Đối tác chiến lược sẽ giúp quan hệ Australia - Việt Nam phát triển sâu đậm hơn nữa

Thứ tư, 14/02/2018 16:32
(ĐCSVN) - Đó là nhận định của Đại sứ Australia tại Việt Nam - ông Craig Chittick trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia (26/02/1973 - 26/02/2018).

Phóng viên: Xin cho biết đánh giá chung của Đại sứ về kết quả những chuyến viếng thăm cũng như dự án hợp tác về thương mại, văn hóa, giáo dục, đào tạo… giữa Australia và Việt Nam trong năm 2016-2017?

Đại sứ Australia tại Việt Nam,
ông Craig Chittick
(Ảnh: ĐSQ Australia cung cấp)

Đại sứ Craig Chittick: Đã 45 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, mối quan hệ Australia và Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực:  Chính trị, kinh tế và an ninh.

Cùng với việc tăng cường hợp tác, các chuyến thăm cấp cao gần đây thực sự phản ánh chiều sâu cũng như tầm quan trọng giữa hai đối tác.

Chỉ riêng năm 2017 đã có nhiều văn bản thỏa thuận cũng như sáng kiến hợp tác mới liên quan tới cải cách kinh tế, đánh bắt thủy sản hợp pháp, tăng cường năng lực phụ nữ và nông nghiệp sạch giữa hai nước. Kết quả rõ ràng nhất là Australia hỗ trợ Trung tâm Đối mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), giúp 17 công ty phát triển các giải pháp mới đối phó với những biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Đáng chú ý 45% số công ty này do phụ nữ điều hành. Năm nay, ít nhất 21 công ty khác cũng sẽ nhận sự trợ giúp tương tự từ VCIC.

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã có các chuyến thăm cấp cao nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai quốc gia. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ thăm đất nước chúng tôi trong năm nay.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của mối quan hệ ngoại giao nhân dân, đặc biệt thông qua các hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa và giáo dục thời gian qua. Hiện tổng số lưu học sinh Việt Nam tại Australia đã vượt ngưỡng 60.000. Riêng thống kê năm 2017 cho thấy có khoảng 23.000 sinh viên Việt Nam đang theo học các bậc đào tạo tại Australia.

Nhìn về tương lai, quan hệ Australia - Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển sâu đậm hơn nữa với thỏa thuận giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull thông qua trong cuộc hội đàm ngày 10/11/2017 ở Đà Nẵng, bên lề Hội nghị Cấp cao APEC, nhằm nâng quan hệ lên tầm đối tác chiến lược.

Phóng viên: Tới đây, hai nước chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, có thể kể ra như: Sự kiện khánh thành cầu Cao Lãnh; trao tặng các biển giới thiệu thông tin cho di tích Văn Miếu - Quốc tử giám, hay Chương trình Taste of Australia. Xin ông cho biết thông tin chi tiết hơn?

Đại sứ Craig Chittick: Một loạt hoạt động sôi nổi sẽ diễn ra trong năm 2018 nhằm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, thể hiện một cách sinh động với các chương trình về văn hóa, du lịch, kinh tế và sáng tạo.

Đại sứ Craig Chittick và anh Nguyễn Việt Hưng, người chiến thắng trong cuộc thi thiết kế logo
kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Australia. (Ảnh: ĐSQ Australia cung cấp)

Đầu tháng 01/2018 vừa qua đã diễn ra lễ khởi động Chương trình kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt Nam - Australia, đánh dấu bằng việc ra mắt logo chính thức của năm kỷ niệm và trao chín bảng giới thiệu thông tin di tích của Chính phủ Australia tặng Di tích Văn Miếu - Quốc tử giám.

Vượt qua 152 đối thủ khác, người chiến thắng trong cuộc thi thiết kế logo là tác giả không chuyên Nguyễn Việt Hưng với chia sẻ những ký ức đầu tiên của anh về Australia là hình ảnh của Olympic Sydney 2000, Nhà hát Opera Sydney và những màn pháo hoa ngoạn mục trên cây cầu cảng Sydney.

Sau ba năm thi công, cầu dây văng Cao Lãnh bắc qua sông Tiền, nối liền thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) đã hợp long vào tháng 9/2017; dự kiến khánh thành trong Quý I năm 2018. (Ảnh: ĐSQ Australia cung cấp)

Còn rất nhiều sự kiện khác vô cùng hấp dẫn đang chờ đợi phía trước. Có thể kể ra như sự kiện khánh thành cầu Cao Lãnh - viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, lớn nhất của Australia ở khu vực Đông Nam Á và khoản vay ưu đãi từ ADB, giúp liên kết con người, cộng đồng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tất cả Đông Nam Á và vươn xa hơn nữa; sự kiện Taste of Australia trong tháng Tư, hay tiệc nướng kiểu Australia diễn ra khắp nơi trên lãnh thổ Việt Nam...

Phóng viên: Hiện nay, chính trị ổn định, kinh tế-xã hội phát triển theo hướng bền vững, môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng thuận lợi hơn. Ý kiến của ông về nhận định này?

Đại sứ Craig Chittick: Sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong hơn 30 năm qua đã nói lên tất cả, phản ánh một cam kết mạnh mẽ của Đảng, Chính phủ trong cải cách thị trường, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, cũng như thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.

Tôi thật sự ấn tượng với cam kết và hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục những cải cách mang tính đột phá nói trên, bao gồm cả việc ủng hộ những cam kết thương mại mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam.

Đáng chú ý, Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đã giúp Việt Nam tăng 31 bậc trên bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên thế giới của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố, so với con số năm 2014. Rõ ràng điều này giúp Việt Nam ngày càng có sức hấp dẫn lớn với các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, cải cách cần tiếp dục duy trì để tăng năng suất lao động cũng như tránh rơi vào bẫy “thu nhập trung bình”.

Thông qua quan hệ đối tác kinh tế, Australia sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nhận định, đánh giá và tìm giải pháp vượt qua những thách thức trên. Cụ thể, chúng tôi đang chia sẻ kinh nghiệm của mình trong cải cách chính sách cạnh tranh nhằm tăng cường tính hiệu quả trong khu vực kinh tế tư nhân.

Chương trình mới mang tên Aus4Equality, tập trung vào hai tỉnh Sơn La và Lào Cai ở khu vực Tây Bắc của Việt Nam sẽ hỗ trợ tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong sự vận hành của nền kinh tế, đặc biệt trong hai lĩnh vực là du lịch và nông nghiệp.

Hay như chương trình quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (Aus4Innovation), giúp thúc đẩy và tạo một nét văn hóa đặc trưng của sáng tạo, đổi mới trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như tới kinh tế Việt Nam.

Phóng viên: Như ông đã biết, Năm APEC Việt Nam 2017 vừa thành công tốt đẹp bằng sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại thành phố Đà Nẵng đầu tháng 11 vừa qua. Đại sứ có thể chia sẻ đánh giá của Australia về vai trò chủ nhà của Việt Nam, cũng như nhận xét một số kết quả chung của sự kiện chính trị đối ngoại đa phương quan trọng này?

Đại sứ Craig Chittick: Quyết định đăng cai một sự kiện quan trọng như Năm APEC là thách thức vô cùng lớn đối với bất kỳ quốc gia nào, với 09 Hội nghị Bộ trưởng, 05 hội nghị quan chức cấp cao và rất nhiều hội nghị liên quan. Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ nhà của mình, mặc dù gặp phải khó khăn phát sinh như ảnh hưởng cơn bão số 12 ngay khi Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 vừa diễn ra. .

Các nhà lãnh đạo APEC thông qua Tuyên bố chung Đà Nẵng 2017. (Ảnh: Tuổi trẻ)

Điều khiến tôi hết sức ấn tượng là thông qua tổ chức các sự kiện liên quan ở nhiều địa phương, Việt Nam đã quảng bá thành công một hình ảnh đẹp, độc đáo về thiên nhiên và văn hóa tới lãnh đạo đến từ khắp nơi trên thế giới.

Cũng trong năm qua, đất nước của các bạn thành công khi xác định và nỗ lực thực thi các nhiệm vụ ưu tiên như: Thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và tạo việc làm, tăng cường hội nhập khu vực, an ninh lương thực cũng như phát triển nguồn nhân lực có chất lượng. Đây là những nội dung rất quan trọng không chỉ với các quốc gia phát triển, đang phát triển mà còn gắn chặt trong cốt lõi kinh doanh của APEC.

Australia có những ưu tiên riêng của mình, và chúng tôi chờ đón những bước phát triển thuận lợi trong thời gian tới nhằm giảm các rào cản có liên quan tới thương mại và đầu tư trong ngành dịch vụ, cũng như trong tổng thể một Hiệp định thương mại tự do cho khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Các nhà lãnh đạo cấp cao APEC, thông qua tuyên bố Đà Nẵng, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật pháp. APEC vẫn tiếp tục là một cơ chế quan trọng, trong đó nêu bật lợi ích của thương mại tự do và kiểm soát/kiềm chế sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ trên phạm vi toàn cầu. Hội nhập sâu hơn với kinh tế quốc tế, chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước chúng ta./.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Anh Tuấn (ATP)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực