Imadaddin Nasimi – Nhà thơ vĩ đại của Azerbaijan

Thứ hai, 30/12/2019 17:37
(ĐCSVN) - Năm 2019 được Cộng hòa Azerbaijan lấy là “Năm Nasimi” nhân kỷ niệm 650 ngày sinh nhà thơ Imadaddin Nasimi (1369 – 2019).
leftcenterrightdel

 Tượng đài nhà thơ Imadaddin Nasimi được tôn vinh ở đất nước Azerbaijan.
(Ảnh: Lê Thị Bích Hồng)

Thơ và tài năng Imadaddin Nasimi đã được tôn vinh ở đất nước Azerbaijan giàu đẹp, thân thiện, có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời. Nơi đây đã lưu giữ một di sản văn hóa phong phú, giàu bản sắc và một nền văn minh của thế giới ở vùng Tây Á, Trung cận Đông.

Nasimi – nhà thơ tài hoa của Azerbaijan

Imadaddin Nasimi sinh năm 1369 tại thành phố Shemakha vào thời kỳ đất nước Azerbaijan chịu ách đô hộ của Tacta Mông Nguyên. Quê hương ông là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Azerbaijan. Cha ông là một thủ lĩnh Hồi giáo nổi tiếng. Thừa hưởng truyền thống của gia đình, ngay từ nhỏ Nasimi đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học hỏi, thích khám phá, giàu cá tính sáng tạo. Bầu khí quyển quê hương, đất nước, con người Azerbaijan thời trung đại đã dung dưỡng, vun ươm, tạo nên một trí thức tài năng, xuất chúng trong nhiều lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, triết học, y học, thiên văn học… Vì thế, Nasimi được coi là một nhà tư tưởng vĩ đại có vị trí nổi bật, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, tích cực đối với vùng Tây Á, Trung cận Đông cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV. Qua tác phẩm của Nasimi, một nền giáo dục mà Nasimi được tiếp nhận ở Shama có thể sánh với trình độ học vấn của cơ sở đào tạo đại học tốt nhất. Riêng với văn chương, Nasimi được coi là nhà thơ thần bí mang hơi hướng của một nhà tiên tri và tự ông đã là “Điều kỳ diệu thần thánh” (Dương Xuân Bảo). Những phát kiến của Nasimi cách đây gần 7 thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị.

Cuộc đời và cái chết của Nasimi chứa nhiều huyền tích bí ẩn. Tên tuổi ông được bao phủ bởi lớp màu huyền thoại. Là hậu duệ của Muhammad, Nasimi đã được phong tặng những danh hiệu cao quý mà chỉ người thuộc dòng tộc Muhammad mới được dành đặc ân này. Ông được coi là một tín đồ của phong trào Hurufism do người thầy của Nasimi là Fazlallah (1340-1394) sáng lập. Fazlallah đã truyền bá giáo lý của mình trên khắp Iran và Azerbaijan. Ảnh hưởng của học thuyết Hurufism rất lớn. Vì hướng tới tâm linh bí truyền, chính quyền đương thời không chấp nhận, cho là dị giáo và Fazlallah bị kết án và xử tử ở Alinja. Dẫu chính quyền đương thời chống phá quyết liệt, nhưng học thuyết Hurufism vẫn tồn tại thời gian dài. Sau khi Fazlallah qua đời, người học trò Nasimi đã tiếp nối, phát triển và truyền bá ý tưởng của Fazlallah ở Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ... Nasimi đã ủng hộ mạnh mẽ và giúp học thuyết này lan tỏa tầm ảnh hưởng. Nhưng nhà chức trách tôn giáo đương thời không chấp nhận học thuyết này và coi đó là sự báng bổ tôn giáo. Dù vậy, Nasimi vẫn bảo vệ học thuyết này đến cùng. Ông đã làm thơ phản đối quyết liệt những kẻ ngăn học thuyết này phát triển. Chung số phận như thầy Fazlallah, Nasimi đã bị hành quyết rất thương tâm ở Aleppo.

Tên tuổi Nasimi hiện hữu trong lòng công chúng. Nhà thơ vẫn hiện diện trang trọng trong lòng dân tộc Azerbaijan hôm qua và hôm nay. Ngôi mộ Nasimi ở Aleppo hiện là một trong những điểm du lịch thu hút nhiều du khách đến thăm. Tên Nasimi được đặt tên cho một quận ở Thủ đô Baku, trường học và nhiều vùng miền khác. Tượng đài Nasimi đặt trang trọng ở trung tâm thành phố. Nasimi được thể hiện trong tác phẩm điêu khắc của họa sĩ T. Mamedov và I. Zeynalov. Viện Ngôn ngữ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học của Ailen) mang tên Nasimi. Theo quyết định của UNESCO, Lễ kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nasimi được tổ chức ở Azerbaijan, Matxcơva với sự có mặt của nhiều quốc gia. Cùng năm đó, Hãng phim Azerbaijan xây dựng bộ phim “Nasimi”. Công viên Nasimi bên bờ biển ở Sumgait xây dựng năm 1978 và ở đó năm 2003, tượng Nasimi bề thế đã được dựng lên. Năm 2017, trong chương trình kỷ niệm các sự kiện lịch sử và tính cách nổi bật của các danh nhân văn hóa thế giới, UNESCO đã tổ chức lễ kỷ niệm 600 năm mất Nasimi (1417 -2017). Lễ hội thơ, nghệ thuật và tâm linh Nasimi đã được Bộ Văn hóa của Azerbaijan và Quỹ Heydar Aliyev phối hợp tổ chức trang trọng (9/2018). Nhân 650 năm sinh nhằm vinh danh nhà thơ, Liên minh Thiên văn quốc tế đã đặt tên ông cho một hành tinh nhỏ - Nasimi…

Nasimi là thiên tài trí tuệ trên nhiều lĩnh vực. Ông hiểu biết sâu rộng về Hồi giáo và Kitô giáo; là chuyên gia về y học, thiên văn học, chiêm tinh học, toán học, logic học… Nasimi đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, văn hóa... Đặc biệt, những đóng góp của ông vẫn luôn có giá trị cho đến hôm nay về giáo dục, nhất là vấn đề đạo đức, lối sống. Là nhà thơ nổi tiếng, được coi là nhà thơ thần bí vĩ đại nhất, ông đã dày công nghiên cứu triết học, văn học cổ phương Đông và Hy Lạp cổ đại. Nasimi đã góp phần tích cực phát triển và làm giàu ngôn ngữ Turkic của các dân tộc vùng Azerbaizan và lân cận. Sáng tác đó ảnh hưởng sâu rộng, đặt nền móng ngôn ngữ thơ Azerbaijan và nhiều vùng khác. Di sản văn hóa của Nasimi để lại cho hậu thế là kho tàng văn hóa dân gian đậm bản sắc phương Đông. Cuộc đời cùng di sản văn hóa Nasimi vẫn luôn là nguồn cảm hứng lớn cho giới nghiên cứu khoa học trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học.

Đất nước, đặc biệt nền văn hóa Azerbaijan thời trung cổ là mảnh đất màu mỡ, là môi trường thuận lợi xuất hiện những con người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực. Sống trong bầu khí quyển đó, Nasimi đã được tiếp nhận tất cả những quan điểm văn hóa, chính trị, xã hội, nền văn học dân gian thấm đẫm tư tưởng văn minh, tiến bộ thời Phục hưng, đặc biệt là tính nhân văn. Vào thời đó, các nguyên tắc nhân văn được hình thành trong văn học và tư tưởng chính trị - xã hội đã đạt đỉnh cao trong sự sáng tạo của Imadaddin Nasimi. Ông như một nhà tuyên truyền nhiệt huyết và là người truyền bá các ý tưởng nhân văn trong văn học dân tộc của người Azerbaijan sau người tiền nhiệm vĩ đại là Nizami Ganjavi. Môi trường nhân văn đó đã ảnh hưởng đến con người Nasimi sâu sắc. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng thơ ca. Và cũng chính thơ ca là ngọn nguồn cảm xúc nhân văn chi phối con người Nasimi. Ông làm thơ bằng nhiều thứ tiếng (Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập, Ba Tư, Azerbaijan…) và được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng Azerbaijan, Trung Đông, Iraq, Tiểu Á, Syria, Trung Á… Thơ Nasimi miêu tả muôn mặt cuộc sống, trong đó phần lớn nhấn mạnh đến sự vĩ đại của con người và tình yêu. Thơ sáng tác bằng tiếng Azerbaijan đã ảnh hưởng trực tiếp, mạnh mẽ đến sự phát triển nền thơ ca và ngôn ngữ Azerbaijan. Thơ Nasimi có tầm ảnh hưởng lớn đến các nhà thơ nổi tiếng sau này, như: Khatai, Fizuli,Vagif… Sự huyền bí được đan cài khéo léo trong thơ. Chất thần bí trong thơ Nasimi không dễ hiểu trên bề mặt con chữ. Điều đó đã làm nên “thương hiệu”, phong cách thơ độc đáo Nasimi.

Thơ Nasimi đằm thắm trữ tình. Cảnh sắc thiên nhiên, nhất là mùa xuân luôn mang đến cho ông những cảm xúc tươi mới. Nasimi là một nhà thơ tình yêu nổi tiếng. Đến với thơ, ông đã xác lập kỷ lục thơ tình yêu với đặc điểm trữ tình, đằm thắm, ngọt ngào, đắm say. Nasimi dành ngôn từ đẹp nhất miêu tả phụ nữ. Họ là ngọn nguồn cảm xúc bất tận về tình yêu. Em là cuộc đời, là ngọn lửa…và là thơ: “Dáng hình em với khuôn trăng tròn trặn/ Chiếu rọi lên cả thế giới nên thơ”. Vẻ đẹp của người phụ nữ đẹp được ví với thiên nhiên, với hoa lá mùa xuân đang dậy hương. Đây là cảm quan phương Đông ví con người với thiên nhiên: “Dáng hình em” được ví với “hoa hồng, hoa nhài đang nở”, “Hơi thở nhẹ” của em như “gió ban mai”; em còn là cây bách, nhưng là “Cây bách duyên dáng tuyệt vời của tôi”…

Thơ Nasimi thể hiện sâu sắc cảm xúc yêu đan quyện cùng thế giới tâm linh huyền diệu. Không chỉ dừng ở thơ mang phong cách trữ tình tình yêu, thơ Nasimi mở rộng phạm vi phản ánh, chuyển sang nhiều chủ đề chính trị, cộng đồng và đạo đức. Nasimi hiểu sâu sắc vai trò của thơ ca. Vì thế, ông đã dùng thơ ca cho mục đích tuyên truyền những ý tưởng của mình. Ông làm thơ triết học để chống chủ nghĩa thần bí. Học thuyết Hurufi đã được thể hiện và lan tỏa sức ảnh hưởng rộng rãi qua thơ ông: “Tôi đã làm cho đôi mắt của tôi một tách cho rượu của nó/ Tôi đã đi trên Hajj trong trang phục của người hành hương”

Thơ Nasimi bộc lộ thẳng thắn cái tôi cá nhân – cái tôi nhà thơ với sự đan cài, giằng co, chứa chất nhiều mâu thuẫn nội tại. “Trong tôi chứa hai thế giới” là một trong những bài thơ nổi tiếng thể hiện vấn đề triết học trong sự khai phá bản thể. Công thức: CON NGƯỜI=THỂ XÁC+LINH HỒN kỳ diệu và minh triết đã được ông khám phá từ thế kỷ XIV. Bài thơ biểu hiện và biểu cảm sâu sắc khám phá bản thể trong tương phản giữa thế giới vật chất và tâm linh cuối cùng được hợp nhất trong con người: “Trong tôi chứa hai thế giới/ Nhưng thế giới này lại chẳng chứa tôi/ Chính là tôi, nhưng chẳng phải là tôi/ Tôi lại chẳng có trong thực tại”. Nói như Phùng Ngọc Đức, Nasimi đã khai phá một lĩnh vực lớn của triết học về bản thể mà từ thời Aristote rồi Phật giáo, Công giáo đều đi tìm một duy danh định nghĩa cho bản thể và vẫn còn gây tranh cãi.

Các tác phẩm của Nasimi đóng vai trò trong việc định hình thơ ca và ngôn ngữ của người Azerbaijan. Phong cách thơ dường như đã phản ánh toàn bộ sự hoàn chỉnh và đa dạng của ngôn ngữ Azerbaijan thời Trung cổ. Nhiều bài thơ của ông đã có tác động sâu sắc đến việc hình thành tư tưởng cộng đồng. Quan điểm triết học của ông, ý tưởng của ông về Hurufism, cũng như cuộc sống và vũ trụ được thể hiện một cách súc tích và hợp lý.

Nasimi đã viết những bài thơ đầy cảm xúc bằng tiếng Azerbaijan, Farsi, Ả Rập… Trong đó, thơ làm bằng tiếng Ả Rập được chú ý bởi sự phong phú của ngôn ngữ và phong cách bản địa. Thơ Nasimi hội tụ nền văn hóa, là lời ăn tiếng nói của tầng lớp nhân dân (cả lớp người bình dân). Các tác phẩm của ông hội tụ, tinh gạn từ những câu tục ngữ, thành ngữ sâu sắc, dí dỏm đó. Thơ Nasimi đã được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc, như: "İstəmə" (nhạc sĩ Tofig Guliyev), "Qafil oyan" (nhạc sĩ Tofig Guliyev), "Neynədi" (nhạc sĩ Zeynab Khanlarova), "Nasimi" (nhạc sĩ Sami Yusuf)…

Imadeddin Nasimi được tôn vinh bởi tài năng, nhân cách, tình yêu và tự do. Trong thơ, ông xác định vai trò nhà thơ phải đồng hành cùng sáng tạo, có phong cách nghệ thuật, tiếp nhận cái mới, nội dung nhân văn... Thơ ông là sự tiếp nhận sáng tạo chất liệu từ thơ ca dân gian, làm giàu ý nghĩa ngôn ngữ A Rập thời trung cổ. Lao động sáng tạo của ông đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển tư tưởng nghệ thuật và xã hội của các dân tộc. Ông đi vào lịch sử như một chiến binh dũng cảm bởi tinh thần đề cao sự trung thực, công bằng, tự do tư tưởng…

Nasimi là người sáng lập ra triết học bằng ngôn ngữ bản địa trong lịch sử văn học Azerbaijan. Nhà thơ đã viết các tác phẩm của mình trong các chủ đề chính trị, xã hội và đạo đức. Các bài thơ của ông đã được trình diễn trong nhiều thế kỷ do Ozans - bậc thầy của nghệ thuật mugham. Các sáng tạo nghệ thuật của Nasimi là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của thơ ca và ngôn ngữ văn học của người Azerbaijan. Các tác phẩm của Nasimi với ngôn ngữ tiếng Azerbaijan bản địa đã đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện các đặc điểm hình thức trình bày thơ Azerbaijan. Imadaddin Nasimi đã có đóng góp vô giá cho sự phát triển của văn hóa dân tộc Azerbaijan nói riêng và cho sự phát triển của văn hóa thế giới nói chung.

Năm Nasimi ở Việt Nam

leftcenterrightdel
Đại biểu tham dự Hội thảo tôn vinh nhà thơ Imadeddin Nasimi. (Ảnh: Lê Thị Bích Hồng)

Nhân kỷ niệm 650 ngày sinh Imadaddin Nasimi (1369 – 2019), ở Việt Nam đã tổ chức một số hoạt động thiết thực hưởng ứng quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Azerbaijan. Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan ra đời là cầu nối những người yêu mến, quan tâm văn hóa-lịch sử của Azerbaijan; làm tiền đề cho giao lưu văn hóa và hợp tác toàn diện giữa 2 quốc gia. Phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan, Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam tổ chức cuộc thi viết luận với chủ đề “Di sản của nhà thơ Azerbajan vĩ đại Imadaddin Nasimi” dành cho giới trẻ với giải thưởng hấp dẫn. Trung tâm nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Ngày 7/12/2019, phối hợp cùng Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam tổ chức Hội thảo về nhà thơ vĩ đại của Azerbaijan – Imadaddin Nasimi.

Về mối quan hệ giữa Azerbaijan và Việt Nam, tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tống Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương đã nhấn mạnh: “Việt Nam và Azerbaijan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/9/1992. Tuy nhiên, trên thực tế hai nước đã có nhiều hơn 25 năm cùng xây dựng và vun đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, do chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Azerbaijan – ông Heydar Aliyev dày công vun đắp từ những năm 50 và 60 của thế kỷ trước”.

Cũng về truyền thống hợp tác, hữu nghị đó, nhà văn Trác Khánh Hương bổ sung: Hơn 60 năm trước (năm 1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm Azerbaija. Năm 1983, lãnh tụ Azerbaijan - Heydar Aliyev đã tới thăm Việt Nam. Thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, Azerbaijan đã giúp Việt Nam công tác đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, cử chuyên gia dầu khí giúp Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đào tạo, nghệ thuật, nhất là ngành điện ảnh. Quan hệ ngoại giao được thúc đẩy khi Azerbaijan mở Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam.  

Văn hóa là một kênh, cầu nối hữu nghị quan trọng. Việt Nam và Azerbaijan có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. Văn hóa chính là cầu nối gắn kết 2 quốc gia ở hai khu vực xa xôi: Đông Nam Á và Tây Nam Á, Nam Kavkaz. Chính sự tương đồng về văn hóa đã làm nên tình đoàn kết hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Azerbaijan vốn đã bề dày lịch sử được lãnh đạo hai nước nỗ lực vun đắp. Ngày 07/12/2019, Đại sứ quán Azerbaijan tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lịch sử và Văn hóa Azerbaijan đồng tổ chức một cuộc hội thảo về nhà thơ vĩ đại của Azerbaijan – Imadaddin Nasimi.

Tại Hội thảo về nhà thơ Nasimi nhân Năm Nasimi, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam - Anar Imanov đã bày tỏ niềm xúc động “Tôi vô cùng xúc động tham dự sự kiện kỷ niệm 650 năm ngày sinh nhà thơ vĩ đại Imadaddin Nasimi. Nhà thơ của đất nước Azerbaijan chúng tôi đã được tôn vinh ở Việt Nam – một đất nước giàu truyền thống văn hóa, thân thiện, mến khách. Trong những năm gần đây, chính sách của ngài Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan - Ilham Aliyev là nhằm mục đích phát triển quan hệ đa phương trong lĩnh vực văn hóa đã đưa Azerbaijan trở thành một trong những trung tâm quan trọng của đa văn hóa và đối thoại liên văn hóa không chỉ trong khu vực mà trên thế giới. Đồng thời, là một phần không thể tách rời của chính sách này, Azerbaijan rất chú trọng đến sự phát triển của sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa trên cơ sở song phương. Tôi mong muốn trên nền tảng truyền thống quan hệ hữu nghị trước đó, hai nước Azerbaijan và Việt Nam chúng ta tiếp tục thúc đẩy quan hệ lĩnh vực văn hóa. Vì thế, tăng cường tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa của hai nước là một phần không thể thiếu trong sự hợp tác này mà sự kiện ngày hôm nay là một ví dụ minh chứng”.

Năm Nasimi đã được tổ chức ở Việt Nam nhân kỷ niệm 650 năm ngày sinh nhà thơ Imadaddin Nasimi trang trọng tình hợp tác, hữu nghị. Và xin được nhắc lại cuối bài viết này bằng sự xúc động, chia sẻ của Đại sứ Anar Imanov: “Tôi phải nói rất thật lòng rằng chính tôi đã được tiếp nhận, học hỏi được nhiều thông tin bổ ích về nhà thơ Nasimi Imadeddin của đất nước chúng tôi qua hội thảo này. Xin nồng nhiệt cảm ơn…”.

Lê Thị Bích Hồng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực