Cùng người dân Thông Nông thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống

Thứ tư, 22/02/2017 10:57
(ĐCSVN) – Thông Nông không chỉ là một trong các huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng mà còn nằm trong nhóm 62 huyện nghèo nhất cả nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ các chủ trương đầu tư đúng đắn của Chính phủ, sự chung tay, góp sức của cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều chương trình, dự án của tổ chức ActionAid Việt Nam (AAV) đã và đang được triển khai tại địa phương đã góp phần nâng cao trình độ dân trí và nhận thức của người dân, thúc đẩy các giải pháp sinh kế nông nghiệp bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai..., tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Cuộc họp định kỳ hàng tháng của người dân thôn Cốc Cuổi, xã Đa Thông, huyện Thông Nông (Ảnh: Hải Hà)

Chị Bùi Thị Hồng, Phó Chủ  tịch UBND xã Đa Thông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng đã đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình mà dự án “Tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong phát triển nông thôn” (EC2) do Ủy ban châu Âu tài trợ thông qua tổ chức ActionAid tại Việt Nam ở huyện Thông Nông (tỉnh Cao Bằng) đã triển khai thực hiện tại một số thôn của xã Đa Thông. Chị Hồng cho biết, nhờ có các dự án triển khai mà người dân địa phương đã “đồng tâm hiệp lực”, chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng như xây dựng đường bê tông, nhà văn hóa… Có thể khẳng định rằng, những dự án này đã giúp người dân có được những kỹ năng cơ bản, để vươn lên thoát nghèo và cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Địa điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến thăm là thôn Cốc Cuổi (xã Đa Thông, huyện Thông Nông) – một trong những địa phương có diện mạo thay đổi hoàn toàn sau khi được hưởng lợi từ các dự án cộng đồng của tổ chức ActionAid tại Việt Nam. Chia sẻ với chúng tôi về tình hình của địa phương, ông Dương Văn Cọ, 46 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn cho biết, thôn Cốc Cuổi là nơi sinh sống của người dân tộc Mông và Nùng, trong đó, người Mông chiếm đa số. Từ một thôn rất nghèo, hầu hết bà con không biết chữ, khi dự án được triển khai, các chuyên gia phát triển cộng đồng đã mở các lớp học xóa mù chữ cho xóm, thành lập câu lạc bộ kết hợp những người mù chữ và người biết ít chữ để cùng học hỏi, trao đổi cả về kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, làm kinh tế. Đến nay, về cơ bản, 54 hộ trong thôn đã thoát mù chữ. Không những thoát mù chữ, mà người dân địa phương còn tích cực tham gia vào các cuộc họp thôn để bàn bạc, lập các kế hoạch phát triển và trình với Ủy ban nhân dân xã, huyện để đề nghị thực hiện. Các kế hoạch phát triển này được gọi là sáng kiến cộng đồng. Trong 4 năm dự án triển khai tại thôn Cốc Cuổi, đã có 21 sáng kiến cộng đồng được thực hiện như: Làm đường cứu nạn, xây mới, sửa chữa nhà sinh hoạt cộng đồng cấp thôn, sửa chữa trường mẫu giáo... Các sáng kiến này được dự án hỗ trợ một phần, phần còn lại là chính quyền địa phương hỗ trợ và người dân tự đóng góp. Chủ đề thảo luận cũng đa dạng, từ luyện tập tránh tái mù chữ đến chia sẻ những cách làm ăn, chăn nuôi, sinh hoạt về phòng, chống bạo lực trong gia đình, tuyên truyền về việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...

Là thành viên tích cực của Câu lạc bộ thôn Cốc Cuổi, chị Viên Thị Hoa, người dân tộc Nùng tâm sự: “Từ lúc tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ, tôi và các thành viên hiểu biết nhiều hơn, biết cách chăm sóc con cái mạnh khỏe, biết cách làm kinh tế để thoát nghèo. Mỗi lần sinh hoạt câu lạc bộ là dịp để chúng tôi gặp gỡ, lồng ghép trao đổi các nội dung như kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con… Chính vì vậy, đến nay, thôn Lũng Lừa đã giảm được tình trạng tảo hôn, hôn nhân cùng huyết thống và tình trạng đẻ nhiều con…”

Giống như ở thôn Cốc Cuổi, thôn Lũng Lừa (xã Đa Thông, huyện Thông Nông) cũng là địa phương được hưởng lợi từ dự án EC2. Theo đó, người dân địa phương cũng tích cực tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ và những buổi họp định kỳ. Anh Dương Văn Thông, Trưởng thôn Lũng Lừa cho biết, thôn Lũng Lừa có 82 hộ dân và 100% là người dân tộc Mông. Mô hình câu lạc bộ tại thôn hoạt động từ năm 2007, mỗi tháng bà con họp hai lần vào ngày 10 và 20. Thông qua hoạt động này, một số anh chị đã được đi tập huấn trên huyện, xã về chia sẻ, trao đổi với bà con về phương pháp chăn nuôi, trồng trọt… Đặc biệt, thời gian gần đây, bên cạnh các chủ đề về phát triển mô hình kinh tế, chủ đề của các buổi sinh hoạt còn mở rộng ra những nội dung về pháp lệnh dân chủ cơ sở, quyền con người, quyền công dân, các nội dung về luật pháp như: bình đẳng giới, hôn nhân gia đình…

Chia sẻ về ý nghĩa của việc người dân tham gia vào các hoạt động của câu lạc bộ, anh Dương Văn Cam, Trưởng ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ thôn Lũng Lừa cho biết, lúc đầu khi mới triển khai, bà con tham gia không nhiều nhưng do làm công tác vận động tuyên truyền, bà con đã tích cực tham gia, để hiểu rõ hơn về quyền lợi và nói lên nguyện vọng của mình về việc triển khai thực hiện các hoạt động tập thể của địa phương, về phát triển kinh tế - xã hội… Tuy nhiên, một số nội dung về pháp luật còn khá dài và khó so với trình độ dân trí, câu lạc bộ cần sự hỗ trợ thêm của cán bộ tư pháp xã để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả.

Người dân thôn Lũng Lừa giờ đã tự tin đưa ra những ý kiến đóng góp vào những công việc chung của địa phương
(Ảnh: Hải Hà)

Qua nhiều năm làm công tác quản lý các nhóm sinh hoạt theo mô hình câu lạc bộ của xã Đa Thông, chị Bùi Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Thông cho biết, hiện xã có 23 thôn nhưng chỉ có 6 thôn có các câu lạc bộ hoạt động. Theo đó, các câu lạc bộ được chia thành các nhóm như: nhóm về giới, nhóm quản lý rừng, nhóm thanh niên phản ứng nhanh, nhóm phụ nữ nòng cốt… tổ chức cho bà con tham gia sinh hoạt định kỳ mỗi tháng hai lần, nếu vào mùa vụ bận bịu thì mỗi tháng một lần. Đối với các xã có câu lạc bộ hoạt động, người dân mạnh dạn hơn khi đưa ra các ý kiến, sáng kiến đề xuất; nhận thức của bà con cũng được nâng cao hơn, bởi dự án EC2 của Action Aid thường xuyên có những khóa tập huấn nâng cao năng lực cho bà con mỗi tháng thì một chủ đề, trong đó có cả nội dung tuyên truyền phổ biến pháp luật. Năm nay, bà con được tập huấn về Luật Tiếp công dân; pháp lệnh dân chủ cơ sở; pháp luật về bình đẳng giới, …Cùng với đó, bà con được hỗ trợ sinh hoạt thêm nhiều nội dung về dạy nghề như: nghề trồng nấm, lớp sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi gà lợn hữu cơ…

Thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Nằm cách trung tâm tỉnh Cao Bằng hơn 40km, dân số khoảng 23.000 người thuộc 5 dân tộc: Tày, Nùng, Mông Dao, Kinh (chỉ có 72 hộ là người dân tộc Kinh, chiếm 7% dân số), Thông Nông là huyện thuộc diện đặc biệt khó khăn đang thừa hưởng chính sách từ Nghị quyết 30a của Chính phủ. Do địa hình không thuận lợi, đa phần là núi đá, Thông Nông không có tiềm năng về công nghiệp, nông nghiệp chiếm 80% tỷ trọng kinh tế. Mặc dù có 14km đường biên giới giáp Trung Quốc, 31 cột mốc biên giới, nhưng hầu hết là địa hình núi đá nên Thông Nông cũng không có tiềm năng về cửa khẩu.

Trao đổi với phóng viên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thông Nông, ông Vương Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông, Trưởng ban Quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển huyện Thông Nông cho biết: Thông Nông được ví là ngõ cụt của Cao Bằng do không kết nối được với những vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh. Mặc dù đã được Thủ tướng phê duyệt đưa vào chương trình phát triển biên giới cửa khẩu, nhưng Thông Nông không có đơn vị nào đến đầu tư. Do không có lợi thế, đường giao thông yếu, điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên kinh tế Thông Nông chậm phát triển. Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ giảm nghèo trung bình của huyện mỗi năm đạt 6%, tuy vậy, tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn khoảng 61%.

Đánh giá về hiệu quả của những chương trình dự án của tổ chức AAV triển khai tại địa phương trong nhiều năm qua, ông Vương Văn Thuận chia sẻ, Thông Nông là huyện duy nhất được tỉnh Cao Bằng đưa dự án của AAV vào triển khai từ năm 2005. Cách tiếp cận của dự án là đào tạo giúp nâng cao năng lực cho người dân để họ có kỹ năng cơ bản, sau đó có thể vận dụng để thực hiện hiệu quả các nội dung của chính phủ hoặc khai thác các nguồn lực của địa phương để vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo. Đối tượng tiếp cận chủ yếu là phụ nữ, người yếu thế, thanh niên, hoạt động nào cũng phải trên 50% nữ giới tham gia. Đến nay, AAV vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Thông Nông theo các chương trình ưu tiên. Đối với dự án EC2, qua 4 năm thực hiện, dự án đã có tác động rất tích cực trong việc tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội trong cuộc chiến chống đói nghèo, giúp nâng cao nhận thức người dân. Dự án được triển khai tại 5 xã của huyện, thông qua 17 nhóm phát triển cộng đồng của người dân tại thôn bản, với sự tham gia của 425 thành viên. Trong khuôn khổ dự án, các thành viên được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng sử dụng máy tính, tập huấn về lập kế hoạch và phân tích ngân sách, đối thoại với chính quyền địa phương về các chính sách dành cho giáo dục, phát triển nông nghiệp nông thôn. Từ đó mà nhận thức của người dân về các vấn đề này được nâng cao. Họ mạnh dạn đóng góp ý kiến vào quá trình điều hành của chính quyền hay nêu ra những nhu cầu, bức xúc của bản thân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, tham gia phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo ông Vương Văn Thuận, năm 2016 là năm thứ ba dự án EC2 triển khai tại Thông Nông và cũng là năm cuối của dự án, mặc dù chưa có tổng kết đánh giá nhưng qua quá trình thực hiện hằng năm và hệ thống lại đến thời điểm này thì chương trình đã có tác động tích cực giúp nâng cao năng lực, kỹ năng trong vấn đề tham gia vào quản trị nhà nước, đánh giá thêm được những tác động của dịch vụ công, chính sách nhà nước cho quá trình người dân được tham gia vào giám sát, biết được quyền, trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia vào sự phát triển.

Chia sẻ ý kiến đánh giá về những dự án của AAV đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, bà Nguyễn Thị Nguyên, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Cao Bằng khẳng định, các dự án đã “đem đến nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa cả về vật chất và tinh thần”. Các dự án trên địa bàn tỉnh đều được tiến hành đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo đúng những cam kết đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình thực hiện dự án có sự phối hợp tích cực từ chính quyền cơ sở và người dân trong vùng dự án. Các mục tiêu hoạt động phù hợp với nguyện vọng của người dân nên luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, trách nhiệm với các hoạt động triển khai. Tuy nhiên, người dân các vùng dự án vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai các sáng kiến cộng đồng như bất đồng ngôn ngữ giữa các dân tộc; nguồn ngân sách thực hiện còn hạn chế; trình độ dân trí của người dân còn thấp. Điều này rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức như AAV để đời sống của người dân các thôn, xã nghèo của tỉnh Cao Bằng ngày càng được cải thiện hơn nữa./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực