Đồng Tháp: Phấn đấu huy động 99% học sinh trong độ tuổi đến trường

Thứ năm, 11/08/2011 10:47

(ĐCSVN)- Những năm gần đây, công tác huy động học sinh đến trường được các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị trong tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm. Năm học 2010-2011, tỉnh Đồng Tháp là 1 trong 3 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ học sinh bỏ học thấp nhất, với 2.373 trường hợp học sinh bỏ học, chiếm tỷ lệ 0,64%.

 

 Bồi dưỡng học sinh kém tại Đồng Tháp (Ảnh: Cúc Phương)

Để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, từng bước đẩy lùi tình trạng bỏ học, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 156/UBND-VX giao trách nhiệm cho Sở GD&ĐT tỉnh phối hợp với các ban, ngành liên quan, tổ chức tốt việc huy động tối đa học sinh trong độ tuổi ở các cấp học đến trường, phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 99% học sinh trong độ tuổi đến trường.

Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học như: do hoàn cảnh gia đình, đường đến trường đi lại khó khăn…trong đó, đáng chú ý là số lượng học sinh có học lực yếu kém bỏ học chiếm tỷ lệ cao. Chính vì vậy, một trong những biện pháp quan trọng được Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp hướng tới là việc tạo điều kiện bồi dưỡng những học sinh có học lực yếu kém, từng bước nâng cao kiến thức giúp các em tự tin trong học tập, tránh tâm lý chán nản bỏ học. Làm tốt điều này, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh chỉ đạo các trường tiếp tục triển khai một số biện pháp: giao cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn theo sát hướng dẫn phương pháp học tập cho các em; tăng cường phụ đạo, học nhóm vào các buổi trống trong tuần nhằm củng cố kiến thức căn bản; kêu gọi sự quan tâm của phụ huynh đối với việc học tập của học sinh… phấn đấu giảm tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu kém, hạn chế đối tượng này bỏ học.

Bên cạnh đó, thời gian tới, Sở GD&ĐT Đồng Tháp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện hiệu quả các giải pháp: tổ chức tốt cuộc vận động “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; thường xuyên cập nhật tình hình học sinh bỏ học để kịp thời có giải pháp khắc phục; tăng cường sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ học sinh nghèo, quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em yên tâm đến lớp; tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục ở các địa phương, thành lập Ban chỉ đạo huy động học sinh đến trường từ cấp mầm non cho đến THPT; lập kế hoạch huy động học sinh đến trường hàng năm theo từng cấp; biểu dương những tấm gương vượt khó học giỏi lấy đó tạo niềm tin cho những học trò nghèo có ý định bỏ học; đưa chỉ tiêu “không có học sinh bỏ học” vào bộ tiêu chuẩn xây dựng khóm, ấp, xã, phường văn hóa.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực