Chuẩn bị xây dựng 5 cầu qua sông Hồng, sông Đuống trị giá 38.000 tỷ đồng

Thứ ba, 12/09/2017 17:39
(ĐCSVN) – Đó là thông tin được Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn cho biết tại hội nghị giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 12/9.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Vũ Duy Tuấn thông tin tại Hội nghị.
(Ảnh:TH)

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo và triển khai xây dựng 5 dự án cầu qua sông Hồng, sông Đuống, gồm: dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên; dự án xây dựng Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh; dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng; dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn 2 đầu cầu và dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.

Dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên tạo sự kết nối đồng bộ mạng giao thông từ Hồ Tây đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và thúc đẩy nhanh việc phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng, huyện Đông Anh. Dự án có tổng chiều dài 13,5km, trong đó phần cầu dài 3km và 10,5km đường nối, tổng mức đầu tư dự kiến 17 nghìn tỷ đồng được thực hiện theo hình thức PPP và BOT, thời gian hoàn thành vào năm 2021.

Trong khi đó, dự án xây dựng Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh nhằm mục tiêu giảm tải cho Cầu Đuống cũ đã xuống cấp, với quy mô cầu dài 0,5km, rộng 33 mét và đường dẫn 4,2km, mặt cắt 48 mét. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6 nghìn tỷ đồng được triển khai theo hình thức hợp đồng PPP, BOT.

Dự án cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng nhằm mục tiêu kết nối các quận trung tâm với khu vực phía đông thành phố, giảm áp lực cho cầu Long Biên và Chương Dương. Quy mô dự án dài 3km, rộng 20 mét, tổng mức đầu tư khoảng 7 nghìn tỷ đồng được thực hiện theo hình thức PPP, BT. Thời gian hoàn thành dự kiến năm 2019. Riêng dự án này, Thành phố đang xem xét 2 phương án xây dựng cầu hoặc hầm Trần Hưng Đạo qua sông Hồng, hiện các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước đang nghiên cứu để báo cáo UBND Thành phố.

Đối với dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn 2 đầu cầu, với mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển của huyện Gia Lâm, dự án sẽ xây dựng cầu có chiều dài 2.230 mét, rộng 29,5 mét; đường dẫn 2 đầu cầu dài gần 3,5km và rộng 50 mét. Tổng mức đầu tư trên 6 nghìn tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BT. Còn dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 nhằm hoàn thiện, đồng bộ tuyến đường vành đai 2, với quy mô đầu tư xây dựng cầu có chiều dài 3.054 mét, rộng 19,25 mét, tổng mức đầu tư gần 2,5 nghìn tỷ đồng theo hình thức BT.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vũ Duy Tuấn cho biết: Thành phố cam kết với các nhà đầu tư để triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư nhanh nhất, bằng cách thành lập các tổ liên ngành để hỗ trợ. Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Thành phố cũng trực tiếp chỉ đạo sát sao để đẩy nhanh tiến độ, đồng thời bố trí quỹ đất đối ứng cho các dự án; giao các quận, huyện tổ chức triển khai giải phóng mặt bằng theo tiến độ của dự án…

Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng mới 10 cầu qua sông Hồng, gồm: Cầu Việt Trì – Ba Vì; cầu Vân Phúc; cầu Hồng Hà; cầu Thượng Cát; cầu Tứ Liên; cầu/hầm Trần Hưng Đạo; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; cầu Ngọc Hồi; cầu Mễ Sở; cầu Phú Xuyên và 4 cầu qua sông Đuống, gồm: Cầu Đuống 2; cầu Ngọc Thụy, cầu Giang Biên, cầu Mai Lâm./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực