Đóng góp nhiều hơn nữa vào các hoạt động gìn giữ hòa bình

Thứ sáu, 06/12/2019 18:45
(ĐCSVN) - Ngày 6/12, tại Hà Nội, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam (Bộ Quốc phòng) tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Việt Nam và các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong môi trường Pháp ngữ”.
leftcenterrightdel
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Dung) 

Hội thảo do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức, với sự hỗ trợ của Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), Văn phòng Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.

Hội thảo có sự tham dự của Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; ông Alain Le Roy, nguyên Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc; đại diện Bộ Ngoại giao; các Đại sứ, Tùy viên quân sự các nước; đại diện các cơ quan và tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học đại diện các trường Đại học và Viện Nghiên cứu Campuchia, Canada, Pháp và Việt Nam.

Vai trò  của Cộng đồng Pháp ngữ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Cộng đồng Pháp ngữ trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ). Không gian Pháp ngữ là một trong những lãnh thổ hoạt động chủ yếu của các phái bộ GGHB LHQ khi mà khoảng gần hai phần ba các hoạt động GGHB LHQ đã được triển khai tại đây. Ngoài ra, đóng góp của các quốc gia thuộc Cộng đồng pháp ngữ cũng chiếm hơn 30% cho các hoạt động GGHB LHQ nhưng con số này và hiệu quả thực thi mà con số này mang lại vẫn có tiềm năng gia tăng trong tương lai nếu chúng ta cùng nhau hợp tác chặt chẽ để phát huy được hết tiềm lực của mỗi quốc gia trong cộng đồng cũng như phát huy được thế mạnh mà các cơ chế hợp tác quốc tế mang lại, đặc biệt là với vai trò quan trọng của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.

leftcenterrightdel
Ông Đinh Toàn Thắng, đại diện quốc gia Việt Nam tại tổ chức quốc tế Pháp ngữ phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Dung)

Các Phái bộ GGHB LHQ tại các quốc gia nói tiếng Pháp thường có điều kiện kinh tế xã hội và an ninh chính trị khó khăn hơn rất nhiều so với các Phái bộ khác nói chung. Do đó, sự chung tay, góp sức của Cộng đồng Pháp ngữ đối với các quốc gia này là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa thật sự quan trọng. Đó không chỉ là việc các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ đóng góp lực lượng trực tiếp đến thực hiện sứ mệnh tại địa bàn, mà còn là sự tham gia dưới góc độ chiến lược, giải quyết các vấn đề hậu xung đột và kiến tạo, củng cố hòa bình, góp phần chủ động định hình, bảo vệ các lợi ích an ninh, chiến lược của từng thành viên và của cả khu vực ngay từ sớm, từ xa ngay tại các địa bàn, các quốc gia là điểm nóng về xung đột. 3 trong số 4 Phái bộ GGHB LHQ lớn nhất hiện nay đang hoạt động tại các nước nói tiếng Pháp gồm Công-Gô, Mali và Cộng hòa Trung Phi.

Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa

Kể từ năm 2014, Việt Nam liên tục gia tăng lực lượng quân sự tham gia vào các hoạt động GGHB LHQ ở cả cấp độ cá nhân và đơn vị thể hiện ý chí chính trị nhất quán và chủ trương tích cực đóng góp đối với việc duy trì hòa bình, an ninh tại khu vực và trên thế giới, phù hợp với với những cam kết của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tại các Hội nghị thượng đỉnh và các diễn đàn quốc tế.

“Dù còn hạn chế về kinh nghiệm và nguồn lực nhưng Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa vào các hoạt động GGHB LHQ để chung tay chia sẻ, thực thi những sáng kiến, hành động cụ thể nhằm kiến tạo, duy trì hòa bình, tạo dựng nền tảng phát triển bền vững cho các quốc gia chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh, xung đột”, thiếu tướng Hoàng Kim Phụng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Đinh Toàn Thắng, đại diện quốc gia Việt Nam tại tổ chức quốc tế Pháp ngữ, đã khẳng định : “Sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình thể hiện phương châm và định hướng lớn của hoạt động đối ngoại là "Đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại"; "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế"; "là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế";"chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương". Trong bài phát biểu tại Hội nghị ngoại giao 30 (năm 2018), Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Một trong những định hướng công tác của ngành Ngoại giao thời gian tới là "tiếp tục tham gia tích cực trong khuôn khổ hoạt động của Liên Hợp Quốc, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và tham gia lực lượng GGHB LHQ" nhằm nâng tầm công tác đối ngoại đa phương”.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Xuân Dung)

Ngày 01/01/2020, Việt Nam sẽ bắt đầu đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, mà một trong những ưu tiên là tham gia giải quyết tranh chấp, gìn giữ hòa bình. Cũng trong năm 2020, cùng với vai trò Chủ tịch Asean, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội nghị Mạng lưới các Trung tâm gìn giữ hòa bình ASEAN lần thứ 8. Điều này một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị, mức độ cam kết của Việt Nam về việc tham gia sâu rộng hơn vào hoạt động GGHB LHQ thời gian tới với Cộng đồng Pháp ngữ và các đối tác.

Với tư cách là thành viên sáng lập, Việt Nam đã, đang và sẽ ngày càng gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các hoạt động Gìn giữ hòa bình của Cộng đồng Pháp ngữ, nhất là khi các hoạt động duy trì hòa bình nhìn chung gắn chặt với không gian Pháp ngữ.

Hội thảo “Việt Nam và các hoạt động GGHB LHQ trong môi trường Pháp ngữ” tập trung bàn về những kinh nghiệm của Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ trong quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, cùng nhìn lại những thành tựu chung, cũng như những thách thức và trở ngại đặt ra cho các nước Pháp ngữ, từ đó đề ra các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả đóng góp cho tương lai./.

Xuân Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực