APEC Việt Nam 2017 – tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững của khu vực

Thứ bảy, 18/02/2017 15:44

(ĐCSVN) - Năm 2017, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời năm 2017 cũng được chọn là Năm APEC Việt Nam. Tháng 12 năm 2016, tại Hà Nội, Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) đã chính thức khởi động Năm APEC Việt Nam 2017  với chủ đề : Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai” cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương, góp phần tạo xung lực mới cho sự phục hồi toàn diện của kinh tế toàn cầu.

Hội nghị không chính thức các quan chức cấp cao APEC (ISOM) tại Hà Nôi (8,9/12/2016), chính thức khởi động Năm APEC Việt Nam 2017 (Ảnh apec2017.vn)

 

Sẵn sàng đảm bảo thành công cho APEC 2017

Triển khai chủ trương hội nhập quốc tế toàn diện do Đại hội toàn quốc lần thứ XI đề ra, năm 2013, tại Bali (Indonesia), Việt Nam đã chủ động đề xuất và được các thành viên APEC ủng hộ lần thứ hai đăng cai các hoạt động của thường niên của APEC. Năm 2016, tại Lima (Peru), Đoàn cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại QUang dẫn đầu đã khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng cho công tác đăng cai tổ chức, bảo đảm cho một năm APEC thành công. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng chính thức giới thiệu chủ đề, lịch hoạt động và mời các nền kinh tế tham dự năm APEC Việt Nam 2017.

Trong hai ngày 8 và 9/12/2016, tại Hà Nội, Việt Nam đã tổ chức các sự kiện khởi động cho năm APEC 2017 gồm: Hội thảo về ưu tiên của Năm APEC 2017. Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ÍOM và đối thoại với các doanh nghiệp về Năm APEC 2017.
Tại các hội nghị, các nền kinh tế thành viên đã bày tỏ sự ủng hộ cao độ đối với chủ đề của Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” cũng như với các hướng ưu tiên mà Việt Nam đã đề xuất cho hơp tác APEC trong năm 2017, bao gồm:

Một là, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm;

Hai là, tăng cường liên kết kinh tế khu vực sâu rộng;

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỉ nguyên số;

Bốn là, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu.

Trong Năm APEC 2017, dự kiến Việt Nam sẽ chuẩn bị tổ chức khoảng 200 hội nghị, cuộc họp lớn nhỏ, trong đó có 20 hội nghị cấp Bộ trưởng trở lên và Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, an ninh, y tế, chỉnh trang đường phố khắp cả nước, từ Bắc vào Nam, vừa để bảo đảm thành công của các hội nghị, vừa để bạn bè có cơ hội tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp và địa phương, quảng bá đất nước.

Thuận lợi lớn đối với nước ta là đã có kinh nghiệm tổ chức Năm APEC 2006 và đảm nhiệm nhiều trọng trách đa phương trong nhiều năm hội nhập quốc tế. Nội lực đất nước cũng đã được nâng cao sau 30 năm đổi mới. Việt Nam đang là một trong số những nền kinh tế đi đầu APEC trong tăng trưởng và liên kết khu vực.

Ý thức được trách nhiệm và khối lượng công việc to lớn cần phải triển khai, Việt Nam đã khẩn trương bắt tay vào công tác chuẩn bị từ năm 2014. Ngay trong các năm 2014 và 2015, Việt Nam đã tích cực trao đổi và chủ động phối hợp với các chủ nhà Năm APEC để học hỏi kinh nghiệm cả về chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất, hậu cần, lễ tân, báo chí…

Bộ máy tổ chức cũng đã sớm được hình thành với sự ra đời của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 vào tháng 7-2015, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và sự tham gia của 24 Bộ, cơ quan và tỉnh thành thành viên với 5 Tiểu ban phụ trách các vấn đề: nội dung; vật chất và hậu cần; an ninh và y tế; tuyên truyền; văn hóa và lễ tân. Đây là cơ chế then chốt để bảo đảm điều phối một cách tổng thể toàn bộ các công tác chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017.

Trên cơ sở đúc kết bài học của các nước cũng như kinh nghiệm hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam, chúng ta cũng đã sớm hoàn tất các văn bản định hướng dài hạn cho công tác tổ chức, từ việc lựa chọn địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao và các hoạt động chính trong năm 2017, xây dựng đề xuất về chủ đề và các ưu tiên, công tác đào tạo đội ngũ… để bảo đảm việc chuẩn bị cho Năm APEC diễn ra đồng bộ, hiệu quả và đúng tiến độ.

Riêng về truyền thông, trang thông tin điện tử chính thức của Năm APEC 2017 đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 11-2016, bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời, thiết thực về Diễn đàn và Năm APEC 2017, cũng như tạo thuận lợi cho các đại biểu và phóng viên quốc tế đăng ký tham dự các hoạt động tại Diễn đàn.

Việc lựa chọn biểu trưng, bộ nhận diện của Năm APEC 2017 cũng đã được hoàn tất, cùng các phim ngắn, ấn phẩm để giới thiệu về Năm APEC 2017… nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và con người cũng như các tiềm năng về đầu tư, kinh doanh, du lịch của Việt Nam.

Các công tác chuẩn bị trên mọi mặt cho Năm APEC Việt Nam 2017 đã cơ bản được hoàn tất theo đúng lộ trình. Hội nghị lần đầu tiên các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) và các hội nghị liên quan đã chính thức diễn ra tại thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa từ ngày 18/2 đến ngày 3/3/2017, quy tụ gần 1.900 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) cùng một số tổ chức quốc tế và khu vực sẽ tham dự Hội nghị SOM và 56 cuộc họp của 4 ủy ban và 34 nhóm công tác chuyên ngành.

Triển khai chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, mục đích Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp lần này là thảo luận và thông qua các ưu tiên của hợp tác APEC năm 2017. Các thành viên cũng sẽ trao đổi để cụ thể hóa các ưu tiên, chuẩn bị nội dung báo cáo lên các Bộ trưởng và trình lên các Nhà Lãnh đạo Cấp cao. Cuộc họp các ủy ban và các nhóm công tác sẽ xác định những hướng hợp tác lớn trên các lĩnh vực, nổi bật là thương mại và đầu tư, chính sách kinh tế, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, quản lý ngân sách, thảo luận các sáng kiến cụ thể nhằm tiếp tục thúc đẩy mở cửa, tạo thuận lợi cho kinh doanh, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, chống tham nhũng và minh bạch hóa, phát triển nguồn nhân lực, thủ tục hải quan, khoa học, công nghệ và đổi mới…

Việt Nam – thành viên tích cực, có trách nhiệm của APEC

 

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooporation forum-gọi tắt là APEC) được thành lập ngày 6-11-1989 tại thủ đô Canberra của Australia. Hiện APEC có 21 thành viên gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Nga, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Mỹ và Việt Nam.

APEC chiếm 39% dân số và 46% diện tích thế giới, đóng góp 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Mục tiêu hoạt động của APEC là Xây dựng cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương năng động, gắn kết thông qua thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, liên kết kinh tế khu vực, hợp tác kinh tế - kỹ thuật, hợp tác bảo đảm an ninh con người, và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Đến nay, APEC đã trải qua 24 kỳ Hội nghị Cấp cao. 

Sau gần hai thập niên đồng hành cùng Diễn đàn APEC, năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam vinh dự đảm nhận trọng trách là chủ nhà của các hoạt động APEC trong cả năm 2017.

Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Chủ tịch SOM APEC 2017 cho biết, Việt Nam là một trong số ít nước được đảm nhận trọng trách chủ nhà của các hoạt động Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hai lần chỉ trong hơn một thập kỷ. Đây là minh chứng sống động cho sự tín nhiệm cộng đồng quốc tế và khu vực dành cho Việt Nam. Việc "chủ động" gánh vác trọng trách này cũng là bước đi quan trọng triển khai chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể của nước ta, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương là một trọng tâm.

Với gần 200 hoạt động lớn nhỏ ở các cấp xoay quanh chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, trải dài trên 10 tỉnh, thành phố từ Bắc vào Nam trong suốt cả năm 2017, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao diễn ra vào tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng, Năm APEC 2017 sẽ là hoạt động đối ngoại có quy mô lớn nhất mà Việt Nam sẽ tổ chức từ nay đến năm 2020.

Không chỉ là vinh dự, việc đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 cũng là một trách nhiệm lớn lao đối với nước ta trong việc cùng các nền kinh tế thành viên nỗ lực làm cho Năm APEC 2017 ghi đậm dấu ấn trong tiến trình phát triển không ngừng của Diễn đàn APEC; góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác, hợp tác của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên APEC, các doanh nghiệp và bạn bè trong khu vực và là hoạt động hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia APEC (tháng 11-1998/2018). Cùng với việc góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương theo hướng mở, công bằng, minh bạch và vì phát triển, APEC đã khẳng định vai trò là cơ chế khởi xướng và điều phối các ý tưởng, sáng kiến liên kết kinh tế. Nhiều hiệp định tự do thương mại đã được hình thành từ những ý tưởng hợp tác giữa các thành viên. Những năm gần đây, APEC cũng tiên phong trong các vấn đề mới như tăng trưởng bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu, các vấn đề thương mại và đầu tư thế hệ mới… nhằm đáp ứng nhu cầu mới về phát triển của khu vực và toàn cầu và giúp các thành viên nắm bắt các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Với tiềm năng hợp tác to lớn và khả năng thích ứng linh hoạt nhờ cơ chế đối thoại mở, dựa trên nguyên tắc cùng có lợi, đồng thuận và tự nguyện, hướng tới mục tiêu dài hạn là duy trì sự tăng trưởng và phát triển của châu Á – Thái Bình Dương vì lợi ích chung của các nền kinh tế trong khu vực, các nền kinh tế APEC sẽ tiếp tục có vai trò nòng cốt duy trì đà tăng trưởng và liên kết của châu Á – Thái Bình Dương, qua đó, đóng góp vào việc tạo động lực cho tăng trưởng và liên kết toàn cầu.

Với sự chuẩn bị kỹ càng , sự tham gia tích cực, có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tổ chức thành công Năm APEC 2017 và tin tưởng chắc chắn rằng, APEC 2017 sẽ góp phần đưa “Diễn đàn bước sang một giai đoạn phát triển mới, khơi dậy các tiềm năng hợp tác và liên kết mới của từng nền kinh tế, từng doanh nghiệp và từng người dân, để tạo những kết quả thiết thực, cụ thể, là động lực mới cho tăng trưởng bền vững và bao trùm của cả khu vực”./.

 

Tôn Nữ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực