Giúp học sinh dân tộc thiểu số đến trường bằng nhiều mô hình hay

Thứ hai, 12/09/2011 16:54

Bước vào năm học mới 2011-2012, ngành giáo dục huyện Sa Thầy (Kon Tum) tiếp tục thực hiện “Nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số” bằng nhiều giải pháp, mô hình hay, hiệu quả như: bán trú dân nuôi, bán trú tập trung, tiếng kẻng học tập… cùng nhiều phương pháp đổi mới trong công tác dạy và học theo hướng phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).

Giáo viên huyện Sa Thầy phải dạy tăng cường ít nhất 2 buổi/ngày, thêm buổi tối với các trường nhiều học sinh DTTS. Các hình thức học cũng đa dạng hóa như lớp bán trú tập trung với 68 lớp và 51 lớp bán trú dân nuôi với hơn 2.800 học sinh tham gia học. Tại mỗi lớp học, đều được đầu tư trang thiết bị đồ dùng dạy và học, thực hiện chương trình “Tập nói tiếng Việt”. Ngoài ra, ngành giáo dục huyện Sa Thầy cũng tận dụng mọi nguồn lực từ Trung ương với các chương trình hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với vùng đồng bào DTTS kết hợp với các chương trình, chế độ học bổng từ huyện, đến tỉnh và sự đóng góp của gia đình, xã hội, nhằm tăng khẩu phần ăn cho các em. Nhờ vậy mà các em đều hăng hái, có niềm vui khi đến lớp, đến trường. Cha mẹ, phụ huynh cũng an tâm cho các em đi học. Đến nay hầu hết các lớp học đều duy trì được sĩ số học sinh đến lớp. Ngành giáo dục Sa Thầy tiếp tục triển khai các mô hình hay, đem lại hiệu quả cao trong năm học vừa qua như “mô hình 1+20”, theo đó mỗi đảng viên sẽ phụ trách vận động 20 học sinh ra lớp; “mô hình 3 khoán”: điều động học sinh ra lớp, duy trì học sinh chuyên cần (đi học hàng ngày) và chất lượng học sinh. Mô hình “Tiếng kẻng học tập” đã thực hiện thành công trong năm học vừa qua ở 2 xã Sa Bình và Sa Nhơn. Ở các xã còn lại sẽ chọn 1 thôn, làng để làm điểm nhân rộng mô hình này, trong đó góc học tập của các em có bàn ghế sẽ được nhà trường, ngành giáo dục hỗ trợ trên cơ sở tận dụng các bàn ghế sẵn có…

Thầy Trần Đình Huân - Trưởng Phòng Giáo dục huyện Sa Thầy cho biết: trong thời gian tới, ngoài việc duy trì các mô hình trên, để nâng cao chất lượng dạy và học đối với học sinh DTTS, cần xác định vai trò, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên là trọng tâm. Cùng với toàn ngành giáo dục, huyện tiếp tục đổi mới phương pháp dạy với các chuyên đề như: nâng cao chất lượng cho trẻ làm quen với văn học, chữ viết; tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng đồng bào DTTS; tăng cường tổ chức dạy 2 buổi/ngày hay duy trì các lớp bán trú, quản lý việc học ở nhà cho các em…

Nhờ những cách làm trên, năm học vừa qua, huyện Sa Thầy luôn duy trì tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi từ 3-5 ra lớp đạt 98%, 6-11 tuổi đạt 100%; 99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học tiếp tục học lên THCS… Đến nay các buôn làng trong huyện đều có trường mầm non. Ở xã, thị trấn có trường tiểu học, THCS, ở huyện có trường PTTH và phổ thông dân tộc nội trú./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực