Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính cho chính quyền địa phương

Thứ sáu, 15/12/2017 15:54
(ĐCSVN) – Trong hai ngày 14 và 15/12, tại Đà Nẵng, Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đồng tổ chức một hội thảo kỹ thuật về khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính của chính quyền địa phương.
Các đại biểu tham dự hội thảo tại Đà Nẵng trong hai ngày 14 và 15/12 
 (Ảnh: Báo Công thương)

Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu thảo luận, chia sẻ về các khó khăn vướng mắc, nhu cầu và hạn chế về tài chính của chính quyền địa phương ở Việt Nam, những kinh nghiệm quốc tế có liên quan cũng như các biện pháp khả thi có thể áp dụng và các kiến nghị đến các cơ quan trung ương hoàn thiện cơ sở pháp lý để các địa phương có thể tiếp cận, sử dụng các nguồn lực tài chính một cách hiệu quả trong việc phát triển hạ tầng cơ sở quan trọng, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội, nâng cao điều kiện sống dân cư.

Hội thảo đã giới thiệu các khó khăn và các điều kiện để chính quyền địa phương tiếp cận các nguồn tài chính; các hoạt động của AFD trong lĩnh vực tài chính địa phương; kinh nghiệm các nước về việc chính quyền địa phương tiếp cận nguồn tài chính quốc tế và quản lý rủi ro tỷ giá; kinh nghiệm về các tổ chức tài chính địa phương ở nước ngoài; phân cấp tài chính và quyền tự chủ của các địa phương; cơ hội và giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài chính của chính quyền địa phương tại Việt Nam.

Cho tới thời điểm này, đây chính là hội thảo duy nhất tập trung được các đại diện đến từ các cơ quan trung ương (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước); địa phương (Ủy ban Nhân dân, Sở tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư của các tỉnh, thành phố, cùng với các Quỹ đầu tư phát triển địa phương) và ngân hàng thương mại để cùng thảo luận về chủ đề này.

Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh trong những thập niên vừa qua với mức tăng GDP cao, GDP trên đầu người tăng từ 130 USD/người vào năm 1990 lên 2.050 USD/người vào năm 2016, tỷ lệ dân số sống tại khu vực đô thị tăng từ 20% tổng dân số lên 30,2% vào năm 2016, dân số tăng nhanh (trung bình hơn 1%/năm). Chính vì vậy, nhu cầu về hạ tầng thiết yếu (như đường, điện, nước, thông tin, vệ sinh môi trường) rất lớn. Khả năng tiếp cận các nguồn lực tài chính của chính quyền địa phương đóng vai trò then chốt để phát triển./.

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực