Đảng bộ xã Anh Sơn: Biến nghị quyết Đảng thành ý chí của dân

Thứ năm, 07/01/2010 15:28

Xã Anh Sơn nằm ở vùng Tây - Nam huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, khuất nẻo dưới chân dãy núi Nga trầm mặc. Do hoàn cảnh địa lý không mấy thuận lợi nên điều kiện và tiềm năng phát triển của địa phương dường như không có gì, kể cả khi bước sang thời kỳ đổi mới, xã Anh Sơn cũng ít có tác động tích cực để tạo đà cho sự vươn lên như các xã lân cận. Đó cũng chính là những trăn trở, day dứt của lãnh đạo xã trong hàng chục năm qua và cũng chính là sự đòi hỏi thúc bách của Đảng bộ và nhân dân Anh Sơn.

Đại hội Đảng bộ xã Anh Sơn lần thứ 19 (1999) được xem là cuộc chuyển giao thế hệ với sự đồng thuận cao giữa lãnh đạo cũ và mới. Thế hệ trước ủng hộ, khích lệ thế hệ lãnh đạo sau mạnh dạn, sáng tạo và đặc biệt là phát huy cao độ quyền dân chủ của nhân dân về mọi mặt. Khi người dân Anh Sơn nhận thấy mình được nâng cao quyền dân chủ, họ đã mạnh dạn đóng góp với lãnh đạo xã nhiều cách làm thiết thực, đổi mới cách làm ăn cũng như quản lý xã hội. Nói như vậy không phải là thế hệ lãnh đạo kế nhiệm đã hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu. Họ giàu lòng nhiệt tình, năng nổ với quê hương, nhưng còn lúng túng trong lãnh đạo, điều hành và quản lý.

Những năm đầu tiên của nhiệm kỳ chuyển giao thế hệ, Đảng bộ Anh Sơn hoạt động cầm chừng, thụ động, thiếu giải pháp cụ thể, thiết thực do vậy các hoạt động trong xã vẫn ì ạch, rời rạc. Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Anh Sơn vẫn ở loại trung bình, địa phương chậm phát triển. Huyện ủy Tĩnh Gia phải tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của một số đảng bộ xã yếu kém, trong đó có Anh Sơn.

Sau khi cán bộ cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã Anh Sơn liên tục được đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực làm việc, họ thấy mình được mở ra một chân trời mới để bước vào đại hội đảng bộ lần thứ 20 với tinh thần “Tất cả cho quê hương Anh Sơn đổi mới phát triển”. Nghị quyết đảng bộ xã đề ra phương châm “Thu trong - Hút ngoài” với ý nghĩa sâu sắc để phát huy nội lực tại địa phương, đảng ủy tổ chức đợt tuyên truyền tư tưởng trong toàn đảng bộ và nhân dân nhận rõ ý nghĩa của nghị quyết, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở. Ví như chương trình xóa nhà tạm bợ được triển khai xuống dân thì tất cả người dân sống tại địa phương đến người dân Anh Sơn ở tỉnh ngoài cũng đều đóng góp tiền, của xây dựng 54 căn nhà mới, thay thế số nhà tạm bợ, dột nát trong một thời gian ngắn.

Ngoài ra, Đảng bộ Anh Sơn luôn xác định các chương trình khi được đưa vào nghị quyết đảng bộ thì mỗi cán bộ, đảng viên phải biến nó thành ý chí của toàn dân. Từ ý chí phải thể hiện bằng việc làm cụ thể để dân cùng tham gia, nếu có ý kiến thắc mắc của dân phải lập tức được giải thích. Phạm vi của thôn thì cán bộ thôn giải thích, của đoàn thể nào thì đoàn thể đó giải thích, nếu chưa thuyết phục thì cán bộ xã phải làm cho thấu đáo. Trách nhiệm của đại biểu HĐND và tổ HĐND ở từng thôn là nâng cao vai trò giám sát, nắm tâm tư, nguyện vọng của dân để cùng cán bộ tuyên truyền, vận động cho dân nhận rõ và giải tỏa được các vướng mắc. Có vụ việc dân phản ánh những sai trái của cá nhân cán bộ, đảng ủy đã chỉ đạo kiểm tra xem xét xử lý ngay, cán bộ có khuyết điểm phải tự kiểm điểm nghiêm túc trước dân. Cách làm này của cán bộ, đảng viên xã Anh Sơn đã có tính thuyết phục và niềm tin khá cao trong nhân dân, đặc biệt là đối với cán bộ chủ chốt xã. Chính vì vậy mà có những thôn chịu thiệt thòi vì chậm có điện lưới tới 3 năm, người dân vẫn thông cảm với lãnh đạo xã. Không những thế, dân còn chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, tồn tại và tiếp tục đóng góp để sớm được giải quyết.

Đảng ủy xã Anh Sơn chủ trương không được huy động sức dân một cách tràn lan, tùy tiện, công việc nào thì huy động dân đóng góp bằng tiền; công việc nào thì huy động sức lực, ngày công tất cả đều được dân bàn bạc, góp ý. Vì vậy, người dân Anh Sơn đã tự nguyện bạt cả góc đồi, mở rộng 3.000 mét vuông sân trường tiểu học sau khi đã đóng góp tới 328 triệu đồng xây dựng 8 phòng học kiên cố. Năm 2003, dân đóng góp 200 triệu đồng trên tổng giá trị 1,3 tỷ đồng xây dựng trường THCS xã và 220 triệu đồng xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ. Năm 2009, dân đóng góp 180 triệu đồng/1,6 tỷ đồng xây dựng trường mầm non; dân đóng góp 340 triệu đồng, xây dựng 9 km kênh mương kiên cố, trong đó tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng. Mở rộng, nâng cấp và rải nhựa 5 km các đường trục chính trong xã với tổng giá trị hơn 3 tỷ đồng, trong đó huy động sức dân 180 triệu đồng. Nhiều cầu cống nhỏ trên đường làng, xã được sửa chữa lại vững chắc; 5 thôn đã có nhà văn hóa khang trang, đẹp đẽ. Bình quân mỗi người góp 150.000 đồng/năm, nếu đóng góp vào năm sau thì tăng lên 180.000 đồng/người dân cũng nhất trí cao. Mỗi công trình xây dựng của xã đều được UBND xã cân đối vốn phù hợp, đầy đủ thủ tục hồ sơ, làm đúng thiết kế, có ban chỉ đạo giám sát chặt chẽ do dân tham gia, quyết toán công khai mạch lạc trước dân.

Gương mặt xã nghèo Anh Sơn mỗi năm thêm một đổi mới, người dân Anh Sơn càng hồ hởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng bộ, chính quyền. Cán bộ xã thêm hăng hái làm việc. Đảng bộ Anh Sơn đang chuẩn bị bước vào đại hội lần thứ 22 đầu năm 2010 với khẩu hiệu: “Niềm tin vững - Đồng thuận cao -Trí tuệ sáng, đưa Anh Sơn thoát khỏi đói nghèo”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực