Năm 2010 - năm trọng tâm quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Vương Quốc Anh

Thứ hai, 04/01/2010 17:25

(ĐCSVN)Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Anh, năm 2009, mặc dù chịu tác động nặng nề của khủng hỏang kinh tế tòan cầu, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam -  Vương quốc Anh vẫn trên đà phát triển. Nhiều chương trình xúc tiến thương mại diễn ra tại hai nước trong đó có khoảng 60 đoàn Việt Nam thăm và tham gia các hoạt động tại Anh.

 

 
 Giày dép - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang
thị trường Anh
(Ảnh: Nguồn Internet)

Trong một báo cáo mới đây của Cơ quan Xúc tiến Đầu tư và Thương mại Anh (UKTI), Việt Nam được đánh giá là một trong 17 thị trường trọng điểm mà các doanh nghiệp Anh đang hướng tới. Một báo cáo thăm dò khác đối với các doanh nghiệp về sự lựa chọn thị trường cho họat động đầu tư, thương mại của họ trong thời gian tới thì Việt Nam có tên trong số 15 thị trường được quan tâm.

Theo số liệu của cơ quan thống kê Anh, năm 2008, tổng kim ngạch 2 chiều đạt 920 triệu Bảng. Trong đó, Anh xuất khẩu sang Việt Nam 167,6 triệu Bảng, nhập khẩu từ Việt Nam 743 triệu Bảng (số liệu của cơ quan thống kê Anh). Trong 10 tháng 2009, Anh nhập khẩu từ Việt Nam đạt 893 triệu Bảng, tăng 7,4% và xuất khẩu sang Việt Nam đạt 171 triệu Bảng, tăng 12% so với năm 2008. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2009 đạt xấp xỉ 1,1 triệu Bảng, tăng 7,4% so cùng kỳ 2008. Dựa trên số liệu thống kê thương mại của Anh, qua theo dõi diễn biến thương mại hàng tháng với mức tăng trưởng bình quân khỏang 120 triệu Bảng thì khả năng đạt chỉ tiêu định hướng 1,8 tỷ USD/năm 2009 đối với thị trường Anh là khả quan.

Với số vốn đăng ký đầu tư tại Việt Nam đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, Anh trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong các nước thuộc Liên minh châu Âu với 126 dự án. Các tập đoàn,công ty Anh có tiếng trên thế giới như BP, Shell, BAT, GlaxoSmithKline, Tate & Lyle, Prudential, Ngân Hàng Hồng Kông & Thượng Hải, Ngân Hàng Standard Chartered Bank, Coats, Unilever, ICI, Catrol… đã có những khoản đầu tư quan trọng và còn rất nhiều các công ty Anh khác đang mở rộng hoạt động của họ tại Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Anh cũng cho biết, thời gian qua, giày dép là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Anh (565 triệu USD/2008, 10 tháng 2009 đạt khoảng 570 triệu USD, tăng 5,5%). Theo một báo cáo của Hiệp hội Giày Anh thì thị trường giày thế giới trong năm 2008 tăng khỏang 4,1%, đạt 208,4 tỷ USD. Dự báo đến năm 2013 thị trường giày thế giới sẽ đạt khối lượng khoảng 15,1 tỷ đôi với trị giá khỏang 272,5 tỷ USD, tăng khoảng 30,7% so với năm 2008, trong đó EU là thị trường tiêu thụ lớn nhất chiếm khỏang 42,3% trị giá tòan cầu. Thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam tiếp tục được EC gia hạn mới đây là một trở ngại đối với mặt hàng này. Vì vậy, ngoài các hợp đồng với các đối tác truyền thống với các thương hiệu mạnh như Clarks, Nike, Adidas… Để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang Anh, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng triệt để những hợp đồng dài hạn của các cơ quan chuyên ngành Anh do Thương vụ giới thiệu. Những hợp đồng loại này tuy số lượng không lớn nhưng ổn định và dài hạn, mẫu mã đơn giản. Ngoài giày dép, các sản phẩm may mặc, đồ gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa cũng là những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sang thị trường này.

Với những kết quả đạt được sau chuyến thăm cấp cao giữa 2 nước trong năm 2008 và 2009 cộng với tình hình kinh tế Anh có nhiều dấu hiệu sáng hơn so với năm 2009. Đặc biệt, phía Anh đánh giá  cao vai trò của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, chính phủ Anh tiếp tục là quốc gia ủng hộ Việt Nam trong các vấn đề GSP, thuế chống bán phá giá giày mũ da. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Anh đánh giá Việt Nam là một trong những điểm đến ưu tiên, đối tác tiềm năng cần quan tâm trong những năm tới. Với những thuận lợi đó, năm 2010 hứa hẹn sẽ là năm các hoạt động thương mại song phương giữa hai nước phát triển sôi động hơn trên cả phương diện quốc gia lẫn doanh nghiệp.  

Để duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Anh, Thương vụ Việt Nam đưa ra những khuyến khích các Hiệp hội ngành hàng nên triển khai các chương trình xúc tiến thương mại sao cho phù hợp với mục tiêu của ngành, lĩnh vực hoat động. Đơn vị chủ trì chương trình xúc tiến thương mại thông qua nhà tổ chức, các hiệp hội ngành hàng, đại diện thương mại tại các nước giới thiệu với các đối tác về sự hịên diện của các doanh nghiệp nhằm thu hút sự quan tâm chú ý của đối tác khi sự kịên diễn ra. Những hội chợ chuyên ngành luôn là điểm hội tụ nhu cầu mua và bán.

 

 
 Xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy quan hệ thương
mại giữa Việt Nam- Vương quốc Anh
(Ảnh: Nguồn Internet)

Theo Thương vụ Việt Nam, các Hiệp hội ngành hàng của Anh có vai trò, vị thế rất lớn đối với các doanh nghiệp thành viên, họ có hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin cập nhật về thị trường, sản phẩm, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng. Vì vậy, các Hiệp hội ngành hàng của Việt Nam cần tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng của bạn, thông qua đó nắm bắt thông tin về nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, trao đổi các đòan doanh nghiệp tham gia sự kiện tại Anh và Việt Nam. Mặt khác các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc mời chuyên gia tư vấn về thị trường, sản phẩm, quảng bá sản phẩm qua các tạp chí chuyên ngành, các chương trình đào tạo ngắn hạn thông qua sự hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế, hạn chế các chương trình nghiên cứu thị trường chung chung.

Điều quan trọng nhất giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Anh là đại diện thương mại tại các nước sở tại cần hỗ trợ tích cực các đầu mối tổ chức chương trình. Bộ Công Thương nên có cơ chế để đại diện thương mại có thể sử dụng nguồn kinh phí xúc tiến thương mại thực hiện/hoặc hỗ trợ thực hịên các họat động xúc tiến thương mại của các đầu mối trong nước như thông tin tuyên truyền, tổ chức các gian hàng quốc gia…

Thế giới đã có những bước chuyển tích cực sau một năm đầy sóng gió, nước Anh đã và đang tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ nhằm củng cố và tăng cường vị thế của mình trên trường quốc tế. Mặc dù tình hình chưa hòan toàn lạc quan, nhưng chúng ta có cơ sở để nghĩ đến một năm sáng sủa hơn. Hy vọng năm 2010 sẽ là năm “bứt phá” trong quan hệ kinh tế, thương mại hai nước Việt Nam - Vương Quốc Anh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực