Mười sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam năm 2009

Thứ ba, 05/01/2010 15:29

(ĐCSVN) – Vượt qua năm 2009 đầy khó khăn và thách thức, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã để lại những dấu ấn rất ấn tượng, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn 10 sự kiện đối ngoại nổi bật của Việt Nam trong năm qua.

1. Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã tiến hành chuyến thăm chính thức các nước: Nhật Bản (từ ngày 19 đến 22-4-2009), Úc và New Zealand (từ ngày 6 đến 12-9-2009), Campuchia (từ ngày 17 đến 19-12-2009). Những chuyến thăm này của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhằm tiếp tục tăng cường đối thoại cấp cao giữa Việt Nam với các nước, củng cố sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước đến thăm; đưa quan hệ giữa nước ta với các nước lên tầm cao mới; tranh thủ sự ủng hộ và hỗ trợ của bạn bè đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tăng cường quan hệ giữa Đảng ta với đảng cầm quyền và các chính đảng lớn ở các nước; khẳng định vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng ta, góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.

2. Việt Nam hoàn thành tốt trọng trách Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việc Việt Nam được Đại hội đồng LHQ khoá 62 bầu làm Uỷ viên không thường trực HĐBA với số phiếu cao ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên (tháng 10/2007) thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với thànhh tựu đổi mới, vị thế quốc tế của Việt Nam cũng như sự trông đợi của quốc tế đối với đóng góp của Việt Nam vào công việc chung của HĐBA. Qua hai năm, Việt Nam đã hoàn thành tốt trọng trách là Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ, tham gia chủ động, thể hiện lập trường độc lập tự chủ, đóng góp xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm, khéo léo xử lý khi có vấn đề khác biệt giữa các thành viên; thực hiện được mục tiêu mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đề ra, có nhiều sáng kiến và đóng góp vào hoạt động của HĐBA LHQ, trong đó có việc duy trì hoà bình và an ninh thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

3. Việt Nam trở thành chủ tịch ASEAN năm 2010 với chủ đề "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động". Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15, họp vào cuối tháng 10 năm 2009 tại Thái Lan đã công bố Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN trong năm 2010. Trọng tâm ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 là góp phần tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác, qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN. Việt Nam đưa ra chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 là “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động”. Chủ đề này thể hiện mục tiêu xuyên suốt của ASEAN trong năm 2010 bằng các hành động cụ thể, đẩy mạnh việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN.

4. Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ nhất diễn ra trong 3 ngày (từ 21 đến 23-11) thành công tốt đẹp. Hội nghị là biểu hiện sinh động ý chí và nguyện vọng của gần bốn triệu NVNONN trên toàn thế giới cùng đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu xây dựng cộng đồng vững mạnh và hướng về quê hương đất nước. Hội nghị là một mốc quan trọng trong công tác đối với NVNONN của Ðảng và Nhà nước ta. Ðây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức quy mô lớn nhất và số lượng tham gia đông đảo nhất, với gần 900 đại biểu kiều bào từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới gồm nhiều thành phần tham dự hết sức đa dạng. Hội nghị cũng thu hút gần 500 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư và 51 tỉnh, thành trong nước về dự. Hội nghị đã thảo luận những vấn đề cơ bản, hết sức thiết thân đang đặt ra đối với cộng đồng NVNONN và công tác vận động cộng đồng như: Xây dựng cộng đồng đoàn kết vững mạnh và hướng về đất nước; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; Vai trò của chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần xây dựng đất nước; Vai trò của doanh nhân kiều bào góp phần xây dựng đất nước.

5. Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tiến trình hợp tác Á - Âu lần thứ 9 (FMM9). Hội nghị FMM9 diễn ra trong hai ngày 25 và 26-5-2009, tại Hà Nội, với chủ đề "Tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu nhằm ứng phó khủng hoảng kinh tế-tài chính và các thách thức toàn cầu". Ðây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần đầu kể từ khi Tiến trình hợp tác Á - Âu (ASEM) mở rộng từ 26 lên 45 thành viên và là cầu nối giữa hai kỳ Hội nghị cấp cao. Việc Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị FMM9 có ý nghĩa quan trọng, vì đây là dịp để các nước Á - Âu hiểu hơn về chủ trương, đường lối chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường hợp tác quốc tế, giới thiệu về thành tựu công cuộc đổi mới, tình hình kinh tế-xã hội và những đóng góp tích cực của Việt Nam cho Tiến trình ASEM, phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt với các thành viên ASEM.

6 . Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2009 kết thúc với con số cam kết ODA cho Việt Nam năm 2010 đạt 8,063 tỷ USD - mức cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, 1,4 tỷ USD là vốn viện trợ không hoàn lại và 6,6 tỷ USD vốn vay. Ngân hàng Thế giới trở thành nhà tài trợ lớn nhất với cam kết gần 2,5 tỷ USD. Tiếp đó là Nhật Bản với cam kết 1,64 tỷ USD. Liên minh châu Âu (EU) công bố mức hơn 1 tỷ USD, trong đó Pháp tiếp tục là nhà tài trợ lớn nhất trong khối này với 378,26 triệu USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành 1,479 tỷ USD cho Việt Nam. Cam kết của các nhà tài trợ thể hiện sự ủng hộ chính sách phát triển, đường lối của Việt Nam trong đổi mới, hội nhập quốc tế.

7. Việt Nam trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc Báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam (VN) vào ngày 7-5-2009. Trước đó, ngày 6.5, VN  và Malaysia cũng đã phối hợp trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Việc trình các báo cáo là để thực hiện những quy định liên quan thuộc Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ. Trên cơ sở nghiên cứu, khảo sát toàn diện về tình hình địa chất, địa mạo thềm lục địa VN, các cơ quan hữu quan nước ta đã xây dựng báo cáo quốc gia về ranh giới ngoài thềm lục địa VN ở khu vực phía bắc và phối hợp với Malaysia xây dựng báo cáo chung về khu vực phía nam biển Đông, trình Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ đúng thời hạn quy định.

8.  Việt Nam và Trung Quốc đã kết thúc 35 năm đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền bằng việc ký kết Nghị định thư Phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới Việt - Trung và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tạo cơ sở cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài giữa 2 nước. Sau khi được 2 nước phê chuẩn, 3 văn kiện này sẽ chính thức có hiệu lực và Hiệp ước Biên giới trên đất liền Việt - Trung ký năm 1999 sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Ba văn kiện này sẽ là cơ sở để các ngành hữu quan 2 nước triển khai công tác quản lý biên giới một cách hiệu quả và khoa học.

9 . Báo cáo quốc gia về tình hình thực hiện quyền con người ở Việt Nam trong khuôn khổ Cơ chế Báo cáo kiểm điểm định kỳ (UPR) của Liên hợp quốc được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua và đánh giá tích cực. Tham gia phiên họp thông qua Báo cáo này có đầy đủ đại diện của 192 nước thành viên của Hội đồng nhân quyền, các tổ quốc tế và các tổ chức phi chính phủ. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp bao gồm đại diện nhiều cơ quan Nhà nước có liên quan và các tổ chức phi chính phủ. Phát biểu tại phiên họp, đại diện của Việt Nam khẳng định mục tiêu cao nhất, đồng thời cũng là biểu hiện cụ thể về quyền con người ở Việt Nam là phấn đấu hết sức mình để xây dựng "dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

10

. Đại hội Thể thao châu Á trong nhà lần thứ 3 (AIG 3) "Vì một châu Á phát triển" diễn ra tại Việt Nam từ ngày 30-10 đến 8-11-2009 đã để lại ấn tượng tốt đẹp với du khách và bạn bè các nước, đồng thời là cơ hội để Việt Nam khẳng định nội lực trong việc đăng cai các đại hội tầm cỡ quốc tế. Việt Nam tổ chức thành công Asian Indoor Games 3. Với 42 HC vàng, Việt Nam giành vị trí thứ nhì một cách đầy thuyết phục sau Trung Quốc (48 HC vàng), và đứng trên các cường quốc thể thao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran…, dù chỉ tiêu ban đầu chỉ là có mặt trong top 8. Thành công về mặt tổ chức Asian Indoor Games ở Hà Nội và TP HCM cũng giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong chiến dịch vận động đăng cai ASIAD (Đại hội thể thao châu Á) 2019./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực