Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ khai giảng năm học mới của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Thứ tư, 07/09/2011 16:01

(ĐCSVN) - Sáng 7/9, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ khai giảng năm học 2011-2012. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Dự Lễ khai giảng còn có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; đại diện các ban, ngành Trung ương, Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam cùng các thầy giáo, cô giáo và gần 500 học viên thuộc các lớp hệ tập trung mới nhập học năm học 2011 – 2012.

 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai giảng (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại Lễ khai giảng, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tích mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua.

Về nhiệm vụ năm học mới, Tổng Bí thư yêu cầu Học viện cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng của chiến lược cán bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Học viện cần đặc biệt coi trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về nhận thức lý luận và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, cũng như phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức và tác phong, phương pháp công tác.

Tổng Bí thư chỉ rõ, trong giai đoạn hiện nay, Học viện cần coi trọng tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận, tập trung làm sáng tỏ những vấn đề do thực tiễn đặt ra, kịp thời cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đấu tranh phản bác những quan điểm thù địch và luận điệu sai trái, phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Trên cơ sở những định hướng chiến lược ấy để triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu cụ thể, các đề án tổng kết thực tiễn thiết thực; kết hợp việc nghiên cứu cơ bản, dài hạn với việc giải quyết những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, phục vụ các hoạt động thực tiễn. Nội dung nghiên cứu cần tập trung làm sáng tỏ những giá trị, sức sống và ý nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về tình hình thế giới và đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế... Chú trọng xây dựng môi trường dân chủ trong nghiên cứu khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, tính Đảng, xây dựng môi trường văn hóa mẫu mực mang phong cách trường Đảng; phát huy được tiềm lực của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, các nhà khoa học.

Lễ khai giảng năm học 2011-2012 của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
                                                              (Ảnh: TTXVN)
 

Để thực hiện tốt hai nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Học viện cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có trình độ cao về chuyên môn, có vốn sống thực tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của các chuyên gia, các nhà giáo, các nhà khoa học đầu đàn có kinh nghiệm, có uy tín trong và ngoài Học viện. Đồng thời, hết sức coi trọng việc nâng đỡ, khuyến khích các tài năng trẻ, tạo cơ hội và động lực cho cán bộ trẻ phát triển; mở rộng hợp tác quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao chất lượng các mặt công tác khác.

Tổng Bí thư nhắn nhủ các học viên đến từ mọi miền đất nước được về học tập, nghiên cứu tại trường Đảng mang tên Bác Hồ kính yêu là một vinh dự lớn. Các học viên cần ý thức sâu sắc rằng: vào Học viện học tập là để nâng cao kiến thức các mặt, nắm vững nguyên lý và phương pháp khoa học nhằm vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, đồng thời để rèn luyện phẩm chất đạo đức, phong cách công tác. Mỗi học viên cần nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ, phát huy tính chủ động, ý thức tự giác, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo; học đi đôi với hành, gắn kiến thức cơ bản với kiến thức ứng dụng để sau khi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu có thể ứng dụng nhuần nhuyễn những kiến thực đã được trang bị vào hoạt động thực tiễn, và hơn nữa, để trở thành một cán bộ ưu tú về trí tuệ và đạo đức, có sức lan tỏa trong thực tiễn, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu chung của toàn Đảng.

Trong Diễn văn tại Lễ khai giảng, GS, TS Tạ Ngọc Tấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Năm học 2011-2012 là năm học đầu tiên Học viện cùng cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, Đảng ta xác định một trong ba khâu đột phá chiến lược là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Định hướng chiến lược quan trọng này đòi hỏi đất nước ta phải có một đội ngũ cán bộ có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về chuyên môn, có khả năng tập hợp, tổ chức cán bộ, đảng viên, nhân dân, thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị. Đây cũng chính là yêu cầu cao của thực tiễn cách mạng giai đoạn mới đặt ra đối với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh – cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao nhất, quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị cũng như hệ thống các cơ quan sự nghiệp, doanh nghiệp lớn của đất nước.

GS, TS Tạ Ngọc Tấn nêu rõ, từ những yêu cầu của Đảng, Nhà nước và thực tiễn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong năm học này và những năm học tiếp theo, việc nghiên cứu xây dựng và triển khai nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh được xem như mũi nhọn đột phá trong đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo của Học viện… Theo đó, Học viện sẽ tập trung xây dựng các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho từng loại cán bộ theo yêu cầu, trình độ, tính chất công việc; hình thành những chương trình đào tạo tiền bổ nhiệm, hậu bổ nhiệm, đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho từng chức danh cán bộ trong bộ máy của Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực