Thúc đẩy hợp tác kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nammibia

Chủ nhật, 20/05/2018 19:37
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đã trao thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Tổng thống Namibia Hage Geingob đề nghị Namibia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam làm việc với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp hóa Thương mại và
Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. (Ảnh:Tuấn Anh)

Từ ngày 15 – 17/5/2018, Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam đã có chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Namibia. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đã làm việc với các Bộ Quan hệ Quốc tế và Hợp tác, Nội vụ và Di trú, Môi trường và Du lịch, Nông nghiệp, nước Và Lâm nghiệp, Công nghiệp hóa, Thương mại và Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại các cuộc gặp, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam ôn lại sự ủng hộ quý báu của Chính phủ và nhân dân Namibia đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, chúc Nammibia sẽ đảm nhận thành công vị trí Chủ tịch Cộng đồng các quốc gia miền nam châu Phi (SADC) vào cuối năm nay và bày tỏ ủng hộ Chương trình Phát triển Quốc gia lần thứ 4 (NDP4) của Tổng thống Hage Geingob.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Vũ Hồng Nam đã trao thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi Tổng thống Namibia Hage Geingob đề nghị Namibia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021. Trên cơ sở tình cảm gắn bó giữa hai dân tộc trong cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc trước đây, phía Namibia ghi nhận tích cực và hứa xem xét ủng hộ Việt Nam trong cuộc bầu cử vào năm tới.


Thứ trưởng Vũ Hồng Nam làm việc với Bộ Quan hệ Quốc tế và Hợp tác. (Ảnh:Tuấn Anh)

Nhân chuyến thăm, hai bên đã trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và cùng nhất trí cần nêu cao vai trò của luật pháp quốc tế, đối thoại và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình đối với các điểm nóng ở các khu vực hiện nay. Thứ trưởng Vũ Hồng Nam thông tin về lịch sử tranh chấp trên Biển Đông, các diễn biến gần đây và quan điểm của các bên liên quan. Namibia ghi nhận quan ngại của Việt Nam trong vấn đề này.

Về kinh tế, hai bên nhất trí cần thúc đẩy hợp tác kinh tế tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Hai bên cùng thấy rằng kim ngạch trao đổi thương mại song phương còn rất hạn chế, chỉ đạt 3 triệu USD năm 2017 và nhất trí nỗ lực đa dạng hóa các mặt hàng trao đổi, chú trọng các mặt hàng có lợi thế như thịt bò, thịt gia súc, khoáng sản… của Namibia, máy nông nghiệp, phân bón, dệt may, linh kiện máy móc, điện thoại… của Việt Nam, đồng thời kết nối hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước để sớm tổ chức các đoàn doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội thương mại, đầu tư tại thị trường của nhau. Namibia bày tỏ mong muốn thu hút đầu tư và hợp tác kỹ thuật của Việt Nam trong các lĩnh vực du lịch, năng lượng (sản xuất, lắp ráp tấm thu năng lượng điện mặt trời), trồng chế biến bông, ngô, chăn nuôi chế biến thịt bò và thuỷ hải sản và hợp tác đào tạo  ngành nghề kỹ thuật. Mặc dù thị trường trong nước của Namibia nhỏ chỉ có 2,5 triệu dân trải dài trên diện tích hơn 800 ngàn cây số vuông nhưng khi đầu tư vào Namibia, các nhà đầu tư nên hướng tới thị trường hơn 200 triệu dân của Cộng đồng các quốc gia miền Nam châu Phi (SADC) cũng như cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc mà một số sản phẩm của Namibia đã được chấp nhận.

Trong dịp này, phía Namibia cam kết sớm phê duyệt Hiệp định miễn thị thực cho Hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ hai nước đã ký năm 2013 để tăng cường trao đổi đoàn giữa hai nước trong thời gian tới.

Namibia là quốc gia nằm ở Tây nam châu Phi, phía bắc giáp Angola, phía nam giáp Nam Phi, phía đông giáp Botswana và phía tây giáp biển Đại Tây Dương. Namibia tuyên bố độc lập năm 1990. Năm 2017, GDP tính theo sức mua đạt 27,7 tỷ USD; tổng nhập khẩu trị giá 6,7 tỷ gồm thực phẩm, vật liệu xây dựng, sản phẩm hoá dầu, máy móc, dược phẩm; tổng xuất khẩu trị giá 4,7 tỷ USD gồm kim cương, khoáng sản, thịt bò, thịt gia cầm, các sản phẩm cá./.

Mạnh Hùng -Tuấn Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực