Đảng bộ xã Hương Cần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu đã đặt ra

Thứ năm, 28/01/2010 15:35

Kế tiếp các kỳ Đại hội, nhiệm kỳ vừa qua, nhờ sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong xã, đến nay các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ xã Hương Cần - huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2005 -2010) đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.

 

Từ sự hỗ trợ của Ngân hàng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn và huy động sự đóng góp của các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, Trường THCS Hương Cần đã trang bị được hai phòng máy vi tính đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt việc dạy và học trong nhà trường.  

Là một xã miền núi diện tích rộng, dân số đông, có truyền thống trong xây dựng phát triển và giữ được phong trào, cấp uỷ, chính quyền, nhân dân xã Hương Cần đã biết phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, nhất là từ chương trình 134, 135, chương trình CT 29… phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội và xây dựng Đảng. Hiện nay, Đảng bộ xã có 215 đảng viên, sinh hoạt tại 22 chi bộ, trong đó có 16 chi bộ nông thôn, 3 chi bộ nhà trường, 1 chi bộ doanh nghiệp, 1 chi bộ HTX điện năng và 1 chi bộ khối cơ quan.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, từ sự đoàn kết thống nhất và nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong xã nên hàng năm, hàng quý, Đảng bộ xã đều xây dựng được các Nghị quyết, giải pháp phù hợp chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương. Tổng kết nhiệm kỳ, có 19 chi bộ đạt TSVM, không có chi bộ trung bình, yếu kém; tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên luôn ở mức cao, trên 90%. 5 năm liên tục, Đảng bộ xã đạt TSVM và TSVM tiêu biểu xuất sắc; chính quyền 5 năm liền đạt TSVM; MTTQ và các tổ chức đoàn thể đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chú trọng và triển khai tích cực công tác đào tạo cán bộ và xây dựng Đảng, 5 năm qua, Hương Cần đã thành lập mới được 5 chi bộ, 163 quần chúng ưu tú được cử đi học lớp đối tượng đảng, trong đó kết nạp mới được 87 đảng viên, tăng 7 đảng viên so mục tiêu đại hội…120 lượt cán bộ, đảng viên được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trong đó 18/20 cán bộ công chức chuyên trách xã được cử đi học đại học.

Trong phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã xác định: Tập trung mọi nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tận dụng và khai thác mọi tiềm năng sẵn có của địa phương, nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các loại hình dịch vụ, thương mại, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nâng cao giá trị hàng hoá trong các sản phẩm nông nghiệp… Với nhận thức đó, Đảng bộ đã chỉ đạo việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu cây, con, mùa vụ, mở rộng diện tích gieo trồng, đưa vụ đông thành vụ chính trong năm. Nhờ đó, tổng sản lượng quy thóc hàng năm đều tăng lên rõ rệt, bình quân lương thực đầu người đạt trên 380 kg/người/năm, thu nhập bình quân đạt trên 7,5 triệu đồng/ người/năm. Hiện nay, xã cơ bản xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 53% đầu nhiệm kỳ xuống còn 34,7% năm 2009... Việc phát triển kinh tế theo mô hình VAC và trang trại nhỏ ngày càng có hiệu quả. Ngoài 140ha rừng kinh tế cho thu nhập bình quân mỗi năm 3-4 tỷ đồng, ở xã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây có giá trị như: luồng Thanh Hoá, măng Bát Độ, cây ăn quả có diện tích trên 42 ha, cây chè trên 30 ha đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo đảm sinh thái môi trường. Nhiều hộ gia đình đã kết hợp phát triển kinh tế đồi rừng với chăn nuôi đại gia súc cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm... Từ một xã nghèo, đi lại khó khăn, Hương Cần đã trở thành trung tâm cụm xã và được đánh giá là xã dẫn đầu trong khu vực về tốc độ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là các loại hình kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại; thực sự phát huy được vị trí “trung tâm” vùng của mình để có sức ảnh hưởng lan tỏa đến các xã lân cận. Chợ Hương Cần được đầu tư xây dựng hơn 400 triệu đồng dù vẫn hoạt động theo phiên, nhưng là chợ lớn nhất của khu vực, thu hút được đông đảo người từ Hoà Bình sang, Thanh Thủy vào và các xã liền kề đến lưu thông, buôn bán. Ngoài các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, xã đã hình thành khu phố sản xuất với các hoạt động buôn bán, thông thương hàng hóa với hơn 40 xe ô tô làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá, gần 400 hộ kinh doanh dịch vụ. 5 năm vừa qua, tổng thu nhập từ các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ, vận tải, chế biến của xã đạt trên 251 tỷ đồng, vượt 7,2% so với mục tiêu đại hội.

Chủ động nắm bắt thời cơ, năng động với thời cuộc, ngay khi đường 316 và các tuyến đường liên huyện, liên xã nối Hương Cần với các xã trong khu vực được hình thành, đồng thời với việc xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển quy hoạch, xây dựng các khu dân cư chạy dọc 9km đường 316 thành trung tâm dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp và trung tâm đô thị loại 5 của khu vực, BCH Đảng bộ xã cũng xây dựng các Nghị quyết và đề ra giải pháp xây dựng các tiểu vùng sản xuất nông lâm sản, khu làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp - vật liệu xây dựng, khu trung tâm kinh tế tổng hợp, dịch vụ, khu vực phát triển nghề rừng và chăn nuôi… theo từng đặc điểm địa hình và điều kiện tự nhiên của từng khu dân cư. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cá nhân có điều kiện vay vốn để mở doanh nghiệp, cửa hàng, đại lý bán lẻ ở trung tâm xã, trên cơ sở đó thành lập các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở nơi khác đến xây dựng, khai thác tiềm năng sản xuất vật liệu xây dựng của xã. Hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về xoá nhà tạm cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách…, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, đảng uỷ xã ra Nghị quyết chuyên đề về việc triển khai cho tất cả các khu dân cư đóng gạch xi măng để xoá 241 nhà tạm và thay thế dần nhà gỗ bằng nhà xây với mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ tới (2010 – 2015) toàn xã có từ 70 – 80% nhà xây. Đặc biệt, nhờ biết phát huy nội lực và thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, xã đã huy động được sức dân tự trang bị thêm 1 máy biến áp, làm thêm 10,7 km đường điện hạ thế, đưa tổng số trạm biến áp của xã lên 4 trạm với 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; xây dựng trường học, các công trình giao thông thuỷ lợi, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà văn hoá khu dân cư…với tổng giá trị đầu tư 10,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 2,76 tỷ đồng. Đặc biệt, bằng các nguồn vốn Trung tâm cụm xã, chương trình 135, chương trình kiên cố hóa trường học..., các công trình giáo dục từ cấp học mầm non, tiểu học, đến THCS đã được xây dựng mới ở Hương Cần với tổng nguồn vốn lên đến gần 5 tỷ đồng, trong đó trường Tiểu học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục của Hương Cần từng bước được nâng lên, số lượng các cháu theo học các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp thường xuyên gần 100 cháu. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tại khu dân cư” cũng được các cấp lãnh đạo trong xã đặc biệt quan tâm với 100% khu dân cư có nhà văn hoá, hơn 85% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 4 khu được đề nghị công nhận khu dân cư văn hoá cấp tỉnh. Trật tự an toàn xã hội được giữ vững, không có các tai, tệ nạn xã hội và các vụ trọng án xảy ra trên địa bàn.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2005, Đảng bộ và nhân dân Hương Cần đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp; năm 2006 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2007 được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thưởng đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua. Từ năm 2002 đến nay liên tục được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tặng cờ thưởng thi đua xuất sắc, Kỷ niệm chương Hùng Vương và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực