Nhân dịp khai giảng năm học mới 2011 - 2012: Hạnh phúc giản dị của những thầy cô "cắm bản"

Thứ hai, 15/08/2011 10:59

Ngày 15/8, các điểm trường vùng cao bắt đầu khai giảng năm học mới, sớm hơn định kỳ hàng năm 20 ngày (5/9). Sau hơn một tháng về quê miền xuôi nghỉ hè, mặc dù điều kiện vật chất, đời sống tinh thần, phương tiện đi lại rất thuận tiện, nhưng thầy Trần Mạnh Cường ở trường tiểu học Bản Mế, huyện Si Ma Cai và thầy Nguyễn Ngọc Hải ở trường tiểu học xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà vẫn không thể quên được hình ảnh những ngôi trường vùng cao và các em nhỏ nghèo khó, hồn nhiên mình từng dạy học.

Huyền thoại giữa đời thường

Phân hiệu Cốc Rế, trường Tiểu học Bản Mế, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) nằm trên mỏm đồi rộng nhất thôn. Dưới mái nhà này có 3 lớp học (1,2,3) với trên 60 học sinh. Thầy giáo Trần Mạnh Cường, sinh năm 1977, vợ con đang ở Bảo Thắng, là người "già nhất" trong số 5 giáo viên ở đây. Gặp chúng tôi, anh mừng rỡ thông báo: "Dù là mùa đông hay hè, có em phải đi bộ 2 km mới tới được trường, nhưng tỷ lệ chuyên cần đạt rất cao. Một phần là do trẻ em ở đây rất thích học, cha mẹ học sinh đã biết lợi ích của sự học". Do làm công tác dân vận tốt, các thầy cô ở đây đã biết bám những người có uy tín trong bản để vận động các gia đình cho con em đi học. Năm học này cũng vây, nhờ sự hăng hái vận động của ông trưởng thôn Sùng Seo Châu mà học sinh đã đến dự khai giảng năm học mới khá đầy đủ. Ông còn vận động các gia đình đóng góp gạo, thực phẩm, ủng hộ các cháu ở nội trú, bán trú. Phân công cha mẹ học sinh thay phiên nhau đến nấu cơm trưa cho các cháu ăn như những năm trước. Đoạn đường vào trường có trên 300 mét là đường đất đi lại khó khăn nhiều năm nay, nay các gia đình đã tự rải đá, láng xi măng để các em đến trường thuận lợi hơn. Thầy Cường cảm động nhất là sự chia sẻ của phụ huynh học sinh "hễ đi làm nương về, có mớ rau vừa hái, hay nhà nào có chút thực phẩm cũng mang một ít đến đưa cho các thầy giáo". Nếu thầy vì thương bà con mà không muốn nhận thì họ làm mặt giận. Và còn cảm động hơn nữa là người dân đã cam kết vận động con em họ đến trường đầy đủ. "Bây giờ ở Bản Mế, thầy cô không phải vất vả đến từng nhà vận động học sinh tới lớp nữa, các em đã tự giác đi học. Đó là "Hạnh phúc lớn nhất trong đời người giáo viên vùng cao" - Thầy Cường cảm động nói như vậy.

Ở Tả Củ Tỷ - xã xa nhất huyện Bắc Hà cũng có những thầy cô bám trường bám bản dạy chữ cho con em vùng sâu. Người dân Tả Củ Tỷ ai cũng biết vợ chồng thầy giáo hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1979, quê huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; vợ là Trần Thị Thủy, học cùng trường, sinh năm 1980, quê ở Thái Thụy, Thái Bình. Hai anh chị sau khi học xong chuyên ngành sư phạm đã viết đơn tình nguyện lên vùng cao dạy học và được phân công về "cắm bản" tại thôn Sông Lẫm - thôn xa nhất Tả Củ Tỷ.

Những năm đầu "cắm bản" dạy học của đôi vợ chồng trẻ đầy khó khăn. Anh Hải phải đưa chị Thủy về quê vợ ở Thái Bình sinh con đầu lòng. Ngày con ra đời, anh Hải vẫn ở Tả Củ Tỷ dạy học và không biết con mình là trai hay gái, sinh ngày nào… Hai tháng sau, anh xin phép về quê ngoại đón vợ và con lên Tả Củ Tỷ, cuộc sống của cặp vợ chồng càng thêm vất vả, song họ vẫn vượt qua và gắn bó với vùng cao Tả Củ Tỷ. Ông Lù Xuân Quang, dân tộc Nùng ở bản Sông Lẫm, già làng uy tín nhất Tả Củ Tỷ, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã nhớ lại: "Lúc đó vợ chồng anh Hải thuê một túp lều của nhà dân ở gần trường học, cũng gần với nhà tôi, cháu bé được 4 tháng tuổi bị ốm nặng, nguy kịch, anh Hải đã phải bồng con chạy bộ vượt qua đồi núi mấy tiếng đồng hồ ra Lùng Phình, sau đó thuê xe ôm đưa con về bệnh viện huyện chữa trị một tuần mới khỏi. Ở Tả Củ Tỷ khí hậu khắc nghiệt, ngày đó không có điện, mọi điều kiện sống khó khăn, đặc biệt là đối với người từ xuôi lên, vậy mà hơn chục năm qua, vợ chồng anh Hải vẫn kiên trì bám trụ, gắn bó với bà con dân bản, nhiệt tình xóa mù chữ cho bà con, dạy con em ở đây, nên mình và bà con trong thôn rất tin yêu, biết ơn vợ chồng thầy Hải".

Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Hải tâm sự: "Lúc đầu mình cũng lo lắng, vì hồi đó vùng đất này hoàn toàn xa lạ, đường sá khó khăn, nguy hiểm. Phân hiệu trường học hồi ấy là một căn lều tạm bợ, mái lá, vách nứa đã tả tơi, những em học sinh trông rất thương, mỏng manh trong cái rét mùa đông. Mình đã tự tay cắt tóc, vệ sinh cho các em sạch sẽ và đến từng nhà dân trong thôn làm quen, giúp bà con thu hoạch ngô, lúa, cấy hái vào lúc rảnh. Biết mình là con nhà nông, lại chăm lo cho các em học sinh, nên nhà nào cũng yêu quý và cho con em đi học đầy đủ". Buổi tối, anh tranh thủ dạy bà con lớp xóa mù chữ. Thấy người dân nơi đây hiếu học mình anh cũng vui và thêm quyết tâm gắn bó dạy học ở Tả Củ Tỷ. Học tập thầy Hải, hiện nay trong tổng số 46 cán bộ quản lý, giáo viên của 3 cấp học là trung học cơ sở, tiểu học và mầm non ở địa bàn xã đã có 13 cặp vợ chồng xây dựng hạnh phúc nơi rẻo cao này và họ nguyện cắm bản, gắn bó với các em học sinh vùng cao.

Một tin vui bất ngờ năm 2010, trường Tiểu học xã Tả Củ Tỷ do anh Hải quản lý đã đạt Trường chuẩn quốc gia cấp độ 1. Riêng thầy Hải, với những thành tích, cống hiến của mình, tháng 5 năm 2010, tại Đại hội Đảng bộ xã Tả Củ Tỷ, nhiệm kỳ 2010 - 2015, anh đã được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tả Củ Tỷ.

Thầy giáo người Kinh đến với bản Tày

Theo ông Ma Thanh Sợi, một cựu giáo chức, nguyên lãnh đạo xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) nghỉ hưu đã kể lại, từ năm 1945 đến những năm 1960, có tới hơn chục thầy giáo người Kinh được điều lên Nghĩa Đô dạy học. Đầu tiên là dạy chữ quốc ngữ, sau đó dạy học tính, dạy đuổi lên hết lớp 5 rồi lại quay lại mở lớp mới. Cuộc sống khó khăn lắm, thầy giáo người Kinh lên lại càng cảm thấy khổ hơn. Nước thiếu, gạo thiếu, chủ yếu là ăn măng, rau và sống bám vào dân. Lớp học có khi ở tại nhà sàn của dân hay được dựng bằng nứa lá tạm bợ. Thầy giáo yêu thương học trò, thường hay vào bản để vận động học trò đến trường. Nói cho dân hiểu về lợi ích việc học cái chữ. Sau ngày Lào Cai giải phóng 1951, cả Nghĩa Đô thi đua đi học, không phân biệt giàu nghèo hay nam nữ. "Muốn thành cán bộ phải đi học". Đó là suy nghĩ một thời của người dân Nghĩa Đô hôm nay. Do vậy đã có không ít anh chị vượt trên 30 km ra thị trấn huyện lỵ Phố Ràng để học. Sự học khi ấy quả là một câu chuyện dài và nhọc nhằn. Người Tày Nghĩa Đô hôm nay vẫn thán phục những tấm gương học giỏi và kiên trì như ông Nguyễn Văn Nhật, nay là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Bảo Yên, rồi ông Ma Văn Luồm, nguyên Giám đốc Bưu điện huyện. Nghĩa Đô có cả những dòng họ hiếu học. Điển hình như họ Ma, hiện nay có 17 người đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, hơn 70 em học trung học phổ thông, 100% em trong độ tuổi được phổ cập trung học cơ sở. Tháng 9/2004, UBND tỉnh Lào cai đã quyết định thành lập Trường THPT số 3 Bảo Yên tại Nghĩa Đô. Tháng 5/2008, Trường Tiểu học Nghĩa Đô được nhận Bằng công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1... Người dân Nghĩa Đô vui lắm và học sinh nơi đây ngày đêm gắng sức học tập.

Thầy giáo Hà Huy Giám (dân tộc Tày, 35 tuổi) đã gắn bó với Nghĩa Đô hơn 10 năm, nay là Hiệu trưởng trường Tiểu học cho biết về quá trình xây dựng trường chuẩn. Đó là quãng thời gian hết sức khó khăn. Nếu một mình nhà trường thì khó làm được. Nhà trường đã huy động sức dân, huy động mọi lực lượng cùng chung tay góp sức xây dựng trường. Các thầy - cô giáo gắng sức rèn đức, luyện tài cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, nhân dân trong xã thì góp công góp sức để hoàn thiện về cơ sở vật chất. Tất cả những công sức ấy tạo nên ngôi trường và nền giáo dục mới với rất nhiều thành tích như hôm nay để các thế hệ học sinh bước vào năm học mới đầy hãnh diện và tự tin.

Vươn xa những mái trường vùng cao

Hôm nay, 100% số xã ở Lào Cai đã đầy đủ các cấp học từ mầm non cho đến THPT. Trường, lớp đã và đang được hoàn thiện và khang trang hơn trước. Ở các trường Tiểu học, THCS và THPT vùng cao, vùng sâu đã dựng nhà bán trú theo hình thức bán trú dân nuôi, tạo điều kiện ăn ở cho học sinh xa nhà. Cả tỉnh đã và đang chuẩn bị bước vào năm học mới 2011 - 2012. Từ cấp tỉnh đến các huyện, xã đều có Quỹ khuyến học để hỗ trợ các học sinh nghèo vượt khó học giỏi hàng năm.

Những năm qua, nhiều em học sinh vùng cao đã đạt những giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, tỷ lệ học sinh thi đỗ các trường đại học, cao đẳng ngày một tăng. Hiện nay, tỷ lệ các thầy - cô giáo người bản địa đi học sư phạm và về dạy học ngay tại quê hương chiếm số lượng ngày càng lớn. Ở Lào Cai ngày nay người dân vẫn một lòng hiếu học. Hành trình con chữ nơi đây vẫn tiếp tục tuôn chảy vượt qua những khó khăn thách thức đến với bản làng vùng cao. Thành công đó có những hy sinh đóng góp rất lớn của các thầy cô "cắm bản" nhiều năm nay./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực