu là 60)...

Ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cho rằng: “Tỷ lệ thí sinh thi vào các ngành sư phạm chiếm khoảng 30% tổng số dự thi vào trường nhưng do trường đào tạo đa ngành nên con số này không phải là ít”.

Không chỉ số lượng giảm mà chất lượng đầu vào thể hiện qua điểm thi một số ngành khá bi đát. Thực tế mùa tuyển sinh năm nay tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho thấy: Các ngành Sư phạm Tin học có chỉ tiêu tuyển là 100 nhưng chỉ có 21 thí sinh đạt từ 13 điểm. Ngành Sư phạm Lịch sử lấy theo điểm sàn năm 2010 chỉ 67 thí sinh đủ 14 điểm trở lên, đạt 1/2 chỉ tiêu…

Ông Trần Văn Thanh, Trưởng phòng Khảo thí đảm bảo chất lượng Trường ĐH An Giang, cho biết: Năm nay, trường chỉ có 1.449 thí sinh dự thi vào 15 ngành sư phạm trong khi 20 ngành đào tạo còn lại của trường có đến 8.800 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ chưa đến 20%. Ở bậc cao đẳng, con số này càng đáng báo động hơn khi chỉ có 421 thí sinh dự thi để tuyển 590 chỉ tiêu.

“Có thực mới vực được đạo”, ngành giáo dục không thể giữ chân người giỏi chỉ bằng những câu khẩu hiệu suông và một đời sống bấp bênh. Sự thay đổi căn cơ nhất để giải quyết bài toán thiếu hụt giáo viên hàng năm chính là thay đổi căn bản cách tuyển chọn, sử dụng và chính sách đãi ngộ đối với người giáo viên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực