Hoài Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017

Thứ ba, 06/06/2017 20:41
(ĐCSVN) - Sáng 6/6, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng – Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” đã đến kiểm tra tiến độ tại huyện Hoài Đức(Hà Nội).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm và làm việc tại huyện Hoài Đức. (Ảnh:TH)

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kinh tế trên địa bàn huyện Hoài Đức tiếp tục phát triển trên các lĩnh vực, đảm bảo tăng trưởng khá 11,9% so với cùng kỳ. Thu ngân sách của huyện đạt cao, trong đó một số chỉ tiêu thu đã đạt và vượt so với kế hoạch năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm ước đạt 780 tỷ đồng, đạt 64,6% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ một số sản phẩm chủ lực như vùng chuyên canh cây ăn quả 540ha, vùng rau an toàn gần 300ha…

Về xây dựng nông thôn, đến hết năm 2016, huyện Hoài Đức có 19/19 xã được UBND Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%. Ngay từ đầu năm 2017, huyện đã phối hợp với các ngành, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới.Tính chung tổng kế hoạch vốn từ đầu năm đến nay huyện đã đầu tư cho xây dựng nông thôn mới là 632 tỷ đồng, triển khai đồng bộ kế hoạch đầu tư xây dựng triển khai thực hiện các dự án liên quan xây dựng nông thôn mới như: trường học, nhà văn hóa thôn, các công trình giao thông…đặc biệt huyện đã huy động được hàng chục tỷ đồng từ nhân dân để xây dựng nông thôn mới.  Huyện Hoài Đức phấn đâu đạt nông thôn mới trong năm 2017.

Để tập trung phát triển nông nghiệp, huyện đã tập trung các biện pháp thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổ chức kê khai đăng ký đất đai được trên 7.000 thửa, hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa và cấp lần đầu cho khoảng 1.200 thửa đất theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã trồng mới được hơn 29ha cây ăn quả và chuyển đổi 32ha từ trồng cây ăn quả kém hiệu quả sang trồng rau.

Việc thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện và các xã được quan tâm chỉ đạo. Chú trọng hỗ trợ duy trì và phát triển sản xuất tại các làng nghề, hỗ trợ các vùng sản xuất chuyên canh nâng cao giá trị sản phẩm tăng thu nhập cho nhân dân tại các vùng nông nghiệp chuyên canh. Huyện luôn quan tâm các hộ nghèo, các hộ gia đình chính sách, người có công thực tốt các chương trình an sinh xã hội, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai Chương trình 02 của huyện Hoài Đức vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục khắc phục. Đó là tiến độ triển khai các nội dung liên quan đến phát triển vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao còn chậm. Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng một số xã còn chưa nghiêm, chưa phát hiện, ngăn chặn xử lý kịp thời, việc xử lý vi phạm chưa triệt để và vẫn để phát sinh vi phạm mới. Tiến độ triển khai các dự án trọng điểm của huyện, thành phố chưa đảm bảo kế hoạch đề ra như: Dự án đường Vành đai 3.5, trường Mầm non Đức Giang, trường Mầm non Kim Chung, trường THPT Hoài Đức C, đường Cầu Khum – Đìa Sáo…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu huyện và các xã tích cực công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức thiết thực để xác định xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp toàn dân. Dù các xã đã đạt nông thôn mới nhưng cần duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí, trong đó chú trọng tiêu chí về văn hóa, vệ sinh môi trường.

Đồng chí Ngô Thị Thanh hằng đề nghị huyện cần chú trọng phát triển các mô hình quy mô lớn, sản phẩm sạch, đặc biệt là các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục tuyên truyền và phát triển các mô hình đã có thương hiệu, gắn kết giữa người nông dân và doanh nghiệp để cung cấp cho thị trường những sản phẩm sạch từ đó tiến đến xuất khẩu thêm nhiều nông sản.

Đối với vấn đề xây dựng nông thôn mới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các xã cần rà soát lại các tiêu chí về vệ sinh môi trường, thu nhập, giao thông…, lồng ghép với xây dựng đô thị văn minh trong quá trình huyện đang quá trình đô thị hóa nhanh. Đồng thời gắn hương ước, quy ước của làng xã với bộ quy tắc ứng xử của người Hà Nội văn minh - Thanh lịch. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu các Sở, ngành của thành phố nghiên cứu để tạo điều kiện cho huyện mở rộng diện tích các vùng rau an toàn, tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã đi thăm cơ sở sản xuất hương thơm của gia đình ông Nguyễn Đình Cường, xã Lại Yên; mô hình sản xuất rau an toàn xã Tiền Yên; thăm trường Mầm non xã Yên Sở, huyện Hoài Đức…/.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực