Có nhiều ưu tiên, nhưng vì sao hợp tác xã phát triển chưa tương thích với tiềm năng?

Thứ hai, 29/08/2016 17:40
(ĐCSVN) - Ngày 29/8, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và một số Bộ, ban, ngành đoàn thể nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã trong thời gian tới.


Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc - Ảnh: PC


Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, đến nay, cả nước có hơn 150 nghìn tổ hợp tác và hơn 20 nghìn hợp tác xã (HTX), chiếm khoảng 13 triệu hộ với hơn 30 triệu lao động. Các tổ hợp tác và hợp tác xã phát triển ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề như: nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, dịch vụ thương mại… Hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã đã giúp các hộ thành viên nâng cao năng lực, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội ổn định chính trị địa phương.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự cũng cho biết: Tính đến ngày 01/7/2016, cả nước đã có hơn 9 nghìn hợp tác xã tiến hành chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012, chiếm 64%. Các HTX thành lập mới nhìn chung đúng hướng, đạt yêu cầu, quy mô ngày càng lớn và đặc biệt đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của thị trường và nguyện vọng của thành viên, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện hoạt động kinh doanh, thực hiện góp vốn theo quy định…

Tuy nhiên, từ khi triển khai Luật HTX 2012 đến nay và triển khai, thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về kinh tế tập thể, thời gian qua còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế không phù hợp với tình hình mới. Trong đó, việc chỉ đạo chuyển đổi, tổ chức lại hợp tác xã theo Luật HTX năm 2012 chậm. Một số tỉnh đã xây dựng đề án thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã nhưng còn vướng mắc trong thủ tục nên chưa thành lập hoặc chưa bố trí được kinh phí. Các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã ban hành chậm, thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tiễn; quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, hợp tác xã chưa tập trung, còn phân tán, manh mún, tách rời. Cụ thể, đến nay có 14 tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 18 tỉnh giao Sở Kế hoạch - Đầu tư; 13 tỉnh giao Liên minh Hợp tác xã và 18 tỉnh chưa giao cụ thể cho cơ quan nào.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự, một khó khăn lớn là công tác chỉ đạo kinh tế hợp tác, hợp tác xã từ Trung ương đến cơ sở không quyết liệt dẫn đến không hiệu quả; việc triển khai thực hiện chủ trương chính sách đã ban hành còn chậm, trong đó có chính sách về tín dụng, đất đai là một khó khăn lớn. Cụ thể, chỉ có 1,7% tổng số hợp tác xã được vay vốn, 2% số hợp tác xã được giải quyết về đất đai; về nguồn vố hỗ trợ trong 3 năm qua, lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên cả nước với 2 vạn hợp tác xã chỉ được hỗ trợ khoảng 1000 tỷ đồng từ Trung ương đến địa phương. Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Trung ương đã hoạt động 10 năm nhưng chỉ có 100 tỷ đồng…

Để khu vực kinh tế hợp tác, nòng cốt là hợp tác xã phát triển, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề xuất với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ một số kiến nghị nhằm nâng cao vai trò cũng như năng lực của hợp tác xã trong thời gian tới. Trong đó, có kiến nghị: Thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác; giao Liên minh làm thí điểm một số mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị; đề nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, nguồn lực...


Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự báo cáo về tình hình kinh tế hợp tác tại buổi làm việc - Ảnh: PC

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, khẳng định Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều đóng góp lớn cho quá trình phát triển kinh tế tập thể và Hợp tác xã.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, mặc dù đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển nhưng HTX phát triển chưa tương thích với tiềm năng, trong đó vấn đề tư duy về HTX kiểu cũ vẫn còn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, HTX kiểu mới bây giờ hoàn toàn khác mô hình HTX cũ. HTX kiểu mới không thủ tiêu kinh tế hộ mà làm cho kinh tế hộ, trang trại ngày càng phát triển.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, Quốc hội có Luật, Chính phủ có Nghị định, Chỉ thị và nhiều chính sách hỗ trợ nhưng vẫn chưa đi vào cuộc sống. Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tham mưu giúp cho Chính phủ trả lời câu hỏi tại sao nhiều cơ chế chính sách chưa đi vào cuộc sống, cần sửa đổi bổ sung cái gì, cần tổ chức thực hiện ra sao. Đồng thời, Đảng, Đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần rà soát, củng cố, kiện toàn bộ máy từ Trung ương đến địa phương tinh gọn, chuyên nghiệp, bám sát vào nhiệm vụ được giao để phát huy tối đa nguồn nhân lực của hệ thống.

Về kiến nghị của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nghiên cứu hoàn thiện Điều lệ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới, phát triển Kinh tế hợp tác, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên minh hợp tác xã Việt Nam làm Đề án, để trình Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, giao các Bộ, ngành liên quan rà soát trong phạm vi thẩm quyền của mình giải quyết các cơ chế chính sách, tài chính liên quan đến phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã…/.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực