Kỷ niệm 25 năm Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam

Thứ bảy, 01/10/2016 09:44
(ĐCSVN) – Chiều 30/9, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) tổ chức Hội thảo kỷ niệm những thành tựu sau 25 năm hợp tác với Việt Nam.


Đại diện chính phủ hai nước Việt Nam và Thụy Sỹ tham dự Hội thảo. (Ảnh: PV)

Năm 1992, khi Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ bắt đầu chương trình song phương của mình tại Việt Nam, Việt Nam là một nước rất nghèo với tỷ lệ người nghèo chiếm khoảng gần 60% và cũng là thời điểm Việt Nam đang trong thời kỳ đầu của công cuộc Đổi mới. Trong hơn hai thập kỷ qua, Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ đã hỗ trợ tích cực hoạt động trong những lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch phát triển của Việt Nam.

Tại Hội thảo, đánh giá cao sự hỗ trợ và đồng hành của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam trong suốt hơn 25 năm qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, hợp tác phát triển giữa hai bên đã tận dụng được những thế mạnh, kinh nghiệm của Thụy Sỹ trong phát triển mà điển hình là việc phân cấp, lập kế hoạch tại cấp cơ sở, góp phần hỗ trợ chủ trương của Chính phủ Việt Nam về đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hợp tác giữa hai bên diễn ra phong phú, sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, nâng cao năng lực, đào tạo nghề, quản trị, cải cách hành chính công tới lập kế hoạch phát triển đô thị, hỗ trợ sinh kế nông nghiệp, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường…

Bày tỏ hài lòng với những kết quả của chương trình hợp tác song phương giữa Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ và Việt Nam trong 25 năm qua, Quản lý Chương trình của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam Steven Geiger cho biết: Mục tiêu bao trùm của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ là giảm nghèo. Toàn bộ dự án đều đóng góp trực tiếp hay gián tiếp vào việc hoàn thành mục tiêu này... Các dự án chủ yếu tập trung vào những vùng nghèo nông thôn miền núi phía Bắc Việt Nam, nơi có đông đồng bào các dân tộc ít người sinh sống. Thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, các dự án chuỗi giá trị đã hỗ trợ và tạo điều kiện để người nghèo và đồng bào các dân tộc ít người nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor, kết quả đáng kể nhất của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ là trao tiếng nói cho người dân trong quản trị địa phương và tăng cường sự tham gia của người dân vào các quyết định ảnh hưởng tới sinh kế của họ tại cấp cơ sở”.

Đánh giá về hiệu quả của các chương trình dự án triển khai tại Hòa Bình – một trong những địa phương được hưởng lợi từ các dự án của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ tại Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Các dự án của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ đã tiếp cận trực tiếp đến người dân, huy động sự tham gia của họ vào việc lập, thực hiện và giám sát kế hoạch của xã nơi họ sinh sống. Các thực tiễn của dự án đã được thể chế hoá bằng các quyết định của chính quyền tỉnh. Điều này đã đóng góp tích cực vào việc thực hiện dân chủ cơ sở.

Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ là đối tác tích cực hỗ trợ quản trị tốt và cải cách hành chính công ở Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ đã tài trợ việc thành lập và hoạt động Trung tâm Một cửa Dịch vụ Hành chính công tại 103 huyện thuộc 9 tỉnh nghèo.

Trong thời gian tới, Thuỵ Sỹ sẽ vẫn tiếp tục cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam, nhưng thay đổi phương thức hợp tác phát triển cho phù hợp với thực tế và nhu cầu mới của Việt Nam hiện đã là một nước có thu nhập trung bình thấp. Trong khi chương trình song phương về giảm nghèo và quản trị của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ sẽ kết thúc vào cuối năm 2016 thì Việt Nam vẫn tiếp tục hưởng lợi từ các chương trình toàn cầu và khu vực của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ nhằm giải quyết các thách thức như biến đổi khí hậu, nước và an ninh lương thực.

Hợp tác phát triển song phương giữa Thuỵ Sỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục và tập trung vào hợp tác phát triển kinh tế nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế bền vững. Chương trình này sẽ được thực hiện bởi Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sỹ (SECO). Chiến lược hợp tác kinh tế cho giai đoạn 2017 – 2020 sẽ sớm được công bố. Một chương của hợp tác phát triển Thụy Sỹ - Việt Nam khép lại, một chương mới bắt đầu./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực