Tiếp tục vun đắp truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào

Thứ bảy, 07/12/2019 15:29
(ĐCSVN) – Sáng 7/12, tại Nghệ An, Ủy ban Dân tộc, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và Bộ Nội vụ Lào tổ chức Hội thảo “Tiếp tục vun đắp truyền thống mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm về công tác dân tộc”.
leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng đất nước Xay Xổm Phon Phôm Vi Hẳn cùng các đại biểu dự  Hội thảo. 

Hội thảo là dịp hai nước cùng chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hợp tác đưa ra những đề xuất cụ thể đối với lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước nhằm bổ sung vào nhiệm vụ sắp tới của hai nước trên tiến trình hội nhập.

Tham dự Hội thảo, về phía Việt Nam có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’ré; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, cùng đại diện các ban, bộ, ngành ở Trung ương và tỉnh Nghệ An; cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống tại 10 địa phương có đường biên giới giáp với nước bạn Lào: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum.

Về phía nước bạn Lào có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xay Xổm Phon Phôm Vi Hẳn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Khăm Bay Đăm Lắt; Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Lào Khăm Mặn Sun Vị Lợt cùng đông đảo bà con sinh sống tại 10 tỉnh giáp biên với Việt Nam: Phong sa lỳ, Luông Pra băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, BoliKhămxay, Kham Muộn, Sạvannakhet, Salavan, Xê Kong và tỉnh Attapư.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chào mừng 300 đại biểu đến từ hai đất nước đã về tham dự Hội thảo và nêu rõ: Năm 2019, là năm có ý nghĩa quan trọng đối với hai nước Việt - Lào, là năm bản bản lề hoàn thành các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016-2020, đó là năm diễn ra các sự kiện đối ngoại quan trọng của hai nước. Tại các cuộc gặp, lãnh đạo cấp cao hai nước khẳng định lại tuyên bố chung về tiếp tục gìn giữ và vun đắp phát triển mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, không ngừng nâng cao hiệu quả quan hệ thiết thực, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, chuyến thăm Việt Nam của Đoàn cấp cao Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước và tham dự Hội thảo lần này và hoạt động giao lưu nhân dân của đồng bào các dân tộc thiểu số và người có uy tín sinh sống dọc tuyến biên giới hai nước Việt – Lào là dịp để chúng ta tiếp tục nâng cao nhận thức của các ngành các cấp, địa phương, cộng đồng các dân tộc thiểu số về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại Việt Nam - Lào, sự ủng hộ chí tình, chí nghĩa, thuỷ chung, trong sáng, có hiệu quả mà hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dành cho nhau trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và phát triển kinh tế ngày nay của hai nước. Đồng thời, nâng cao ý thức và gìn giữ, phát huy mối quan hệ thuỷ chung, gắn bó này cho các thế hệ mai sau.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh đến công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng vững chắc thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân, phòng chống tội phạm xuyên biên giới như tội phạm ma tuý, buôn bán người, buôn bán hàng hoá trái phép.

Đề cập đến các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam - Lào, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trọng tâm là các giải pháp và chính sách phù hợp về đất đai, tín dụng, đào tạo nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững. Bên cạnh đó, cần trao đổi các giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số sinh sống dọc tuyến biên giới Việt Nam - Lào nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước…

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với 8 nhóm giải pháp cụ thể. Chính vì vậy, Hội thảo là dịp để mỗi người Việt Nam lắng nghe, học tập kinh nghiệm những điều thú vị trong công tác dân tộc của Lào, để nghiên cứu, hoàn thiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể nêu trên. Qua đó, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân các dân tộc hai nước.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xay Xổm Phon Phôm Vi Hẳn phát biểu tại Hội thảo. 

Phát biểu tại Hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xay Xổm Phon Phôm Vi Hẳn khẳng định: Hội thảo là minh chứng sinh động cho mối quan hệ mật thiết, tốt đẹp giữa Việt Nam – Lào, Lào - Việt Nam. Hội thảo là dịp hai bên sẽ đánh giá khách quan, toàn diện về mối quan hệ và tìm ta giải pháp để xây dựng tuyến biên giới và tiếp tục xây dựng, củng cố tình đồng chí anh em, mối quan hệ bền vững giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước.

Đồng chí Xay Xổm Phon Phôm Vi Hẳn mong muốn muốn các đại biểu dốc hết trí lực, kinh nghiệm để làm nên thành công Hội thảo; chúc tình đoàn kết Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào ngày càng xanh tươi, đời đời bền vững mà nhiều Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo của hai nước đã dày công xây dựng và vun đắp.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận phân tích một cách sâu sắc, toàn diện các vấn đề về vai trò của hệ thống chính trị các cấp, của cộng đồng các dân tộc thiểu số, người có uy tín sinh sống dọc hai bên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam; các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; đồng thời cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm hay, những bài học quý trong công tác dân tộc của hai nước…

Tiếp thu 10 ý kiến tham luận tại Hội thảo, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương  MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là những ý kiến tâm huyết, sâu sắc, phản ánh đúng những vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn như: Tình hữu nghị gắn bó keo sơn và mối quan hệ đặc biệt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam; Kinh nghiệm về xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, cùng chung tay giữ gìn an ninh, trật tự ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực biên giới; Bài học về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống dọc tuyến biên giới hai nước; Kinh nghiệm xây dựng khối đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong bối cảnh hội nhập quốc tế…

leftcenterrightdel
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Hội thảo .

Đặc biệt, tình hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc Việt - Lào và các mô hình, bài học kinh nghiệm trong công tác dân tộc được khái quát về lý luận và được minh chứng bằng những số liệu thực tiễn đã giúp nhân dân thấy rõ hơn công lao to lớn của các thế hệ cha anh, của các đồng chí, đồng bào đã vun đắp mối quan hệ đặc biệt của cộng đồng các dân tộc thiểu số dọc tuyến biên giới Việt - Lào nói riêng, của hai nước nói chung.

Nhắc tới mối quan hệ Việt Nam - Lào trong gần 60 năm qua, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung và sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào đã và đang tiếp tục được củng cố, đổi mới và sâu rộng hơn, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển của mỗi nước.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, trong từng giai đoạn phát triển quan hệ của hai nước, của hai dân tộc Việt-Lào đều có sự đóng góp tích cực của đồng bào các dân tộc khu vực dọc hai bên đường biên giới. Chính vì vậy, Hội thảo đã thể hiện sinh động tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân hai nước và các dân tộc sống dọc biên giới Việt-Lào. Đồng thời nội dung rút ra từ Hội thảo này sẽ là những bài học quý để Mặt trận hai nước và Ủy ban Dân tộc tiếp tục kiến nghị với Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào hoàn thiện chính sách đối với các dân tộc thiểu số, cũng như đề ra các chương trình hành động thiết thực hơn nữa nhằm vận động, đoàn kết nhân dân khu vực 2 bên biên giới…/.

Tin, ảnh: Quốc Trung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực