Cao Bằng: Nghị quyết “3 nhiều” phát huy hiệu quả ở Phúc Sen

Thứ ba, 02/02/2010 15:40

Trong những năm qua, Nghị quyết “3 nhiều” của Đảng bộ xã Phúc Sen huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng đề ra gồm “Trồng nhiều cây - Nuôi nhiều con - Làm nhiều nghề” đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phong trào sâu rộng được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Qua triển khai thực hiện Nghị quyết, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng ổn định và cải thiện rõ rệt. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua lao động sản xuất, xoá đói giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT - XH địa phương.

Là xã vùng II của huyện Quảng Uyên, Phúc Sen có 418 hộ, gần 2.000 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Nùng sinh sống ở 10 thôn, bản. Toàn xã chỉ có 267 ha đất canh tác và nhất là không chủ động được nước tưới tiêu nên điều kiện sản xuất hết sức khó khăn. Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, Đảng bộ xã đã chủ động xây dựng Nghị quyết “3 nhiều” và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết đề ra. Do đất canh tác bình quân đầu người ít nên xã đã tích cực vận động nhân dân đầu tư thâm canh tăng vụ, đưa giống mới vào sản xuất. Trên 1 diện tích canh tác, bà con đã trồng 2 - 3 vụ/năm. Ngoài cây lương thực chính như lúa, ngô, bà con còn mở rộng diện tích trồng các cây rau màu khác. Nhờ áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên năng suất các cây trồng mỗi năm đều tăng. Năm 2000, bình quân lương thực đầu người của xã mới đạt 400 kg/ngưòi/năm thì đến năm 2009 đã tăng lên trên 700 kg/người/năm. Xã cũng là địa phương đi đầu trong công tác khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng với độ che phủ rừng hiện nay trên 80%. Thực hiện chủ trương “Nuôi nhiều con”, bà con đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, tận dụng đất đai để trồng hoa màu, trồng cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc. Đến nay, đàn trâu của xã có 650 con, đàn bò 315 con, đàn lợn trên 3.000 con, đàn gia cầm trên 18.000 con… Ngoài sản xuất, chăn nuôi, Phúc Sen còn duy trì và phát triển một số nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, khai thác sản xuất vật liệu xây dựng và nghề rèn đúc nông cụ cầm tay… Cả xã hiện có 157 lò rèn với 470 thợ, hằng năm sản xuất được hàng vạn nông cụ cầm tay như dao, búa, liềm, lưỡi cày, bừa, cuốc… tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Sản phẩm rèn truyền thống của người dân Phúc Sen ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng bởi chất lượng tốt, không những có mặt trên địa bàn trong tỉnh mà đã vươn ra khắp cả nước.

Triển khai Nghị quyết “3 nhiều” ở Đảng bộ Phúc Sen đã góp phần cải thiện và nâng cao mức sống của người dân, giảm hộ nghèo từ 43% năm 2000 xuống còn 10,8% năm 2009. Xã Phúc Sen đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, số hộ khá, giàu ngày càng nhiều. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con đã tích cực đóng góp tiền của công sức cùng nguồn vốn của Nhà nước đã kiên cố hoá được trên 70% hệ thống kênh mương thuỷ lợi, 100% các xóm có đường ô tô, trong đó, 60% đường GTNT liên xóm đã được bê tông hoá. Trẻ em được tạo điều kiện đến trường, chất lượng giáo dục ngày càng nâng cao. Từ năm 2007 đến nay đã có 40 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, 100% xóm đạt danh hiệu văn hoá các cấp, trong đó có 3 xóm đạt danh hiệu xóm văn hoá cấp tỉnh. Những năm gần đây, xã Phúc Sen không có đảng viên mắc khuyết điểm phải đưa ra xem xét kỷ luật, trên 80% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, Đảng bộ liên tục đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực