Thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Myanmar

Thứ tư, 13/03/2019 16:58
(ĐCSVN) – Theo Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương, tiềm năng hợp tác Việt Nam - Myanmar vẫn còn rất lớn và cần phải đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.
 
Nhân dịp Việt Nam và Myanmar tổ chức Kỳ họp lần thứ 9 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác song phương tại Hà Nội ngày 11 – 12/3/2019, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương về sự phát triển quan hệ Việt Nam – Myanmar cũng như biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.


Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương

Phóng viên (PV): Trong những năm gần đây, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Myanmar đã không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực. Đại sứ có thể nêu một số thành tựu nổi bật trong quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua?

 Đại sứ Luận Thùy Dương: Trong thời gian qua, đặc biệt là kể từ sau khi Việt Nam và Myanmar thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Myanmar tháng 8/2017 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi (4/2018), quan hệ giữa Việt Nam và Myanmar không ngừng phát triển trên mọi lĩnh vực.

Quan hệ chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố, đặc biệt là sự tin cậy chính trị tiếp tục được tăng cường. Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã nhấn mạnh việc tiếp tục trao đổi đoàn lãnh đạo các cấp và trên tất cả các kênh, bao gồm kênh Đảng, kênh Chính phủ, kênh Quốc hội và giao lưu nhân dân. Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền và Đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) của Myanmar tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Quốc hội hai nước có sự hợp tác và phối hợp hành động chặt chẽ, có hiệu quả tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế. Hai nước cũng đã trao đổi các biện pháp để thúc đẩy hợp tác du lịch, văn hoá, giáo dục và truyền thông, từ đó thúc đẩy giao lưu nhân dân. Các chương trình trao đổi học sinh, sinh viên các cấp học giữa hai nước đã được hai bên bàn tới. Quan hệ giữa các địa phương Việt Nam và các địa phương Myanmar (thành phố Hà Nội - thủ đô Nay Pyi Taw, thành phố Đà Nẵng - thành phố Mandalay, thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Yangon) được tăng cường.

Các hoạt động ngoại giao kinh tế, hỗ trợ thương mại và quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng sôi động hơn. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 870 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất siêu hơn 700 triệu USD. Myanmar là một trong số ít các thị trường mà Việt Nam xuất siêu và Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Myanmar.

Về đầu tư, Việt Nam đã ổn định ở vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Myanmar, đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Thái Lan) với tổng vốn đăng ký tính đến nay là gần 2,2 tỷ USD, chiếm 2,8% tổng số vốn đầu tư vào Myanmar. Đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam có hiện diện thương mại và đầu tư tại Myanmar dưới nhiều hình thức.

Hợp tác quốc phòng hai nước ngày càng chặt chẽ, sâu sắc và đã đi vào thực chất hơn so với thời gian trước. Hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ song phương và đa phương; tiến hành trao đổi đoàn quân sự các cấp, đồng thời mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác như đào tạo, quân y, tìm kiếm cứu nạn, giao lưu thể thao, chia sẻ thông tin và công nghệ kỹ thuật quân sự.

Hợp tác về an ninh giữa hai nước được đẩy mạnh từ sau khi đạt được Thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Myanmar tháng 11/2013. Gần đây nhất, tháng 2/2019, nhân chuyến thăm và dự Hội nghị song phương cấp Bộ trưởng Việt Nam - Myanmar lần thứ 3 của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, hai bên đã ký Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Liên bang Myanmar trong lĩnh vực phòng, chống tội phạm, là cơ sở pháp lý lâu dài cho các hoạt động hợp tác trong tương lai.

Có thể nói, đó là những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ giữa hai nước, là kết quả từ những thiện chí và nỗ lực của lãnh đạo các cấp, các bộ ngành và người dân hai bên, dựa trên sự tương đồng về các giá trị văn hóa hai bên, cũng như sự phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị đã được các thế hệ lãnh đạo và người dân hai nước dày công vun đắp qua các thời kỳ lịch sử.

PV: Vậy theo Đại sứ, trong thời gian tới, hai nước cần làm gì để đẩy mạnh quan hệ hợp tác, góp phần đưa mối quan hệ Việt Nam – Myanmar ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa?

Đại sứ Luận Thùy Dương: Tiềm năng hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất lớn và cần phải đưa quan hệ giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn.

Tại Kỳ họp lần thứ 9 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Myanmar vừa diễn ra tại Hà Nội, hai bên đã kiểm điểm tình hình hợp tác trên các lĩnh vực kể từ Kỳ họp lần thứ 8 (5/2015); đồng thời nhận thấy rằng vẫn còn nhiều tiềm năng và thế mạnh trong các lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp, văn hóa thể thao, du lịch, tài chính, ngân hàng, thông tin – truyền thông, giáo dục – đào tạo…, cần được đẩy mạnh khai thác trong thời gian tới.

Về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) đã ký về hợp tác thương mại năm 2017 và với mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1 tỷ USD trong năm 2020, thì công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa; khuyến khích trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường để tăng cường hiểu biết, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại. Hai bên cũng cần thúc đẩy đầu tư vào 8 lĩnh vực mà hai bên có nhu cầu và có tiềm năng: dệt may, công nghiệp tiêu dùng, năng lượng điện, chế biến thực phẩm-nông sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, du lịch…

Về quốc phòng, hai bên cần tiếp tục thực hiện trao đổi đoàn các cấp, mở rộng cấp quân khu và quân binh chủng, và sớm triển khai Đối thoại Chính sách quốc phòng song phương. Về an ninh, hai bên cần tăng cường hợp tác đi vào thực chất trong việc phòng và chống các loại tội phạm truyền thống, phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, rửa tiền, khủng bố… Nghiên cứu ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp giữa hai nước trong thời gian tới.

Kỳ họp lần thứ 9 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam - Myanmar tại Hà Nội
(Ảnh: Mạnh Hùng)

Về văn hóa, hai bên cần tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam – Myanmar giai đoạn 2019-2020. Hợp tác giáo dục cần được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các hội thảo, đối thoại, trao đổi sinh viên để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Trên cơ sở MOU về hợp tác giáo dục giữa hai nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sớm thúc đẩy các nội dung hợp tác về giáo dục đã có giữa hai nước, tăng cường hỗ trợ Myanmar trong việc đào tạo nghề và ngoại ngữ và triển khai các nội dung đã cam kết trong Biên bản ghi nhớ.

Về du lịch, cần tăng cường các hoạt động quảng bá, triển lãm, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ du lịch của hai bên. Cần tiếp tục có sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn giữa các Bộ, ngành của Việt Nam, đặc biệt là giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam với Bộ Văn hóa và Tôn giáo và Bộ Khách sạn và Du lịch của Myanmar, trong các hoạt động quảng bá và thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch giữa hai nước. Khuyến khích sự tham gia của các địa phương trong việc quảng bá du lịch đến từng người dân.

Để quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu hơn nữa thì việc tăng cường hiểu biết và phát triển quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để làm được điều này, ngoài việc trao đổi các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội thì cần chú trọng hơn các hoạt động giao lưu thanh niên Việt Nam và Myanmar.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Khánh Lan (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực